Mạng xã hội và nguy cơ 'đồng hóa' văn hóa

(PLVN) - Sự giao lưu và trao đổi văn hoá trong xu thế toàn cầu hoá đồng thời mang đến nhiều bất cập. Văn hoá ngoại nhập tấn công ồ ạt và không có kiểm soát, đặc biệt với sự trợ giúp của Internet, gây nên những cuộc khủng hoảng giữa giá trị mới và giá trị cũ. Trong khi đó, một bộ phận người trẻ Việt ngày càng ứng xử theo kiểu “lai căng”, “sính ngoại”, gây phản cảm. Liệu người Việt có dễ bị “đồng hoá” hơn trên mạng xã hội?
Nhiều người trẻ quan niệm sai lệch văn hóa dân tộc lạc hậu, chậm tiến với thời đại.
Nhiều người trẻ quan niệm sai lệch văn hóa dân tộc lạc hậu, chậm tiến với thời đại.

Chỉ đồ “ngoại” mới… xứng?

“Nuôi con kiểu Nhật”,”dạy con theo cách của người Do Thái”, “phong cách thời trang Hàn Quốc”, “truyện tranh Nhật Bản”, “ngôn tình Trung Quốc”… là những từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trên Internet hiện nay. Điều này cũng cho thấy, đây là một số xu hướng “ngoại nhập” đang được ưa chuộng bởi một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ. 

Trong thời đại số, một ngày có hàng vạn thông tin được chia sẻ thông qua mạng xã hội, chỉ với một cú click chuột. Có thể thấy, văn hóa ngoại đang được nhập khẩu không kiểm soát trên mọi lĩnh vực, với sự trợ giúp của Internet.

Đơn cử, trong lĩnh vực điện ảnh, tại những khung giờ vàng, những bộ phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc dài tập sẽ xuất hiện trên hầu hết các kênh TV thay vì các bộ phim Việt Nam. Lo ngại phim Việt không thể cạnh tranh, điện ảnh Việt thậm chí còn mua bản quyền kịch bản của các bộ phim đình đám của Hàn Quốc hay Nhật Bản để chuyển sang phiên bản Việt nhằm thu hút người xem nhiều hơn: Hậu duệ mặt trời, Gia đình là số một, Gạo nếp gạo tẻ, Bố ơi mình đi đâu thế, Cuộc đua kỳ thú…

Nền điện ảnh Việt đang bị áp đảo bởi nhiều phim ngoại.
 Nền điện ảnh Việt đang bị áp đảo bởi nhiều phim ngoại.

Hay về lĩnh vực thương mại và tiêu dùng, cùng với làn sóng văn hóa, hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm Hàn, quần áo, giày dép phụ kiện Hàn Quốc cho tới chuỗi các nhà hàng Hàn Quốc, ẩm thực Nhật Bản, các siêu thị trái cây Mỹ, NewZealand,…tấn công ồ ạt vào thị trường Việt Nam có khả năng “áp đảo” hoàn toàn các sản phẩm nội địa. 

Còn trong âm nhạc, Vpop vẫn chiếm cứ sự quan tâm của phần lớn giới trẻ Việt, tiếp sau đó là các nền âm nhạc Âu Mỹ, Nhật, Trung… Ngay chính trong nhạc trẻ của ca sĩ Việt, rất nhiều bài hát phải chèn thêm các câu hát bằng tiếng Anh, tiếng Hàn, hoặc pha trộn phong cách của các nền văn hoá khác như Thái, Hàn, Trung, Mỹ… 

Theo một kết quả khảo sát về thói quen nghe nhạc của sinh viên, có tới khoảng 54,5% sinh viên thích và thường xuyên nghe nhạc Hàn, Âu Mỹ và không bao giờ nghe nhạc Việt. Các bài hát đi vào lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, âm nhạc truyền thống của dân tộc ắt hẳn khó thể tồn tại trong “bộ nhớ” của họ. 

Nhưng đáng buồn hơn là một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hâm mộ và sùng bái thần tượng của mình một cách thái quá, mất kiểm soát. Chỉ cần có thông tin một nhóm nhạc Hàn Quốc sắp có chuyến lưu diễn tại Việt Nam, không khó gặp hình ảnh các bạn trẻ ăn nằm ở sân bay, trên tay là những tấm băng rôn, áp phích in hình thần tượng.

Sẵn sàng trộm tiền bố mẹ, bỏ học, hiến thân để được gặp thần tượng, thậm chí từng có fan nữ (Hà Nội) đòi tự tử, giết bố mẹ với tuyên bố hùng hồn “bố mẹ có thể không có nhưng các anh phải luôn là số một”…. 

Đó chỉ là một số biểu hiện nhìn thấy được. Nhưng điều mà không phải ai cũng cảm nhận được là không ít giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang bị thay đổi trong đời sống hằng ngày, trong từng con người nói riêng, và trong xã hội nói chung.

Ngày càng xuất hiện nhiều việc làm, hành vi, bài viết, chia sẻ trên Internet truyền bá tư tưởng “sùng ngoại”. Từ lối sống, ăn uống, đi lại, ăn mặc, việc làm, đến cả việc dạy con cái, tư duy, quan niệm sống, quan niệm điều hành quản lý xã hội... Điều nhức nhối là họ cho rằng những gì của cha ông, của dân tộc đều là thứ lạc hậu, trì trệ.

Nhiều bạn trẻ ưa chuộng lối sống Tây vì cho rằng thế mới thời thượng.
 Nhiều bạn trẻ ưa chuộng lối sống Tây vì cho rằng thế mới thời thượng.

Duy trì nền văn hóa nước nhà chính là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại, các giá trị văn hóa ấy có nguy cơ dần bị mai một. Người trẻ không còn biết tới lịch sử ngàn năm dựng nước của cha ông, văn hóa làng xã, lối sống coi trọng tình cảm gia đình và phong tục tập quán lâu đời của dân tộc.

Như một lẽ tất yếu, họ cũng cho rằng việc duy trì các tín ngưỡng dân gian, các quy tắc đạo đức và phong tục là đi chậm so với thời đại. Với chính sách mở cửa thị trường, hội nhập với bạn bè quốc tế, nhiều người lo ngại niềm tự tôn dân tộc càng ngày càng mờ nhạt trong những thế hệ đi sau.

Người trẻ hiện giờ ít mặc những trang phục mang hơi hướng truyền thống của Việt Nam; họ ưa chuộng mặc đồ có thương hiệu nước ngoài để thể hiện bản thân mình, dù sản phẩm nội địa có giá thành thấp hơn, chất lượng không thua kém. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ khác trong cuộc sống hiện nay.

Hiện tượng này bắt nguồn từ một lối mòn suy nghĩ “Đồ nước ngoài, được sản xuất từ các đất nước được cho là văn minh hơn ta thì phải ngon hơn, xịn hơn, đảm bảo chất lượng hơn”. Nôm na rằng, “cái gì giờ cũng phải học theo Tây, làm theo cách của Tây, hành xử và thái độ cũng như Tây,”…. 

Quên… “lối đi dưới chân mình”

Theo Báo cáo Digital Marketing Việt Nam mới nhất: “Năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 36%. Trong đó, có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017. 94% là tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày. Cụ thể, người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet”.

Như vậy, tần suất người dùng truy cập ở Việt Nam rất cao và người ta coi Internet như một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống hiện đại của người Việt. Mà mạng xã hội được ví von như một “loại rượu mạnh”, rất dễ gây nghiện với người dùng. Với sự trợ giúp của Internet và mạng xã hội, “cơn sốt” ngoại nhập càng được “khuếch tán” mạnh mẽ.

Xâm lăng văn hoá là vấn nạn chung của nhiều nước.
 Xâm lăng văn hoá là vấn nạn chung của nhiều nước.

Nhiều thanh niên ở Việt Nam ngày nay sống không có lý tưởng. Rất nhiều bạn trẻ dùng mạng xã hội chỉ để … giết thời gian. Có ý kiến cho rằng, sự tiếp nhận văn hóa từ lớp trẻ đang phổ biến là xu hướng hưởng thụ. Họ cuồng nhiệt tiếp nhận những yếu tố văn hóa ngoại lai không có giá trị nhân văn - thẩm mỹ để sống gấp, sống hưởng thụ và coi như vậy mới hợp thời thượng.

Họ cảm thấy xấu hổ khi không sống theo thần tượng như bạn bè họ. Đó cũng chính là lúc văn hóa ngoại nhập dần dần đi sâu vào tiềm thức người trẻ thông qua các tin tức về các ngôi sao thần tượng, họ ăn gì, chơi gì, đi đâu và làm gì đều được các bạn trẻ cập nhật và chia sẻ cho nhau hàng giờ, hàng ngày.

Tình trạng này dẫn đến nhiều giá trị cơ bản của con người và xã hội bị đảo lộn, thậm chí bị coi thường. Tỉ như câu chuyện cô gái sẵn sàng hiến thân để gặp thần tượng, hay cô fan girl doạ giết bố mẹ vì không cho đi show của các “oppa” Hàn Quốc… Đáng buồn nhưng cũng đáng trách!

Bị đồng hóa, hay còn gọi là “bị nô dịch văn hóa” thể hiện rõ nhất ở lối sống, lối ứng xử, trong cách tiếp nhận và thay đổi quan niệm về giá trị vật chất, tinh thần của từng cá nhân, từng gia đình, rồi lan dần giữa các tầng lớp trong xã hội. Càng nhiều người luôn phải ca ngợi, đánh bóng, tâng bốc nền văn hoá của người khác lên cao, coi “ngoại nhập” là ưu việt.

Nhưng ngược lại họ sẵn sàng quay ra vùi dập, dè bỉu nền văn hoá của chính mình; mà không nhận thấy rằng chính nền văn hoá đó đã khai sinh những giá trị cốt lõi luôn hiện hữu ở họ. “Trào lưu” hay “căn bệnh” là do quan điểm của mỗi người.

Có ý kiến cho rằng đó cũng chính là “sự xâm lăng văn hoá”. Nhưng khác với trước đây, sự xâm lăng văn hoá ngày nay âm thầm song hành cùng những cuộc xâm lăng kinh tế, bằng sự tràn ngập phim ảnh, sách báo, văn hóa phẩm, thời trang... 

Quả thực, một trong những phương pháp hữu hiệu nhất là dùng phương tiện truyền thông để xâm lăng văn hóa. Đặc biệt, khi internet trở thành phổ cập thì dòng chảy của những cuộc “xâm lăng văn hóa” càng trở nên mạnh mẽ, tưởng chừng không hề có biên giới.

Nó đánh vào tư duy, hành vi của từng cá nhân, nhất là người trẻ tuổi. Với xu hướng hội nhập, công dân toàn cầu, việc giao thoa văn hóa là điều tất yếu. Sự tiếp nhận, ảnh hưởng văn hóa qua lại giữa các quốc gia không chỉ giúp thắt chặt thêm mối quan hệ đối ngoại mà còn làm tăng cường vốn hiểu biết, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của công dân mỗi nước.

Song, thiết nghĩ, vẫn cần có những chính sách kiểm soát nạn văn hóa nước ngoài xâm nhập ồ ạt, thiếu chọn lọc trong thời kỳ “thế giới phẳng”, cũng như phải đặc biệt thận trọng với … Internet và mạng xã hội.