Kiếm nửa tỉ đồng mỗi tháng nhờ nội dung nhảm nhí
Kênh YouTube của Ngô Bá Khá (26 tuổi, quê Bắc Ninh, tức Khá Bảnh) từng đạt nút vàng, có hàng triệu lượt theo dõi. Điều này khiến Khá Bảnh kiếm tiền “khủng” mỗi tháng nhờ các clip nhảm nhí, thể hiện máu giang hồ. Thoải mái lộng hành trên YouTube, thể hiện cái tôi cá nhân, muốn làm gì thì làm cũng khiến Khá Bảnh, một kẻ ngông cuồng trở thành thần tượng trong lòng một bộ phận giới trẻ, trong số đó đa số là các em học sinh.
Sau khi Khá Bảnh bị bắt, YouTube đã tắt chức năng kiếm tiền trên kênh của Khá Bảnh. Cục Phát thành – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã gửi văn bản yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ YouTube khoá kênh của nhân vật này. Ngày 3/4, kênh của Khá Bảnh trên YouTube đã chính thức biến mất.
Cùng với Khá Bảnh, hàng loạt nhân vật “giang hồ mạng” khác như Ngân Trọc, Phạm Tuấn, Dương Minh Tuyền… cũng biến mất khỏi YouTube. Số còn lại, các kênh của Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng, Phú Lê… chưa bị khóa nhưng chủ nhân các kênh này đã kịp “chuyển hướng”.
Những clip về dao kiếm, giang hồ, chửi bới đã nhường chỗ cho các clip về tình huynh đệ, làm tự thiện, clip ca nhạc hoặc… cuộc sống vợ chồng hạnh phúc(!). Chỉ không biết là sự “ngoan ngoãn” này kéo dài được bao lâu.
Được biết, Khá Bảnh kiếm được từ vài trăm đến nửa tỉ đồng hàng tháng. Những kênh YouTube của Dương Minh Tuyền hay các “giang hồ mạng” khác ít ỏi cũng thu nhập trên dưới 100 triệu đồng mỗi tháng.
Điều đáng lên án, hàng loạt kênh YouTube của các “giang hồ mạng” này đã tạo nên một “cộng đồng hâm mộ giang hồ” trẻ, lời ăn tiếng nói, hành xử cũng không khác giang hồ. Đó cũng chính là tiền đề cho rất nhiều hành vi hung hăng, giải quyết mâu thuẫn bằng đâm chém hay các hành vi bạo lực học đường diễn ra gần đây.
Thậm chí, sau khi Khá Bảnh bị bắt, có không ít thông tin về việc một nhóm các học sinh đòi “kí tên thả Khá Bảnh”. Có gia đình hết sức đau đầu vì phát hiện con mình khóc lóc, bỏ ăn vì “thần tượng” của mình phải vào tù. Rồi những lời động viên của giới trẻ gửi đến Khá Bảnh như “chúng em vẫn tiếp bước anh”, “vẫn đợi anh về” nhan nhản.
Không thể trông chờ sự kiểm soát nội dung từ YouTube
Trang của Khá Bảnh và nhiều “đồng nghiệp” giang hồ đã bị khóa, nhưng YouTube còn rất nhiều “mầm độc” từ những kênh có nội dung vô bổ, gây hại khác. Bên cạnh nhiều Vblogger đem đến những clip hay, có lợi cho người xem như clip hướng dẫn nấu ăn, chăm sóc nhà cửa, làm đẹp, chăm sóc vật nuôi hay dạy ngoại ngữ, thì còn rất nhiều các kênh có nội dung thiếu bổ ích, nhảm nhí, đánh vào tâm lý tò mò và ưa mới lạ của cộng đồng mạng như: Clip chuyên cắt ghép những cảnh ghê rợn, kinh dị, các clip dạy trẻ những trò “chơi dại”, làm những trò vô bổ, đáng sợ như nhai, nuốt các sinh vật sống trực tiếp, các kênh chuyên giả mạo người nổi tiếng, giả mạo các báo, đài để đưa tin fake gây hoag mang cộng đồng và cả các kênh phản động…
Theo Vblogger Misa, những Vblogger chân chính, để có được lượng view đàng hoàng tử tế phải đầu tư rất nhiều cho phần nội dung cho đến chất lượng clip, không ít công sức và tiền bạc. Thế nhưng, câu view rẻ tiền, đưa nội dung xấu, độc hại, gây tò mò lại là cách rất nhanh để một số kênh có được trăm ngàn view, kiếm được tiền chục triệu từ YouTube.
Ngày càng nhiều người lựa chọn con đường này để kiếm tiền dễ. Và cho dù YouTube có bộ lọc, nhưng nếu nắm được các kẽ hở, các cá nhân có thể lách qua bộ lọc dễ dàng. Chỉ khi bị phản ứng mạnh, báo cáo xấu từ đông đảo người dùng hoặc cơ quan chức năng, như vụ Khá Bảnh, vụ clip hướng dẫn trẻ tự tử… thì YouTube mới mạnh tay xóa.
Rõ ràng, chính sách quản lý của YouTube đang có lổ hổng rất lớn. Hiện dư luận thế giới cùng nhiều nhãn hàng đang lên tiếng mạnh mẽ trước những độc hại đang lan truyền từ YouTube. Để bảo vệ người dùng Việt Nam, có lẽ cần thái độ mạnh tay, quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý, mà có lẽ việc rất cần làm giờ đây là rà soát hàng loạt các kênh có chứa “mầm độc”, nội dung xấu để lên danh sách và yêu cầu YouTube gỡ bỏ.