Mạnh tay xử lý các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không minh bạch

(PLO) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN) mới đây yêu cầu các bộ, ngành mạnh tay xử lý các DN nhà nước làm ăn không minh bạch như không công bố thông tin hoạt động và DN đã phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) mà trong vòng 1 năm sau không thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nếu tới hạn mà DN không công bố thông tin thì các bộ, ngành, địa phương phải công khai tên các DN này rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để xã hội, nhà đầu tư giám sát, thúc ép lãnh đạo các DN khắc phục khó khăn, đổi mới sản xuất để bảo toàn và phát triển đồng vốn nhà nước.

Mới gần 40% doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin

Theo Nghị định số 81, có 9 báo cáo thông tin mà DN phải công bố định kỳ là: Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển 5 năm, hàng năm, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện SXKD và 3 năm gần nhất tính tới năm báo cáo, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác, báo cáo tình hình sắp xếp, đổi mới DN hàng năm, báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN, báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của DN, báo cáo chế độ tiền lương, thưởng. Các báo cáo này đều được xác định thời hạn công bố rõ ràng theo các mốc thời gian xác định.

Trước đó vào trung tuần tháng 10/2016, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định 81; báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách DN không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định và  đề xuất xử lý đối với các vi phạm về công bố thông tin.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT về việc DN công bố thông tin theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 5/11/2015), trong số 620 DN phải công bố thông tin thì chỉ có 241 DN đã công bố (chiếm 38,8%), còn lại 379 DN không thực hiện. Nhưng với 241 DN có tên trong danh mục đã công bố thông tin thì cũng không có DN nào thực hiện đầy đủ các báo cáo theo quy định. Tính trung bình, mỗi DN mới công bố khoảng 4 trong số 9 loại báo cáo.

Tính theo ngành, các DN này chủ yếu thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, DN là công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương. Đặc biệt, các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số DN lớn cũng có tên trong danh sách chưa công bố thông tin. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 5 DN; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có 2 DN; Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có 6 DN và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) có 4 DN.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề cập tới tình trạng các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh chưa thực hiện xây dựng chuyên mục và công bố thông tin của DN theo quy định. Tính đến ngày 31/12/2016, mới có 7 bộ, ngành; 7 tỉnh, TP thuộc T.Ư và 6 tập đoàn kinh tế có chuyên mục riêng về công bố thông tin theo quy định. 

Không để tình trạng tranh tối, tranh sáng

Ngoài ra, việc thực hiện Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về việc từ ngày 1/11/2014 các DN sau cổ phần hóa có tối đa 90 ngày để đăng ký giao dịch cổ phiếu tập trung. Riêng đối với những DN nhà nước đã cổ phần hóa trước khi Quyết định này có hiệu lực thì sẽ lấy mốc từ ngày 1/11/2014, trong vòng 1 năm phải niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn còn rất chậm. 

Nói đến sự chậm trễ của các DN và trách nhiệm của các bộ chủ quản trong thực hiện nhiệm vụ của mình,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự sốt ruột: “Tới hạn mà DN không công bố thông tin định kỳ hay sau 1 năm thực hiện cổ phần hóa mà DN nhà nước không niêm yết trên sàn chứng khoán thì phải thực hiện công bố, công khai tên DN. Không để tình trạng tranh tối, tranh sáng làm ảnh hưởng tới hoạt động của các DN được”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp xử lý lãnh đạo DN để đơn vị làm ăn thua lỗ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, khoản 5, Điều 17 của Nghị định số 66/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định hình thức cách chức người quản lý DN hay người đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn góp của Nhà nước để DN thua lỗ 2 năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng giữa 2 năm lỗ có 1 năm hòa vốn mà lý do không được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Thực tế, đã có ý kiến của các chuyên gia bày tỏ lo ngại có các nhóm lợi ích tiêu cực ngăn cản việc DN nhà nước đã cổ phần hóa niêm yết trên sàn chứng khoán, thậm chí chi phối, làm hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trì trệ, thua lỗ kéo dài để hạ giá cổ phiếu, hạ giá tài sản gắn liền với DN nhà nước để dễ dàng mua cổ phần của Nhà nước với giá rẻ, làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

Việc minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đổi mới các cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của DN nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg (ngày 2/2/2017) về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DN nhà nước cho cả giai đoạn 2016-2020. Việc thực hiện nhiệm vụ này phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của các bộ chủ quản, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN bên cạnh các chế tài xử lý nghiêm minh và sự giám sát chặt chẽ của xã hội.

Đọc thêm