Mạo danh bác sỹ, lương y quảng cáo sản phẩm chữa bệnh sai sự thật có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Công an Hà Nội, bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đều là vi phạm quy định của pháp luật.
Facebook giả mạo TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, để bán sản phẩm cho người bệnh. Ảnh: CAHN
Facebook giả mạo TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, để bán sản phẩm cho người bệnh. Ảnh: CAHN

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là lương y, hoặc mạo danh là nhân viên y tế có uy tín, có tên tuổi tại các bệnh viện lớn, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm...

Quảng cáo sai sự thật bị xử phạt thế nào?

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021 thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Từ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Cảnh giác với các “chiêu trò” quảng cáo

Tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

Như vậy bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đều là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Công an Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sỹ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh hoặc clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh./.

Đọc thêm