Một ý tưởng táo bạo nhằm biến cây cầu Long Biên ngoài trăm tuổi thành một công trình quan trọng trong di sản kiến trúc của TP.Hà Nội, mở ra một không gian mới độc đáo về văn hóa, nghệ thuật cho cộng đồng nhằm tạo ra sức hút cho ngành du lịch đã được bà Nguyễn Nga - kiến trúc sư Quy hoạch đô thị Paris - Hà Nội tiết lộ vào ngày hôm qua - 15/7.
Trên cầu sẽ có nòng pháo và đầu xe lửa cổ!
Theo tham vọng đó, cầu Long Biên sẽ được biết đến như một Bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất trên thế giới. Giữa không gian của trời và nước, cây cầu bắc ngang dòng sông Hồng dài 1.682m đem đến một điểm nhìn tuyệt đẹp ra hai bên bờ sông mới được cải tạo. Cây cầu sẽ được nâng cao để cho tàu thuyền đi lại, đồng thời được nới rộng để khai thác du lịch lịch sử, dẫn đường cho một sự phát triển bền vững. Cùng với đó, cây cầu sẽ được gắn pháo trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng của dân tộc. Để hiện thực hóa tham vọng này, một cuộc thi kiến trúc quốc tế sẽ được tổ chức để tập hợp những dự án táo bạo nhất.
Cầu Long Biên |
Một không gian lớn sẽ được xây dựng dựa trên cấu trúc của cầu Long Biên để triển lãm các đầu tàu hơi nước cổ, và các toa tàu cổ. Những ký ức về đường tàu hỏa sẽ gợi lại và tính biểu tượng về lòng dũng cảm và bất khuất của người con Việt Nam sẽ được lưu giữ cho mai sau. Cây xanh và đèn đường sẽ được trồng hai bên đường tạo ra một con đường đi bộ vô cùng thơ mộng.
Để tạo ra điểm nhấn ấn tượng về không gian, Bãi giữa sông Hồng sẽ được đắp cao và kè bờ để quy hoạch thành một “Công viên Nghệ thuật” rộng lớn. Phần mũi của bãi đất sẽ được trồng dâu nhằm gợi lại liên tưởng về quá khứ đẹp đẽ của nó, đồng thời tạo không gian cho những làng nghệ dệt lụa. Ngoài ra, du khách còn có thể chiêm ngưỡng hàng ngàn loại bướm đặc biệt của Việt Nam được nuôi trong các nhà kính và được thả đi bay lượn tự do trong không gian xanh mát um tùm của cây cỏ, tạo ra một cảnh quan thần tiên điểm xuyến bởi các tác phẩm điêu khắc, bao bọc bởi cỏ hoa và các loài cây quý. Khu vực phía Bắc Bãi giữa sẽ trở thành khu vườn đạo rộng lớn, là điểm hẹn cho những cuộc đi bộ, những du khách, những cặp tình nhân, nhạc công, những người chơi cờ tướng...
Và có các “vệ tinh”!
Khu vườn treo - Phố nghề nghệ thuật cũng nằm trong chuỗi ý tưởng của kiến trúc sư Nguyễn Nga. Theo đó, phần đường tàu hiện tại nằm trên 131 vòm cầu của cầu Long Biên sẽ được cải tạo thành một “Khu vườn treo” - một nơi thư giãn và một con đường đi dạo được trồng cây và hoa từ trên cao nhìn xuống hai con phố cổ là phố Gầm Cầu và Phùng Hưng. Phố nghề nghệ thuật sẽ tận dụng 131 vòm cầu gạch (hiện chúng đang bị bịt kín). Những vòm này sẽ mở thông để tạo ra một dãy phòng triển lãm “Các làng nghề thủ công nghệ thuật truyền thống” với sự tham gia của các nghệ nhân làng nghề Hà Nội và các nghệ nhân trong cả nước. Ngoài ra, những vòm khác sẽ trở thành “Phố nghề nghệ thuật quốc tế” chào đón những nền văn hóa nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới: Hội họa, điêu khắc, chạm trổ, ghép gốm màu, nhiếp ảnh, thiết kế, video art... hay nghệ thuật trình diễn kịch, âm nhạc, múa...
Có ý kiến cho rằng chỉ nên coi cầu Long Biên như một công trình thuần túy về giao thông. Tuy nhiên đại đa số các ý kiến của các chuyên gia văn hóa và lịch sử đều mong muốn cần khôi phục lại kiến trúc nguyên bản của cầu Long Biên, nên bảo tồn cầu như một di sản lịch sử văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến. |
Khuôn viên 2,5 ha hiện đang bỏ trống và đóng than tổ ong nhếch nhác trên bờ bền phải của sông Hồng ngay lối ra Gia Lâm của cây cầu Long Biên sẽ “biến” thành Tháp Sen - Bảo tàng Nghệ thuật đương đại. Bảo tàng này giới thiệu về những tác phẩm nghệ thuật đương đại, những công nghệ mới của Việt Nam và quốc tế... Ngoài những triển lãm ngắn ngày và cố định tại đây, Bảo tàng còn là một không gian văn hóa dành cho du khách với các hạng mục như thư viện, phòng hòa nhạc, quán café và nhà hàng... Ở tầng thượng (tầng thứ 9), quan khách có thể phóng tầm nhìn ra bao quát toàn cảnh Hà Nội - sông Hồng - Gia Lâm hoặc dùng kính viễn vọng để quan sát thiên văn. “Tháp nước hàng Đậu” sẽ trở thành Bảo tàng cổ vật, một điểm dừng chân để khách có thể lên tham quan hiểu biết về văn hóa người Việt cổ...
Những “vệ tinh” này không ngoài mục đích cải thiện môi trường sống của những người Hà Nội, trao tặng cho họ những không gian mới để gặp gỡ và trao đổi văn hóa, nghệ thuật và giải trí; thay đổi dần dần không gian đô thị của Hà Nội xung quanh một trục đường đi bộ Xanh “Đại lộ Hòa bình”; tăng thêm không gian xanh cho thành phố Hà Nội bằng việc thêm màu xanh cho con đường quanh Hồ Hoàn Kiếm, hai bờ sông Hồng và Bãi Giữa; tăng cường cam kết của TP.Hà Nội về phát triển bền vững, phù hợp với Hiệp định môi trường Kyoto về khí hậu...
Nếu được TP.Hà Nội phê duyệt, ý tưởng này có thể trở thành hiện thực trong vòng 10 năm với số vốn đầu tư dự kiến 4.860 tỷ đồng. Chủ nhân của ý tưởng độc đáo này cho hay: “Phát triển cây cầu trở thành một trục văn hóa lịch sử, trở thành một điểm nhấn trong cấu trúc không gian đô thị và là một công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội”.
Thùy Dương