Thậm chí, những người vay trả góp chỉ 5 – 7 triệu đồng chậm trả vài ngày do bận việc riêng nhận được tin nhắn cảnh báo là phải làm việc với công an, hoặc vụ việc sẽ đưa sang tòa án, hoặc đến cả cơ quan thi hành án cũng vào cuộc xử lý. Khi người vay nợ tố giác thủ đoạn này thì lạ thay, các trung tâm tài chính cho vay trả góp đó phủ nhận là mình không làm việc này, thế thì ai đã bỏ công sức, thời gian, tiền điện thoại để đòi nợ hộ cho họ đây?
Chuyện lừa đảo vẫn tiếp diễn qua các thủ đoạn gọi điện thoại báo cho người nhận là họ bị tố cáo đến tòa án là vay tiền ngân hàng không trả, khi được trả lời là không dính dáng gì thì đầu dây bên kia cho một số điện thoại để tố giác với Công an, nếu gọi đến số đó thì một kẻ giả danh Công an “moi” thông tin cá nhân, tài khoản để cho nạn nhân sập bẫy.
Tương tự, chúng gọi điện, xưng danh là Bưu điện và “đây là thông báo cuối cùng” về khoản nợ tiền viễn thông của Bưu điện và tìm cách tống tiền khiến nhiều người hoảng sợ mà tin theo. Đáng chú ý là các số điện thoại chúng dùng để lừa đảo này hiển thị trên máy là 13 số. Người nhận được các cuộc điện thoại này báo cho Bưu điện để truy tìm chủ nhân các số điện thoại đó nhưng hầu như động thái này không giúp được gì họ.
Thực trạng nêu trên cho thấy những kẽ hở trong quản lý các số thuê bao, tài khoản hoặc thanh toán các dịch vụ viễn thông bằng thẻ cào đã bị người xấu lợi dụng để lừa đảo và không ít người đã mắc bẫy chúng. Ngoài sự cảnh báo kịp thời, vạch rõ những thủ đoạn của bọn lừa đảo từ các phương tiện truyền thông, mạng xã hội ra thì cần lắm đến việc quản lý các dịch vụ viễn thông, ngân hàng và truy tìm cho ra những kẻ lừa đảo qua các số thuê bao hoặc tài khoản mà chúng dùng cho mục đích tống tiền.