Vụ đánh bạc nghìn tỷ: Liêm sỉ trong 'mũ áo' và tội danh lần đầu xử

(PLO) - Phiên tòa vụ án đường dây đánh bạc chục nghìn tỷ xuyên quốc gia (tạm gọi là vụ đánh bạc thế kỷ) đã bước sang phần luận tội và tranh tụng. Hôm  21/11, VKSND tỉnh Phú Thọ đề nghị mức án với 92 bị cáo.
Các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ
Các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Theo đó, ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) bị đề nghị mức án từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Cùng tội danh, cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá bị đề nghị từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù... Không thể đề xuất cao hơn bởi, điểm 2 quy định phạm tội trong trường hợp có tổ chức... khung hình phạt chỉ từ 5 – 10 năm tù. 

Với cáo buộc là một trong những người cầm đầu, cựu Chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương bị đề nghị mức hình phạt cao nhất trong vụ án với 11 - 13 năm tù cho hai tội: “Tổ chức đánh bạc” – Điều 322 BLHS 2015, “Rửa tiền” – Điều 324 BLHS sửa đổi 2017. Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch VTC Oline) bị đề nghị 6 - 7 năm tù và được xét nhiều tình tiết giảm nhẹ. 

Trong phần tự bào chữa, Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam đều xin được nhận trách nhiệm và chấp nhận hình phạt theo đề nghị đó. Họ nhận thức được trách nhiệm và tội lỗi. Đây là “mảng sáng” về liêm sỉ của 2 nhân vật quan trọng trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ.

Khác với bản lĩnh của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam những người theo dõi phiên tòa xử vụ án này thực sự thất vọng về cách khai báo quanh co, chối tội của cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cho đến phần tự bào chữa hôm qua, bị cáo này mới nhận tội). Họ có kinh nghiệm hơn ai hết biết cách không để lại “chứng cứ” và nếu có thì khi thấy “động” cũng rất biết cách xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ... Nhưng đâu rồi liêm sỉ? Xin thưa, liêm sỉ của các vị này có đâu mà hỏi khi đã “giấu mặt” tài tình trong “mũ áo” cao sang, danh giá thời gian dài, gần hết cuộc đời họ.

Nhiều vấn đề pháp lý cũng được đặt ra qua vụ án này (dẫu sơ thẩm chưa kết thúc). Ví dụ: hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, game online cũng là ngành dịch vụ, được cấp phép. Đâu là ranh giới giữa hoạt động dịch vụ và đánh bạc? 

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng. Các loại tội phạm thời hội nhập trong đó có “rửa tiền” đang tìm đến Việt Nam như là một trong những vùng “đất hứa”. Đơn giản vì ở Việt Nam, thanh toán bằng tiền vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán hàng năm, đang “tập sự” về công khai, minh bạch. Việc chứng minh nguồn gốc tài sản lớn đang trở thành vấn đề nan giải của Việt Nam. Có lẽ ở vụ án “đánh bạc thế kỷ” lần đầu tiên “Tội rửa tiền” được xét xử trước công đường.

Tội phạm rửa tiền hiện rất khó xử lý bởi có 3 “lỗ hổng” lớn trong quy định của pháp luật hình sự về tội rửa tiền: vấn đề xác định lỗi, chủ thể tội phạm và giá trị tiền, tài sản hợp pháp hóa. Những cơ quan nghiên cứu về tội phạm học, luật pháp hình sự... rõ ràng là còn nhiều việc phải làm nhằm góp phần “tiệm cận” được thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và xã hội bằng pháp luật.