Marla Runyan – vận động viên khiếm thị đầu tiên dự Olympic

(PLO) - Về mặt pháp lý, Marla Runyan là người mù từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bà chưa từng để việc không nhìn trở thành vật cản trên con đường chinh phục giấc mơ vận động viên điền kinh của mình.
Marla Runyan

Marla Runyan là người nắm giữ 3 danh hiệu ở cự ly chạy 1.500m nữ của Mỹ, từng giành huy chương vàng ở đường chạy 5.000m trong năm 2002. Bên cạnh đó, bà cũng đã tham gia và giành nhiều giải cao tại các giải đấu quốc tế. Với người bình thường, đó đã là kỳ tích.

Còn với một người khiếm thính như Runyan, những nỗ lực không mệt mỏi và thành công đó đã khiến bà trở thành một trong những vận động viên điền kinh xuất sắc nhất ở thời đại của chúng ta.

Nỗ lực vượt lên bệnh tật

Runyan sinh ngày 4/1/1969 ở Santa Maria, bang California, Mỹ. Tuổi thơ của cô gái nhỏ là những tháng ngày yên bình bên gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu ập đến khi Runyan bước vào năm học lớp 4. Khi đó, bà thường xuyên than với cha mẹ vì tầm nhìn ngày càng kém đi. “Có bệnh thì vái tứ phương”, gia đình Runyan đã đưa bà đi khám ở rất nhiều nơi, mỗi nơi gia đình Runyan lại được nghe một kết quả chẩn đoán khác nhau.

Phải một năm sau đó, sau khi đã gặp rất nhiều bác sỹ, trải qua vô số lần chẩn đoán sai, họ mới biết được chính xác con gái của họ bị bệnh Stargardt – một dạng thoái hóa điểm vàng hiếm gặp dẫn tới mất thị lực dần dần thường gặp ở người vị thành niên. Tại Mỹ, những người mắc căn bệnh hiếm này về mặt pháp lý được xem là người mù.

Chính vì thế nên các bác sỹ của Runyan khi đó tỏ ra vô cùng tuyệt vọng vào tương lai của cô bé. Thậm chí, họ còn nói với cha mẹ của Runyan rằng con gái của họ sẽ chẳng bao giờ có thể đạt điểm cao hơn điểm C ở trường học hay có thể bước chân được vào trường đại học.

Vẫn còn là một đứa trẻ nhưng khi nghe bác sỹ nói vậy trong lòng Runyan đã thôi thúc ý muốn khẳng định lời của bác sỹ hoàn toàn sai. Bà cứng rắn nói với cha mẹ rằng mọi việc sẽ không tồi tệ đến mức đó. “Tôi đã nói với họ rằng tôi sẽ làm được tất cả những điều mà bác sỹ nói tôi sẽ không thể làm được”, Runyan về sau kể lại.

Quả thực, bất chấp việc khả năng nhìn ngày càng tệ đi, bà vẫn tìm mọi cách để có thể thích ứng được với cuộc sống. Đầu tiên, khi không còn nhìn rõ, bà nhờ mẹ in các tài liệu theo phông chữ to hơn bình thường để có thể đọc được. Đến khi không còn nhìn được rõ mọi vật mà chỉ có thể nhìn được bóng hình, bà vẫn không từ bỏ. 

Năm 1987, Runyan tốt nghiệp trường Trung học Adolfo Camarillo. Tiếp sau đó, nhờ thành tích cao ở môn nhảy cao, bà được nhận vào trường Đại học bang San Diego. Không chỉ lấy được bằng cử nhân, năm 1994, Runyan đã được cấp bằng thạc sỹ chuyên ngành rối loạn giao tiếp.

Những thành tích đáng nể

Có thể nói, câu nói “ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy của ai tất cả” đúng với Runyan, dù không thể phủ nhận những cố gắng của bà. Bất lợi về đôi mắt nhưng Runyan lại có được thể chất tốt và niềm đam mê thể thao từ tấm bé. Ngay khi mới lên 3, bà đã tỏ ra rất thích thú với các hoạt động thể chất và thường xuyên chơi các môn thể thao.

Đến khi bệnh tình phát tác, bà vẫn chơi thể thao như một bản năng. Bước vào tuổi niên thiếu, Runyan đặc biệt yêu thích bóng đá và môn thể dục dụng cụ. Tuy nhiên, bà đã buộc phải từ bỏ những môn thể thao này khi thị giác kém đến mức không thể nhìn thấy quả bóng. Lúc này, Runyan chuyển sang chạy và các môn điền kinh phối hợp. Đó là năm bà học lớp 9. 

Marla Runyan

Thành tích ở môn nhảy cao đã giúp bà có được một suất theo học ở trường Đại học San Diego. Trong thời gian theo học ở trường, bà tích cực rèn luyện và tham gia thi đấu ở nhiều sự kiện thể thao. Tốt nghiệp đại học, Runyan chuyển sang tập luyện 7 môn phối hợp. Miệt mài luyện tập trong suốt những ngày sau đó, nữ vận động viên khuyết tật đã liên tiếp gặt hái thêm được những thành tích trong sự nghiệp thể thao của mình.

Trong đó, có thể nói năm 1992 chính là năm khởi sắc của bà, khi bà tham gia và giành tới 4 huy chương vàng tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympics. Tại Paralympics năm 1996, bà giành thêm 1 huy chương vàng ở môn đẩy tạ và 1 huy chương bạc ở hạng mục 5 môn điền kinh phối hợp.

Tại một giải đấu năm 1996, Runyan còn lập kỷ lục về chạy 800m của người Mỹ khi hoàn thành chặng đua này với thành tích 2 phút 4 giây 7. 

Đến năm 1999, bà tham gia giải chạy dành cho người lành lặn trên khắp nước Mỹ và chiến thắng ở đường đua 1.500m. Năm 2000, Runyan trở thành vận động viên khiếm thị đầu tiên được thi đấu ở một kỳ Thế vận hội. Tại sự kiện được tổ chức ở Australia này, bà tham gia tranh tài ở nội dung chạy 1.500m.

Tuy chỉ về thứ 8 trong chặng đua nhưng bà cũng vẫn ghi tên mình vào sách kỷ lục của Mỹ khi đạt được đạt thành tích cao nhất đối với một phụ nữ Mỹ tại sự kiện thể thao này. Năm 2001, Runyan chuyển sang cự ly 5.000m nữ và cũng ngay lập tức giành được huy chương vàng toàn quốc. Trong 2 năm 2002 và 2003, bà thành công trong việc giữ được danh hiệu của mình.  

Trong các cuộc phỏng vấn, Runyan cho biết khó khăn lớn nhất mà bà gặp phải khi thi đấu là việc không thể nhìn đồng hồ hay thiết bị báo số vòng đau. “Tôi không biết mình đang chạy với tốc độ ra sao nên buộc phải khắc phục bằng cách nắm bắt tình hình thông qua việc nghe thông tin về diễn tiến chặng đua của người phát thanh trên loa”, Runyan cho hay.

Dù vẫn có thể lờ mờ nhìn xung quanh để không va phải các đối thủ nhưng Runyan cũng không thể biết mình đang thi đấu với ai để có được chiến lược chạy đua phù hợp. “Tôi vẫn tiếp nhận được những tín hiệu thị giác đủ để biết có người đang chạy ở phía trước, ở bên trái hay bên phải của mình hoặc biết được có người ở phía sau thông qua việc lắng nghe các âm thanh phát ra nhưng không hề biết những người xung quanh là ai.

Giữa cuộc đua đó, tôi cảm thấy mình như đang trong một bể cá. Tôi không biết chính xác mình đã chạy được bao xa, đã được mấy vòng và còn bao lâu nữa thì tới đích. Do đó, việc điều chỉnh tốc độ cho phù hợp rất khó khăn”, bà cho hay.

Luôn sống có ích

Qua thời gian, thị giác của Runyan ngày càng kém nhưng bà vẫn không từ bỏ niềm đam mê của mình. Giữa lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao, năm 2005, bà quyết định tạm gác lại việc thi đấu để sinh con đầu lòng. Trước khi sinh con, Runyan đã bị chấn thương ở chân và những trục trặc ở hông, ở chân nhưng bà vẫn sớm bắt đầu tập luyện trở lại chỉ vài tháng sau sinh.

Tháng 10/2006, bà trở lại đường đua và giành luôn chức vô địch tại giải marathon toàn nước Mỹ. Đó cũng là giải đấu cuối trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của Runyan bởi ở thời điểm này, bà đã gần như không còn nhìn được gì. Năm 2008, Ryan vẫn hy vọng có thể tiếp tục tham gia thi đấu trong đội điền kinh của Mỹ tại Thế vận hội nhưng khiếm khuyết về thể chất đã khiến bà không thể hoàn tất được giấc mơ của mình.

Rời sân đấu nhưng nữ vận động viên đầy nghị lực của Mỹ vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội và chính bản thân bà theo những cách khác nhau. Để truyền cảm hứng cho những người khuyết tật khác, bà đã xuất bản cuốn tiểu sử “Không có điểm dừng: Cuộc đời dưới con mắt của tôi” gây được tiếng vang lớn.

Năm 2012, bà lấy thêm được bằng thạc sỹ về giáo dục đặc biệt và sau khi lấy được các chứng chỉ cần thiết, bà bắt đầu tham gia giảng dạy cho nhóm đối tượng khiếm tính tại các trường học ở bang Oregon. Kể từ năm 2013, bà được nhận làm giáo viên và cũng là Đại sứ của trường Perkins ở Watertown, Massachusetts – trường dành cho người khiếm thị lâu đời nhất ở Mỹ. Đến năm 2014, bà trở thành huấn luyện viên điền kinh tại trường Đại học Northeastern.

Cho đến nay, Runyan vẫn được xem là người truyền cảm hứng cho rất nhiều người không may mắc phải các khiếm khuyết. Nhiều người cho rằng bà chính là bằng chứng sống chứng minh chân lý rằng một người vẫn có thể thành công dù họ khác biệt với số đông còn lại.

Đọc thêm