Không những thế, việc chui lủi còn tăng nguy cơ lây lan của HIV và những bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục khác.
Tình trạng “mua bán hoa” ở Ấn Độ
Theo một báo cáo của Bộ Phụ nữ và Phát triển trẻ em Ấn Độ, hiện nước này có hơn 4 triệu lao động tình dục là phụ nữ, 39% trong số đó đã “hành nghề” trước 18 tuổi. Thậm chí có những cô bé dù chưa đến tuổi dậy thì đã được mẹ dạy đủ các tư thế “bán hoa” để làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh đó, để nhanh bước vào nghề hơn, nhiều bé gái còn được tiêm hormone oxytocin để làm ngực phát triển.
Mặc dù thu nhập của người dân Ấn Độ đã tăng lên khá cao trong những năm gần đây nhưng điều đó cũng không làm giảm nạn “bán hoa” tại quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới này. Không chỉ thế, theo thống kê của Ủy ban Nhân quyền Ấn Độ, số lượng trẻ em lao động trong ngành công nghiệp tình dục đang gia tăng và độ tuổi hành nghề trung bình đã giảm xuống từ 9 đến 12 tuổi.
Một nhà xã hội học nghiên cứu về lao động tình dục trong hơn 3 thập kỷ qua cho biết đất nước Ấn Độ đang đối mặt với một sự tăng trưởng chưa từng có trong nghề mại dâm. Nghề mại dâm đang được thúc đẩy bởi mức tăng thu nhập và sự thay đổi trong thái độ tình dục, tình trạng di cư ngày càng tăng của phụ nữ đến các thành phố lớn.
Rất nhiều làng “mại dâm”
Nhiều nơi ở Ấn Độ, mại dâm trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống bản thân và gia đình. Cha mẹ ép con gái họ trở thành gái bán hoa, thậm chí nhiều trẻ em gái chưa đến tuổi dậy thì.
Cụ thể - Bachara là một cộng đồng người sống theo chế độ mẫu hệ ở phía tây bang Madhya Pradesh. Nhiều người tin rằng, phụ nữ nơi đây là hậu duệ của những gái điếm cao cấp phục vụ hoàng gia. Cha và anh bắt những người phụ nữ trong nhà phải bán dâm. Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào con gái lớn, thậm chí hầu hết mỗi căn nhà nơi đây đều có phòng riêng để người phụ nữ hành nghề.
Nat Purwa cũng là một nơi tương tự, thuộc bang Uttar Pradesh, cách thành phố Lucknow chỉ 2 giờ lái xe. Mại dâm là nghề “mẹ truyền con nối” ở nơi đây và tồn tại suốt 400 năm qua, theo One India. Nat Purwa có khoảng 5.000 cư dân sinh sống nhưng có tới 70% phụ nữ trong làng đều hành nghề mua vui cho đàn ông. Những đứa trẻ khi được sinh ra và lớn lên không biết cha là ai. Chúng sống với mẹ và không có họ.
Cuộc sống khó khăn cùng với thất học là nguyên nhân chính đẩy nhiều người phụ nữ Ấn Độ sa chân vào con đường này. Những khách hàng đầu tiên của các cô gái mới ra nghề thường là đàn ông trong làng. Sau đó, họ đi đến các khu đèn đỏ hoặc các thành phố giàu, sống trong các nhà thổ và tiếp tục hành nghề “chuyên nghiệp”.
Những thiếu nữ chỉ mới 12-14 tuổi đã bắt đầu “đi khách”. Mỗi ngày, trung bình họ phải “chiều” 10 người đàn ông ở ngay trên sàn nhà thổ, ở bờ bụi hoặc ở bất cứ đâu có thể. Công việc này không phải lúc nào cũng suôn sẻ và cuộc sống gái “bán hoa” đầy rẫy những hiểm nguy. Họ bị đe dọa, đánh đập và bị sỉ nhục liên tục.
Chandralekha, người phụ nữ bắt đầu “bán trôn nuôi miệng” từ năm 15 tuổi, kể rằng: “Chính bà tôi là người đã dẫn dắt tôi đến với nghề. Bà nói, “cả làng đều làm nghề mại dâm. Vậy có khác biệt gì nếu cháu bước chân vào thế giới này”.
Nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt người phụ nữ 50 tuổi khi bà kể về cuộc đời cay đắng của mình: “Người đàn ông đầu tiên đến với tôi, rồi người thứ 2, thứ 3, thứ 4. Tôi đã phục vụ hàng nghìn gã đàn ông. Tôi luôn cảm thấy xấu hổ và nhục nhã ngay từ những ngày chập chững vào nghề, nhưng cái dạ dày réo lên vì đói khiến tôi không thể từ bỏ công việc”.
Vài năm qua, những người phụ nữ trong làng còn mở rộng “địa bàn” sang nhiều thành phố khác như Delhi, Mumbai, Kolkata hoặc sang tận Dubai để hành nghề.
Bên cạnh đó còn có “làng mại dâm” Wadia rất nổi tiếng ở quận Banaskantha, bang Gujarat và nơi đây hoạt động mua bán dâm diễn ra phổ biến trong 80 năm qua. Tại Wadia, trẻ em gái khi lớn lên sẽ làm nghề mại dâm, còn trẻ em trai sẽ trở thành người tìm khách cho gái bán hoa. Khách làng chơi tới nơi này phải trả từ 500 - 10.000 rupee (170.000 - 3,4 triệu đồng) cho mỗi cuộc vui.
Năm 2012, người dân trong làng tổ chức một đám cưới tập thể cho 21 thiếu nữ để tránh các cô gái trở thành gái bán hoa. Ông Vijay Bhatt, nhân viên phát triển của huyện Banaskantha, nơi ngôi làng Wadia trực thuộc cho hay:
“Mại dâm là hoạt động truyền thống mà cộng đồng người Saraniya trong làng Wadia lựa chọn từ rất lâu. Họ cho đó là chuyện bình thường và không có gì sai. Bằng việc cưới và đính hôn, các cô gái sẽ bỏ tục lệ này bởi sau đó, họ không dính dáng đến mại dâm nữa”.
Đòi hợp pháp hóa mại dâm
Hiện nay, hầu hết gái mại dâm đều muốn hợp thức hóa công việc của mình và họ đang chờ đợi phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ. Những cô gái này kỳ vọng Tòa án Tối cao sớm đưa ra phán quyết về việc điều chỉnh luật để chính phủ Ấn Độ hợp pháp hóa mại dâm, chấm dứt chuỗi ngày thường xuyên bị cảnh sát kiểm tra, bị bắt rồi đưa vào trại cải tạo, nơi họ mô tả là “tệ hơn nhà tù”.
Trong quá trình xem xét đơn kiến nghị hợp pháp hóa mại dâm được đệ trình cách đây 4 năm, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã lập một ủy ban chuyên điều tra về mại dâm và đang cân nhắc điều chỉnh luật về mại dâm. Tòa án Tối cao cũng đề nghị chính quyền các bang khảo sát để tìm hiểu tỷ lệ gái mại dâm muốn chuyển sang làm những ngành nghề khác, và bao nhiêu gái mại dâm muốn tiếp tục hành nghề.
Tháng 4/2013, Chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi luật pháp nhằm mở rộng các loại hình tội phạm liên quan hành vi buôn người và thiết lập những khung hình phạt cứng rắn hơn đối với những kẻ phạm tội.
“Chúng tôi không đi tìm đàn ông, họ tự tìm đến chúng tôi. Chúng tôi muốn hành nghề mại dâm kiếm sống như bao nghề khác. Đừng nhìn chúng tôi giống như chúng tôi là tội phạm hình sự, và làm ơn đừng bắt khách hàng của chúng tôi”, cô Devi, 35 tuổi, hành nghề mại dâm cho AFP biết.
Một số tổ chức và cá nhân như Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ của Ấn Độ, một cơ quan liên bang, hồi năm 2014 ủng hộ kiến nghị hợp pháp hóa mại dâm. Các nhân viên y tế cộng đồng cũng muốn mại dâm được hợp thức hóa bởi với quy định như hiện nay gái bán hoa buộc phải hành nghề chui lủi vì sợ bị bắt. Và việc này gây khó khăn cho công tác phòng ngừa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động chống buôn người lại cho rằng hợp pháp hóa mại dâm có nguy cơ dẫn đến nạn buôn người phát triển. Nhiều trẻ vị thành niên và phụ nữ ở những vùng quê nghèo khó bị bán vào nhà thổ. Trên 14 triệu người trưởng thành và trẻ em là nô lệ thời hiện đại ở Ấn Độ, đây là con số thuộc hàng cao nhất trên thế giới, theo báo cáo Chỉ số Nô lệ Toàn cầu của tổ chức chống buôn người và nô lệ đa quốc gia Walk Free Foundation.
“Cấp giấy phép hành nghề mại dâm có thể phù hợp với các nước phương Tây, nhưng ở Ấn Độ, nơi gái mại dâm bị xem thường và kỳ thị, điều này khó mà xảy ra”, theo bà Amit Kumar, điều phối viên quốc gia thuộc tổ chức All India Network of Sex Workers bảo vệ quyền cho gái mại dâm Ấn Độ./.