Mặt bằng lãi suất ngân hàng giữ ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước), tính chung cả năm 2024, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1 điểm phần trăm) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm phần trăm) so với cuối năm 2023.
Dự báo mặt bằng lãi suất ổn định trong năm 2024. (Ảnh: TCTC)
Dự báo mặt bằng lãi suất ổn định trong năm 2024. (Ảnh: TCTC)

Lãi suất huy động tăng ở nhiều kỳ hạn

Hôm qua (8/11), sau 4 tháng giữ nguyên biểu lãi suất huy động, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã quyết định tăng lãi suất đối với một loạt kỳ hạn tiền gửi. Theo đó, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 1 - 4 tháng đồng loạt tăng thêm 0,2%/năm. Như vậy, hiện lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 3,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 3,6%/năm và kỳ hạn 3 - 4 tháng mới nhất là 3,9%/năm…

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng tăng lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn từ hôm qua (8/11). Theo đó, Ngân hàng này quyết định tăng thêm 0,3%/năm kỳ hạn 1 - 5 tháng, tăng thêm 0,2%/năm lãi suất kỳ hạn 6 - 36 tháng.

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến do VIB vừa cập nhật, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 tháng là 3,5%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng 3,8%/năm, kỳ hạn 6 - 11 tháng 4,8%/năm, kỳ hạn 15 - 18 tháng 5,3%/năm và lãi suất huy động cao nhất thuộc về các kỳ hạn 24 - 36 tháng với mức lãi suất 5,4%/năm.

Theo khảo sát của PLVN, hiện nay lãi suất huy động cao nhất 6 - 6,35%/năm thường được các ngân hàng áp dụng ở các kỳ hạn 13 - 24 tháng như Ngân hàng Bắc Á (lãi suất 6,35%/năm, kỳ hạn 24 tháng); Ngân hàng An Bình mức 6,3%/năm, kỳ hạn 24 tháng.

Riêng Ngân hàng Bản Việt (BVBank) có mức tăng lãi suất khá cao từ đầu tháng 11 khi triển khai chương trình dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trên ứng dụng ngân hàng số Digimi.

Theo đó, khách hàng mở sổ tiết kiệm đầu tiên sẽ được cộng ngay 0,6%/năm. Chương trình áp dụng cho các kỳ hạn gửi từ 1 - 6 tháng và số tiền gửi từ 10 triệu đồng trở lên. Như vậy, khi gửi tiết kiệm tại BVBank, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tiền gửi hấp dẫn lên đến 5,8%/năm với kỳ hạn 6 tháng.

Đây được đánh giá là mức lãi suất hấp dẫn và cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay trong cùng kỳ hạn. Ngoài ra, với khách hàng hiện hữu, BVBank cũng áp dụng cộng thêm 0,2%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, duy trì từ 80% số tiền gửi ban đầu cho đến ngày đáo hạn.

Trước đó, Agribank cũng đã điều chỉnh tăng 0,3%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 9 tháng. Theo đó, biểu lãi suất huy động trực tuyến cho kỳ hạn 6 - 9 tháng đã tăng lên 3,5%/năm. Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có các ngân hàng tăng lãi suất huy động kể từ đầu tháng 11, gồm: VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, BVBank.

Lãi suất cho vay giảm nhẹ

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố, trong quý IV/2024 có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1 điểm phần trăm) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm phần trăm) so với cuối năm 2023.

Như vậy, dự báo, 2 tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhiều khả năng nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi ở mức khoảng 4 - 6,5%/năm đối với ngắn hạn, 7 -9%/năm trung - dài hạn sẽ tiếp tục được hệ thống ngân hàng rót vào các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất - xuất khẩu.

Cùng với đó, các gói vay ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các gói tín dụng kết nối, hỗ trợ các ngành nghề, lĩnh vực nhiều khả năng sẽ được các nhà băng gia tăng giải ngân để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn do lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023); Nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất; Đồng thời sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất VND trong nước càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các TCTD cũng cho thấy, huy động vốn toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV/2024 và 7,9% trong năm 2024 (điều chỉnh giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 10,1% ghi nhận tại kỳ điều tra trước); Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 4,8% trong quý IV/2024 và 13,2% trong năm 2024 (điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với mức dự báo 14,1% tại kỳ điều tra trước).

Trong quý IV/2024 và cả năm 2024, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể “cải thiện” tốt hơn so với quý III/2024 và năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Tính chung trong cả năm 2024, giá bình quân sản phẩm dịch vụ được các TCTD ước tính giảm so với năm 2023, giảm cả lãi suất biên và phí dịch vụ nhưng có thể tăng nhẹ trở lại trong năm 2025.

Đọc thêm