Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

(PLVN) - Ngày 30/12, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ sáu, khóa IX, nhiều đại biểu đều cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận cũng như có chế tài cụ thể trong hậu giám sát.
Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp

Trình bày tờ trình của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, năm 2021, chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam được tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Phương thức hoạt động của Mặt trận có nhiều đổi mới, chú trọng hiệu quả, thực chất, nhằm góp phần nâng cao tính đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát đều được chính quyền và các ngành chức năng chỉ đạo xem xét, giải quyết, góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam 58/63 tỉnh, thành phố, Mặt trận các cấp đã tổ chức 21.728 cuộc giám sát, trong đó có ba chuyên đề giám sát là tiếp công dân; giám sát cán bộ, đảng viên và giám sát Luật Đất đai đã đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cho hay, trong năm nay, Đường dây nóng của Ngôi nhà bình yên (Hội LHPN Việt Nam) đã nhận được gấp đôi số lượng cuộc gọi kêu cứu. Các cuộc gọi liên quan đến các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Vì vậy, đề nghị Báo cáo bổ sung nội dung nắm bắt tình hình dư luận xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, mua bán người.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, khi đại dịch Covid-19 qua đi, rất nhiều trẻ em đã mất đi người thân yêu của mình. Để hỗ trợ những đối tượng yếu thế này rất cần có sự đồng hành, phối hợp giữa Mặt trận với doanh nghiệp, bởi cần hỗ trợ đến khi các em trưởng thành.

Từ thực trạng nông sản được mùa nhưng mất giá, ông Trần Việt Anh cho rằng, việc triển khai nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cần được tiến hành rộng rãi, tập trung hơn nữa vào những sản phẩm của nông dân, nông nghiệp Việt Nam. Để làm được điều này rất cần sự tham gia của cán bộ Mặt trận các cấp trong tuyên truyền, vận động và phổ biến cho người tiêu dùng.

Nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội

Góp ý về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2022, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội. Khi một số địa phương thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND cấp phường) thì Mặt trận nên chú trọng đến công tác giám sát, phản biện xã hội. Đây chính là việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong xây dựng Đảng, chính quyền, thực sự là cầu nối tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân đề nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần đưa ra hướng dẫn liên quan tới quy chế hoặc chế tài trong hậu giám sát, từ đó khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai và phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát.

Đồng quan điểm, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho rằng MTTQ Việt Nam cần thực chất hơn trong triển khai giám sát, phản biện xã hội, xây dựng kế hoạch cụ thể chứ không chỉ làm phong trào theo hướng chung chung. Ví dụ, tập trung vấn đề thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Góp ý thêm, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Vì vậy, MTTQ Việt Nam cần đưa vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải vào chương trình giám sát, phản biện để chung tay đưa đất nước phát triển xanh, bền vững.

Đa dạng hóa cách thức lắng nghe

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị MTTQ các cấp cần nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị TW 4 khóa XIII… Đa dạng hóa cách thức lắng nghe để ghi nhận được nhiều ý kiến của các tổ chức thành viên; kịp thời tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh tới Đảng và Nhà nước…

Đọc thêm