Mẫu Boeing 737 MAX 8 vừa gặp nạn ở Indonesia có gì đặc biệt?

(PLO) - Sau vụ rơi máy bay thảm khốc ở Indonesia đầu tuần qua, dư luận thế giới đã chú ý nhiều tới mẫu máy bay 737 MAX 8 của hãng Boeing. Chiếc máy bay của hãng Lion Air gặp nạn khi vừa được đưa vào sử dụng hơn 2 tháng.
Mẫu Boeing 737 MAX 8 vừa gặp nạn ở Indonesia có gì đặc biệt?

Thảm họa hàng không

Sáng 29/10, khi nhiều người dân trên thế giới đang chuẩn bị bước vào ngày làm việc đầu tiên của tuần mới thì nhận được tin chiếc máy bay của hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia vào rạng sáng cùng ngày đã rơi xuống biển, khiến tổng cộng 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. 

Theo giới chức Indonesia, máy bay gặp nạn mang số hiệu JT 610, bị rơi khi đang trong hành trình từ thủ đô Jakarta tới sân bay Pangkal Pinang thuộc tỉnh Bangka Belitung trên đảo Sumatra. Theo Cơ quan Tìm kiếm Cứu hộ Cứu nạn Quốc gia Indonesia, máy bay đã bị mất liên lạc với trạm không lưu chỉ 13 phút sau khi máy bay cất cánh. 

Thảm họa hàng không chết chóc nhất xảy ra tại Indonesia kể từ năm 1997 cho đến nay đã dấy lên những lo ngại mới về hồ sơ an toàn hàng không của nước này. Đồng thời, vụ việc cũng đã đẩy sự chú ý của dư luận tới mẫu máy bay 737 MAX 8 của hãng Boeing – mẫu máy bay dân dụng thế hệ thứ 4 của Boeing mà cho đến trước ngày 29/10 là mẫu máy bay chưa từng xảy ra tai nạn.

Chiếc máy bay gặp nạn được Boeing bàn giao cho Lion Air vào tháng 8. Đến khi gặp nạn, máy bay mới trải qua 800 giờ bay. 

Máy bay 737 MAX với phần thân hẹp hơn là phiên bản cập nhật của seri máy bay 737 của Boeing – dòng máy bay thương mại được sản xuất nhiều nhất thế giới, với hồ sơ an toàn được luôn được xếp hạng cao. Mẫu máy bay này được Boeing cho ra mắt vào tháng 12/2015 và có chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2016.

Boeing cho biết, 737 MAX đã trở thành loại máy bay bán chạy nhất trong lịch sử của Công ty, với gần 4.700 đơn đặt hàng bán cho hơn 100 khách hàng trên toàn thế giới đã được ký kết.

Về chiếc Boeing 737 MAX 8, so với thế hệ máy bay 737 trước đó, máy bay này được thay đổi về cả động cơ lẫn thân máy bay. Động cơ của máy bay là động cơ CFM International LEAP-1B có hiệu suất nhiên liệu cao hơn 15% so với dòng động cơ CFM56 được sử dụng trên thế hệ máy bay cũ. Nhờ khả năng sử dụng nhiên liệu hiệu quả nên máy bay có thể bay liên tục tới 6.570 km. Đây cũng là một trong những ưu điểm lớn của dòng máy bay này.

Theo đơn vị sản xuất, máy bay Boeing 737 MAX 8 có chiều dài 39,52 m; sải cánh 35,9 m; cao 12,3 m; tầm bay 6.510 km và tốc độ tối đa đạt 842 km/h. MAX 8 được đánh giá là có độ cách âm cực tốt, yên tĩnh hơn tới 40% so với những chiếc 737 khác, khiến hành khách ngồi trên máy bay có cảm giác như máy bay đang đứng im.

Dòng máy bay này có sức chứa tới 210 người, bao gồm cả hành khách và 2 phi công, 4 tiếp viên. Ghế ngồi trên máy bay cũng lớn hơn các dòng máy bay trước đó và có thể thay đổi vị trí ghế tùy theo số lượng người trên máy bay cho thuận tiện. Giá của mỗi chiếc Boeing 737 MAX 8 khoảng 110 triệu USD.

Cho đến nay, dòng máy bay này được nhiều hãng không lớn trên thế giới sử dụng như các hãng American Airlines, United Airlines của Mỹ, Norwegian của Na Uy hay FlyDubai của các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. 

Dấu hiệu bất thường

Trở lại với máy bay của hãng hàng không Lion Air gặp nạn, cho đến nay, mọi nghi ngờ đều hướng đến khả năng trục trặc kỹ thuật là nguyên nhân của tai nạn. Chiếc máy bay gặp nạn là một máy bay mới mua, được hãng đưa vào hoạt động từ tháng 8 vừa qua. Lion Air cũng cho biết, cơ trưởng và cơ phó trên máy bay đều có kinh nghiệm hơn 11.000 giờ bay.

Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia Haryo Satmiko cũng xác nhận trong số các vấn đề kỹ thuật đã được phát hiện của máy bay bị rơi có việc bay không ổn định và thiết bị đo tốc độ bay không đáng tin cậy. Các nguồn tin cho biết, trước khi mất liên lạc, phi công đã thông báo máy bay có vấn đề và cần được hướng dẫn xử lý.

Reuters dẫn thông tin từ trang thu thập thông tin các chuyến bay FlightRadar24 cho biết, các dấu hiệu đầu tiên cho thấy bất thường trên chuyến bay được ghi nhận chỉ khoảng 2 phút sau khi máy bay, khi máy bay đạt độ cao khoảng 610 m.

Sau đó, máy bay đã hạ độ cao xuống còn 152 m và rẽ sang trái trước khi bay lại lên độ cao 1.524 m. Vẫn theo trang web trên, trong những phút cuối cùng trước khi bị rơi, máy bay đã tăng tốc và đạt tốc độ khoảng 639km/h trước khi mất tín hiệu ở độ cao khoảng 1.113 m.

Reuters ngày 2/11 công bố thông tin độc quyền cho biết, một ngày trước chuyến bay định mệnh nói trên, vào buổi tối 28/10, cũng chính chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 đó đã gặp trục trặc trong chuyến bay của Lion Air từ đảo Bali về thủ đô Jakarta.

Theo ông Herson – người đứng đầu bộ phận quản lý sân bay ở khu vực Bali-Nusa Tenggara cho biết, trong chuyến bay ngày 28/10, chỉ vài phút sau khi máy bay cất cánh, phi công trên máy bay đã phát đi cảnh báo khẩn đề nghị được quay trở lại sân bay vì máy bay gặp trục trặc kỹ thuật.

Máy bay Boeing 737 MAX 8.
Máy bay Boeing 737 MAX 8.

Tuy nhiên, sau cảnh báo, phi công đã liên lạc lại với đài kiểm soát không lưu, thông báo máy bay đã có thể hoạt động trở lại bình thường nên máy bay sẽ không quay trở lại như yêu cầu ban đầu. Sau đó, máy bay đã bay về Jakarta an toàn. 

Thông tin trên trùng khớp với thông tin được trang web theo dõi dữ liệu chuyến bay FlightRadar24 công bố. Trang web này cũng cho biết, vào buổi tối 28/10, sau khi cất cánh khỏi sân bay Denpasar ở đảo Bali, máy bay của Lion Air đã có sự thay đổi thất thường về độ cao và tốc độ trong vài phút đầu tiên của chuyến bay, trong đó có một lần máy bay bị giảm độ cao xuống còn 267m trong suốt 27 giây trước khi có thể bay lại bình thường và ổn định đến cuối hành trình ở Jakarta.

Hai hành khách có mặt trên chuyến bay cho biết thêm rằng họ phát hiện hệ thống điều hòa và ánh sáng ở khoang hành khách trên chuyến bay có vấn đề. Một hành khách khác kể rằng tín hiệu dây an toàn trên máy bay đã không hề tắt trong suốt chuyến bay.

“Máy bay cất cánh, tăng độ cao rồi lại  hạ độ cao rồi lại bay lên cao và đột ngột hạ độ cao. Máy bay lắc rất mạnh khiến mọi người trên máy bay đều không ngừng cầu nguyện”, vị hành khách kể trên truyền hình Indonesia.

Chuyến bay này bị trễ gần 3 tiếng so với lịch trình ban đầu. Tuy nhiên, chuyến bay ngày 29/10 với cùng chiếc máy bay đó đã không được may mắn như vậy. Máy bay đã bị rơi chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Ngay trước khi máy bay rơi, phi công cũng đã yêu cầu được quay trở lại sân bay. 

Các chuyên gia cho rằng các tai nạn máy bay hầu hết đều bắt nguồn từ lỗi kỹ thuật hoặc do con người. Theo nhà phân tích hàng không Gerry Soejatman, các máy bay cũ có nguy cơ gặp tai nạn cao nhất nhưng xác suất để một chiếc máy bay mới gặp tai nạn cũng cao không kém bởi những vấn đề kỹ thuật trên một chiếc máy bay có thể phải mất 3 tháng sử dụng đầu tiên mới có thể phát hiện. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của vụ việc vẫn cần phải tìm hiểu chính xác mới có thể biết được. 

Đến cuối tuần qua, giới chức Indonesia thông báo đã tìm thấy được một số bộ phận của máy bay và các thi thể nạn nhân xấu số. Họ cũng đã tìm thấy được thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của máy bay gặp nạn nằm ở đáy biển ngoài khơi Jakarta. Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia cho biết sẽ xem xét kỹ thiết bị này để có được những thông tin đầy đủ hơn về các vấn đề đã xảy ra trên chuyến bay xấu số.

Đọc thêm