Máy bắn tốc độ vướng nghi án “bắn điêu”, Viện đo lường nói gì?

(PLO) - Cho rằng bị CSGT Thanh Hóa “đặt bẫy”, bắn điêu, tài xế Nguyễn Văn Tân (53 tuổi, ngụ tổ 30, khu 2B, phường Cao Xanh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) không ngừng gửi đơn tới các cơ quan chức năng khiếu nại,  và  đến cả Viện Đo lường Quốc gia, để tìm hiểu.
Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa
Ông Đoàn Anh Khoa, Phó trưởng phòng Điện từ trường cho biết: Máy đo tốc độ (MĐTĐ) được sử dụng tại Việt Nam từ năm 1995. Đây là phương tiện đo, kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông mà Việt Nam không sản xuất được, phải nhập ngoại. 
Trước khi đưa máy vào sử dụng, phải trải qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt, được cấp giấy chứng nhận sử dụng. Ông Khoa khẳng định trên thân máy không có nút, phím ấn nào có thể thay đổi kết quả đo: 
“Người sử dụng chỉ điều chỉnh được giới hạn tốc độ, công suất phát laze, hiển thị độ sáng đèn, chứ không thay đổi được thông số đo. MĐTĐ thiết kế đơn giản, kết quả hiển thị trên màn hình nên dễ dàng nhìn thấy”.
Đại diện Viện Đo lường Quốc gia giải thích nguyên lý hoạt động của một máy bắn tốc độ
Đại diện Viện Đo lường Quốc gia giải thích nguyên lý hoạt động của một máy bắn tốc độ 
Theo vị này, ông Tân là trường hợp cá nhân đầu tiên tìm đến Viện để phản ánh, tìm hiểu về MĐTĐ. Ông Khoa cũng là người trực tiếp giải đáp thắc mắc cho tài xế.
Theo đó, việc cảnh sát cài đặt tốc độ tối thiểu tuỳ thuộc vào tốc độ cho phép ở từng đoạn đường. Khi cài đặt tốc độ giới hạn, máy vẫn đo được các phương tiện chạy dưới tốc độ cài đặt nhưng không chụp ảnh. 
Việc cài đặt như vậy không phải là “cài cắm” hay “bẫy”, máy đo vẫn cho kết quả theo đúng thực tế phương tiện lưu thông, nhưng máy ảnh chỉ chụp ảnh khi phương tiện vượt quá tốc độ cài đặt.
Về phía Cục CSGT, văn bản trả lời XLPL cho biết, tất cả các cán bộ, chiến sĩ CSGT thực thi nhiệm vụ đều được tập huấn thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kĩ thuật, trong đó có MĐTĐ. 
Về tính chính xác của MĐTĐ, Cục này nói tất cả MĐTĐ trước khi đưa vào sử dụng đều được các cơ quan thẩm quyền cấp chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem, giấy chứng nhận); được duy trì tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật trong suốt quá trình sử dụng. 
Cục CSGT cho rằng kết quả thu thập được bằng MĐTĐ có ghi hình ảnh là “chuẩn”, đảm bảo xử lý vi phạm hành chính không oan sai.
Theo Viện Đo lường Quốc gia, tem kiểm định của MĐTĐ dán ở vị trí dễ quan sát trên thân máy. Trên đó ghi hạn kiểm định (một năm) do Viện Đo lường Quốc gia cấp. Hiện tại ở Việt Nam có hai loại MĐTĐ: Dùng tia laze và dùng sóng rada, phạm vi áp dụng từ 8 – 320km/h, sai số 2km/h.
Về cấu tạo, MĐTĐ gồm hai phần: Máy đo và máy ảnh. Máy đo hoạt động liên tục, còn máy ảnh chỉ chụp khi phương tiện chạy quá tốc độ tối thiểu cài đặt. 
Ở một số nước Châu Âu, MĐTĐ không cần máy ảnh, còn ở Việt Nam, MĐTĐ được tích hợp giữa máy ảnh và máy đo tốc độ. Khoảng cách đo được theo tiêu chuẩn từ 15m đến 1000m nhưng kết quả thu được phụ thuộc nhiều vào ống kính máy ảnh và các điều kiện thời tiết, môi trường.
Máy ảnh càng ngày càng hiện đại, hình ảnh thu về rõ nét hơn, đặc biệt một số loại còn tích hợp GPS để xác định vị trí phương tiện, khắc phục nhược điểm MĐTĐ ban đêm chỉ chụp rõ khuôn hình xe và biển số xe. 
Trong một hội thảo về phương tiện đo tốc độ giao thông tại Đài Loan năm 2011, đoàn Việt Nam được đánh giá cao vì đã đóng góp nhiều ý kiến kĩ thuật về MĐTĐ, xuất phát từ thực tế thiết bị này được sử dụng nhiều và đa dạng. 
Tài xế Tân vẫn chưa có ý định ngừng việc khiếu nại. Ông cho hay là bộ đội xuất ngũ về lái xe thuê đã 26 năm. Từ khi sự việc xảy ra, ông nghỉ việc “đi kiện”, từng nhiều lần đi lại quãng đường từ Quảng Ninh vào Thanh Hóa chụp ảnh, dựng lại “hiện trường”, vay tiền của con trai và bạn làm lộ phí. 
Lý giải nguyên nhân vì sao không dừng lại, người đàn ông này cho rằng: “Trước đây tôi đã từng một lần bị xử oan vì tội chống người thi hành công vụ, hiện vẫn làm đơn khiếu nại. Giờ tôi quyết làm đến cùng vụ này vì không muốn bị oan ức lần nữa”.

Đọc thêm