Trên trang web của Boeing về dự án này giới thiệu, Loyalty Wingman dài 11,5 mét và bay được 3.218,6 km, sẽ "sử dụng trí tuệ nhân tạo để bay một cách độc lập, hoặc có hỗ trợ của máy bay có người lái, trong khi duy trì khoảng cách an toàn với các máy bay khác".
Máy bay không người lái này có thể tham gia vào chiến tranh điện tử cũng như các nhiệm vụ tình báo, trinh sát, giám sát và thay đổi nhanh chóng giữa các vai trò đó.
"Chiếc máy bay được giao tại Sydney hôm qua - 5/5 là chiếc đầu tiên trong số ba nguyên mẫu mà Boeing đang sản xuất. Đây cũng là máy bay đầu tiên "được thiết kế, chế tạo và sản xuất tại Australia sau hơn 50 năm", Boeing cho biết.
Chiếc máy bay này cũng đặt nền móng cho Hệ thống Hợp tác Không quân của Boeing (ATS) được phát triển cho thị trường quốc phòng toàn cầu.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết máy bay không người lái sẽ bảo vệ các loại máy bay chiến đấu đắt tiền nhất của nước này, như máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và các phi công trong tương lai. Việc sản xuất máy bay không người lái sẽ giúp giải quyết khủng hoảng hiện nay, chống lại tác động của virus corona.
Chính phủ Australia cho biết họ đã đầu tư khoảng 40 triệu USD vào dự án. Chính phủ gọi sự hợp tác giữa Boeing và RAAF là "một quan hệ đối tác".
Boeing cho biết dự án này là khoản đầu tư lớn nhất của hãng vào máy bay không người lái bên ngoài Hoa Kỳ, mặc dù nó không đưa ra con số cụ thể.
"Chúng tôi tự hào với bước tiến quan trọng này với RAAF và cho thấy tiềm năng hợp tác về máy bay không người lái thông minh để phục vụ cho lực lượng không quân", ông Kristin Robertson, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Bộ phận về quốc phòng, không gian và an ninh của Boeing nói. "Chúng tôi mong muốn đưa máy bay vào thử nghiệm chuyến bay và chứng minh sự hợp tác về thiết bị không người lái."
Boeing và RAAF cho biết trong một tuyên bố, dự kiến sẽ bay lần đầu tiên vào cuối năm nay.
Boeing lần đầu tiên công bố kế hoạch sản xuất máy bay không người lái tại một triển lãm hàng không ở Melbourne (Australia) 15 tháng trước.
Trong một cuộc phỏng vấn với Viện Chính sách Chiến lược Australia, Tham mưu trưởng RAAF, Đại tướng Leo Davies, đã nói về máy bay không người lái có trí tuệ nhân tạo có thể tương tác với các phi công thực sự. "Chúng tôi có thể lập trình cho các máy bay không người lái nhưng vì nó chỉ hoạt động theo tuyến tính, không phải là cảm xúc nên ở nhiều khía cạnh, theo nghĩa chiến đấu trên không, thì không linh hoạt cho lắm", Tướng Davies cho biết.
"Một phi công thực sự sẽ đánh giá tình huống bằng cảm nhận và sự sáng tạo cho phép hoạt động nhanh nhẹn hơn. Nhưng Khi chúng ta kết hợp sự linh hoạt và nhanh nhẹn của con người với tốc độ của một cỗ máy, chúng ta đã có một kết quả khá tuyệt vời", Tham mưu trưởng RAAF khẳng định.