Mẹ đổ bệnh, em bỏ học sau ngày tài xế thất nghiệp chiếm đoạt xe

(PLO) -Đứa bé ba tuổi kéo tay người o ruột (cô – PV), mếu máo: “Đến ba đi, đến ba đi”. Đôi chân nhỏ xíu lon ton chạy được mấy bước, còn chưa kịp sà vào lòng người cha thì tiếng chuông chát chúa báo hiệu đến giờ xét xử. 
Bị cáo Phan Đình Ngọ
Bị cáo Phan Đình Ngọ

Bị cáo nhìn cô con gái nhỏ bằng ánh mắt buồn rười rượi, rồi lầm lũi bước đến vành móng ngựa. Bị cáo là Phan Đình Ngọ, 26 tuổi, ngụ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.

Phút “nghĩ quẩn”

Bà lão tuổi 86, nặng nhọc bước từng bước chậm chạp trên cầu thang dẫn lên tầng ba TAND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Trời se se lạnh, nhưng đôi tay khẳng khiu của bà chốc chốc lại quệt lên chiếc trán nhăn nheo, nơi đó lấm tấm đầy mồ hôi, như thể bà vừa dùng hết sức mình mới cất nổi từng bước chân. Hôm nay cháu ngoại bà ra tòa, nên dù già yếu, bà vẫn cố gắng đến dự khán bằng được.

Nhìn bị cáo đứng nơi vành móng ngựa, đôi mắt bà ngân ngấn nước. Bà bảo, mẹ bị cáo đang nằm viện. Biết con trai ra tòa, nhưng sức cùng lực kiệt, chẳng thể nhất chân khỏi giường bệnh để đến tòa thăm con. 

“Từ khi con trai hắn bị bắt, lo lắng, buồn lòng khiến con gái tui ăn không ngon, ngủ không yên, đến nổi phải sinh bệnh”, bà lão chép miệng lắc đầu. Rồi bà bảo, sợ cháu trai lo lắng, nên cả tháng nay vào ra bới xách, nhưng mọi người trong gia đình đều giấu không cho đứa con lầm lỗi biết bệnh tình của mẹ. 

“Hồi nãy hắn hỏi mẹ mô không thấy tới, mà tui không dám nói mẹ hắn nằm viện cả tháng rồi, sợ hắn buồn”, mắt bà lão lại đỏ hoe.

Bị cáo khai trước tòa, khoảng 12 giờ trưa ngày 12/3/2016, bị cáo đi bộ từ nhà đến quán  tạp hóa của người hàng xóm cách nhà mình 500 mét để mượn xe. Ngọ nói mình cần chạy xe đến đường Nguyễn Du gặp bạn mượn tiền. Do trước đây bị cáo nhiều lần mượn xe, lần nào cũng trả đúng hẹn, nên người hàng xóm tin tưởng, giao xe cho Ngọ. 

Bị cáo lái xe đến đường Nguyễn Du tìm bạn để mượn tiền, nhưng không gặp, liền nảy sinh ý định mang xe của hàng xóm đi cầm, lấy tiền tiêu xài.

Ngọ lái xe về nhà một người tên Dũng, nhờ cầm xe giúp. Anh Dũng hỏi xe ai, thì bị cáo nói dối là xe mình, muốn cầm tạm vài ngày. Anh Dũng tin thật, nên đưa xe đến chổ một người tên Hùng cầm giúp lấy 2 triệu. Số tiền này, bị cáo tiêu xài hết.

Lại nói đến người hàng xóm, sau mấy ngày không thấy Ngọ mang xe về trả, chị này hỏi thì Ngọ cho biết mình vi phạm giao thông nên bị công an thu giữ. Biết bị cáo nói dối, nên người hàng xóm gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng. Vụ việc sau đó được nhanh chóng làm rõ.

Anh Dũng là người giúp bị cáo đi cầm xe nhưng tin tưởng là xe của bị cáo nên không đồng phạm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, chỉ bị cơ quan chức năng giáo dục, rút kinh nghiệm. Đối với anh Hùng là người cầm xe cho anh Dũng, nhưng không biết rõ tài sản do phạm tội mà có, nên không phạm vào tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. 

Tuy nhiên, người này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng về hành vi “Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ quyền sở hữu nhưng không có loại giấy tờ đó”.

Tòa hỏi bị cáo: “Lúc mượn xe đã có ý định chiếm đoạt chưa?”. Ngọ khai chưa. Phải đến lúc mượn không được tiền mới nảy sinh ý định. Sau khi cầm xe xong, bị cáo không dám về nhà, sợ hàng xóm đòi xe không có để trả. Nhưng số tiền 2 triệu đồng, bị cáo xài chừng mấy ngày thì hết, nên cuối cùng cũng đành lút cút về nhà, chuyện chiếm đoạt xe mới vỡ lở.

Tòa: “Bị cáo làm nghề gì?”. Bị cáo: “Dạ bị cáo làm nghề tài xế”. “Làm tài xế lương bao nhiêu? Sao đến nổi phải đi chiếm đoạt tài sản của người khác để tiêu xài?”. Bị cáo khai thu nhập từ nghề tài xế mỗi tháng 4 đến 5 triệu. Nhưng thời gian đó, chủ xe vừa cho bị cáo nghỉ việc, quanh quẩn ở nhà không có tiền xài, mượn bạn không được, mới nghỉ quẩn. 

“Có phải chủ xe biết bị cáo nghiện ma túy nên cho nghỉ việc không?”. Bị cáo bảo không phải. Ngọ khai mình sử dụng ma túy đã hai năm nay. Chỉ những khi nào có tiền mới sử dụng. 

“Bị cáo thất nghiệp, tiền đâu mua ma túy?”. “Bị cáo xin bố mẹ”. “Bố mẹ chỉ cho tiền ăn sáng, cà phê. Làm gì có ai cho con tiền sử dụng ma túy? Giờ bị cáo vào trại, đã cai nghiện chưa?”. Bị cáo nói đã cai rồi.

Tết buồn trong trại giam

Vị hội thẩm nhân dân tham gia xét hỏi bị cáo: “Bị cáo bị cơ quan chức năng xử phạt lần nào chưa?”. “Dạ rồi. Năm 2011 bị xử phạt hành chính về hành vi “đánh nhau”. “Còn lần nào nữa không?”. “Dạ thêm 2 lần bị xử phạt hành chính về hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy”.

“Bị cáo bị xử phạt, chưa chấp hành đã phạm tội tiếp. Chiếc xe la phương tiện làm ăn của người khác, sao bị cáo có thể lấy đi cầm. Bị cáo muốn có tiền tiêu xài, thì phải cật lực làm việc, lao động, bị cáo biết không? Ở tuổi bị cáo, lẽ ra đã có công ăn việc làm ổn định, chứ không thể lêu lổng như bị cáo”.

Cha bị cáo đến tòa, dáng gầy rạc. Ông mặc chiếc áo xỉn màu, mái tóc rối tung, gương mặt phờ phạc chất chồng lo âu. Ông giãi bày, vợ ông buôn bán, còn ông làm nông. Nhà chẳng khá giả gì, nhưng cũng muốn cho con ăn học đàng hoàng.

Nhưng học đến lớp 11 thì Ngọ bỏ ngang, ông khuyên con không được cũng đành chịu. Ngọ ở nhà, giúp cha làm ruộng, nhưng bữa đực bữa cái, còn lại thời gian thì lêu lỏng với bạn bè. Sợ con sinh hư, ông động viên con đi học tài xế, kiếm nghề nuôi thân. 

Rồi Ngọ cưới vợ, sinh con. Chưa kịp mừng vì con cái thành gia lập thất, thì vợ chồng con trai tan đàn xẻ nghé. Khi đứa cháu nội mới tròn 8 tháng tuổi, thì vợ Ngọ bỏ đi. Ngọ gà trống nuôi con, may nhờ có ông bà nội phụ chăm cháu. 

Ông phân bua: “Hắn bị bạn bè lôi kéo, lâu lâu mới sử dụng ma túy một lần, chứ không nghiện ngập chi cả”.

Em gái bị cáo kể, từ ngày anh trai mình bị tạm giam, đêm nào đứa bé ngủ cũng khóc đòi ba. Biết chiều hôm nay được gặp ba, nên đứa trẻ háo hức suốt cả buổi sáng. Còn em lẽ ra giờ đã là sinh viên một trường cao đẳng trong thành phố, nhưng thấy chuyện nhà bề bộn, cháu nhỏ không có người trông nom, trong khi mẹ cứ đau ốm liên miên, nên em phải ở nhà. Chuyện học hành đành phải dang dở.

Lúc tòa nghị án, cô em gái vội vả bồng cháu đến bên anh trai. Đứa bé lâu ngày mới gặp mặt, cứ ôm mãi cổ cha không rời. Bị cáo mỉm cười nhìn con gái, nhưng nụ cười cứ méo xệch như sắp khóc. 

Bị cáo kể, trước tết, gia đình cũng “tiếp tế” vào trại nào bánh, trái, hoa quả, để bị cáo ăn tết trong trại giam. Lần đầu ăn tết ở một nơi “đặc biệt” như thế, bị cáo buồn, nhớ nhà, và thấy hối hận vô cùng. Nên lần này được ra tù, nhất định sẽ không quay lại vết xe cũ, sẽ lo làm ăn nuôi con đàng hoàng. 

Nói đoạn, bị cáo cầm đôi tay nhăn nheo của bà ngoại, nghẹn giọng hỏi bà ngoại ăn tết có vui không. Bà lão ứa nước mắt: “Có vui chi mô. Mi ở trong trại, nhà mi năm ni không có tết”. Bị cáo cúi đầu, giấu đi đôi mắt loang loáng nước.

Nhìn đứa cháu ngồi bó gối nơi dãy ghế dành riêng cho bị cáo, bà lão rầu giọng: “Hắn ở nhà hiền lành, ngoan ngoãn lắm. Ai ngờ có lúc theo bạn bè, rồi lêu lổng, để đến nỗi phải đi tù”. Rồi bà run run lần túi áo, lấy mấy trăm ngàn cất kỹ trong chiếc ví giúi vào tay cháu, “cầm vào trong đó mà mua thức ăn. Bà lên đây thăm cháu, không bới xách gì, vì sợ người ta không cho mang vào trại”.

Bị hại cũng gật đầu thừa nhận, bảo ở nhà bị cáo hiền lắm. Ham chơi ở đâu không biết, chứ ở địa phương, lúc nào cũng lễ phép, dễ thương. Cũng bởi dễ thương vậy, nên chị mới nhiều lần cho mượn xe mà không nghi ngờ gì. Tại phiên tòa, chị cũng xin hội đồng xét xử giảm nhẹ mức án cho bị cáo.

Tòa tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù giam. Người cha thở hắt ra, như trút được gánh nặng. Ông đưa tay lên bấm đốt ngón tay, bảo còn 2 tháng nữa, con trai được về rồi. Nói đoạn ông vội vã cất bước, bảo còn vào viện để chăm vợ ốm.

Đọc thêm