Làng cổ Shirakawa-go và Gokayama hay còn gọi là Làng lịch sử Shirakawa-go và Gokayama. Theo tiếng Nhật, “Shirakawa” có nghĩa là làng của con sông trắng, còn “Gokayama” có nghĩa là năm quả núi. Hai làng này nằm tại vùng Tokai ở miền trung Nhật Bản. Làng Shirakawa-go nằm tại tỉnh Gifu và làng Gokayama nằm tại tỉnh Toyama.
Núi và rừng chiếm diện tích tới 96% đất ở cả hai làng Shirakawa-go và Gokayama do vậy cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn, vất vả với chỉ có 4% đất trồng trọt. Từ năm 1950, Nhật bắt đầu có những bước tiến phát triển mạnh mẽ về kinh tế, người dân ở hai ngôi làng vẫn duy trì nhịp sống cũng như thói quen sinh hoạt mà tổ tiên nhiều đời của họ đã truyền lại.
Kiến trúc gassho-zukuri độc đáo
Đến Shirakawa-go và Gokayama, ngoài khung cảnh làng quê và đồng ruộng yên bình của cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, sự nổi tiếng của các ngôi làng còn nằm ở chỗ, người ta xây nhà theo lối kiến trúc gọi là gassho-zukuri.
Nhà tranh Gassho zukuri được làm bằng gỗ, lợp mái tranh với độ dày 50 cm. Nhà có màu đen mun đặc trưng được làm từ nhiều loại gỗ. Mỗi người dân ở đây sử hữu vài quả đồi nên lựa chọn gỗ để dựng nhà là điều không khó. Để hoàn thiện ngôi nhà này xưa người dân phải mất vài tháng. Nhà được thiết kế hình tam giác, ở giữa gian tầng 1 có một bếp củi đỏ lửa vừa để sưởi ấm vừa có tác dụng làm bền gỗ.
Tầng một còn được coi là phòng sum vầy. Đó vừa là phòng khách, phòng sinh hoạt chung và thậm chí còn là phòng ăn. Từ tầng 2 trở đi, nền giữa các gian nhà có các khe hở để khói từ tầng 1 thoát lên.
Điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà đó là phần mái, được lợp bằng tranh trên dàn kèo gỗ được xây dốc xuống theo dạng giống như bàn tay đang chắp lại cầu nguyện. Người dân ở đây làm mái như vậy vì đây là 2 trong những địa điểm tuyết rơi nhiều nhất trên thế giới. Mái nhà có độ dốc cao là để tuyết có thể dễ dàng rơi xuống.
Khi khối lượng tuyết rơi dày đặc vào mùa đông, mái nhà ít nhất cũng sẽ nâng đỡ, bảo vệ ngôi nhà không bị đổ sập. Mái nhà cũng được thiết kế quay theo hướng Bắc hoặc Nam để tránh gió cấp và đón ánh sáng để tuyết có thể tan một cách nhanh chóng, mùa Đông thì ấm áp và mùa Hè lại mát mẻ dễ chịu.
Ngoài ra, mái nhà đặc biệt không cần đến sự trợ giúp của những chiếc đinh, thay vào đó họ dùng dây thừng hay dây đay. Chiếc mái hình tam giác đã tạo ra một không gian gác mái rộng, giúp người dân có diện tích nuôi tằm. Căn gác mái đón trọn gió và ánh sáng từ cửa sổ nên thích hợp cho tằm sinh trưởng. Từ đây, trồng dâu nuôi tằm, chế tạo thuốc súng sử dụng chất thải từ con tằm trở thành nghề hỗ trợ cuộc sống của dân làng lúc bấy giờ.
Nhưng hiện nay nơi nuôi tằm, chế tạo súng chỉ bày để khách thăm quan, 80% người dân làng cổ đã bỏ nghề nông nghiệp chuyển sang làm dịch vụ và du lịch. Hiện một số hộ gia đình vẫn đang trồng lúa nhưng để bảo vệ cảnh quan của làng vì cánh đồng lúa cũng thuộc di sản văn hóa thế giới.
Nửa sau thế kỷ 19, có hơn 1.800 ngôi nhà gassho-zukuri nhưng do những nguyên nhân như nghề nuôi tằm suy thoái, dân số giảm nên số lượng nhà cũng ít dần theo và cho đến nay chỉ còn lại khoảng 150 ngôi nhà. Việc bảo tồn những ngôi nhà này từ kỹ thuật cho đến chi phí cũng không hề đơn giản chút nào. Phần mái nhà cứ 30-40 năm phải tiến hành thay cỏ một lần, gọi là “Fukikae”. Làm mái nhà rất tốn kém, nhà nào đến kỳ đổi mái sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền làm lại, chủ hộ chỉ mất 10% số tiền sửa đó.
Làng Shirakawago
Shirakawago ở tỉnh miền trung Gifu là một trong hai ngôi làng cổ độc đáo nhất Nhật Bản với tên gọi “Historic Villages of Shirakawa-gō and Gokayama”. Làng gồm hơn một trăm căn nhà cổ. Cụ thể ở đây có tổng cộng 114 mái nhà nằm kề nhau ở chân núi Haku-san ở tỉnh Gifu với dòng Shogawa chảy vắt ngang cùng những cánh đồng lúa. Shirakawago (có nghĩa Bạch giang quận cổ) mang trong mình một tinh thần Nhật Bản xưa cũ còn lưu lại đến bây giờ. Trước đây làng từng là nơi tu hành của các bậc ẩn tăng trước khi Phật giáo ở Nhật Bản kết hợp với Mật tông...
Làng Shirakawago có hàng trăm ngôi nhà cổ, nhưng trong số đó Ogimachi là ngôi làng lớn nhất và là điểm tham quan chính khi đến với Shirakawago. Để vào làng, bạn sẽ đi qua một cây cầu dây dài 107m với tên gọi Deaibashi (cầu Kỳ Duyên). Người dân nơi đây cho biết, cầu cũng là một trong những biểu tượng của làng thể hiện sự mong muốn luôn được sum vầy, hòa thuận. Cầu được bắc ngang con sông Shokawa có nước chảy trong vắt màu xanh ngọc.
Ngoài nhà cửa theo lối kiến trúc Gassho-zukuri, các công trình như chùa chiền, Koya (các ngôi nhà nhỏ được sử dụng làm nơi ở tạm của những cô gái đến thời kỳ kinh nguyệt), nhà kho làm bằng gỗ, đền thờ, thủy lộ đều được chỉ định là những tài sản văn hóa cần được bảo tồn. Ngôi làng vẫn giữ được phong cảnh thiên nhiên trù phú, các khu phố, cuộc sống sinh hoạt như ngày xưa nên nó được xem là một nơi bí ẩn chưa bị khám phá.
Bất chấp những suy thoái kinh tế, động đất, thiên tai Shirakawa-go dường như đứng cách xa với hơi thở thời gian. Ở đó, như thể thời gian đứng chững lại, để nhìn, để ngắm, để nạp năng lượng sống. Những mái nhà Shirakawa-go như những bày tay cầu khấn, vừa mang tính tôn giáo, vừa để che đỡ những trận cuồng nộ của thiên nhiên, bão tuyết.
Làng Gokayama
Không được như Làng Shirakawa-go, làng Gokayama kém phát triển hơn và cũng không đông bằng Shirakawa-go. Những ngôi làng nông dân trong vùng này nhỏ hơn, tách biệt hơn và có rất ít bóng dáng những ngôi nhà hiện đại. Tại làng Gokayama lại phân cấp thành nhiều làng nhỏ, trong đó làng Suganuma và làng Ainokura được cho là đẹp nhất tại làng Gokayama.
Làng Suganuma bao gồm: làng Suganuma và Gokayama Gassho no Sato. Nhiều ngôi nhà gassho-zukuri ở Suganuma hiện đã trở thành các bảo tàng nhỏ trưng bày hình ảnh cuộc sống thường nhật của nông dân, ngành sản xuất giấy washi và ngành sản xuất thuốc súng đang được duy trì tại nơi này. Ở Gokayama Gassho no Sato, phía bên kia đường hầm vẫn có một số ngôi nhà gassho-zukuri truyền thống được quy hoạch lại làm nơi ở cho các nhóm học sinh, sinh viên các trường học đến ăn ở và trải nghiệm cuộc sống Gokayama.
Làng Ainokura: Tận sâu phía trong thung lũng, Ainokura là ngôi làng xa xôi nhất của vùng Gokayama. Nó cũng là làng rộng nhất vùng này với gần 20 ngôi nhà gassho-zukuri. Nhiều ngôi nhà hiện vẫn là nơi cư trú của người dân. Dù kém phát triển, việc giao thông đi lại khó khăn và có rất ít các tiện nghi nhưng Ainokura rất yên tĩnh và hoàn toàn nguyên sơ. Do ở rất xa nên Ainokura cũng đã bảo tồn được rất nhiều truyền thống văn hóa của địa phương mình như âm nhạc và các điệu nhảy dân gian.
Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, những ngôi làng cổ càng ngày càng thu hút nhiều khách du lịch. Mỗi năm nơi đây đón khoảng gần 2 triệu khách đến thăm, trong đó số khách du lịch nước ngoài ngày một tăng. Với những lễ hội truyền thống, những món ăn địa phương, người dân đã biết tận dụng để phát triển du lịch.
Đặc biệt là lễ hội lớn nhất trong Dobudo, uống rượu gạo mới mừng vụ mùa và cầu mong các vị thần chở che để dân làng có thu hoạch tốt ở vụ mùa sau, đã thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan. Ngoài ra, trong hai tháng 1 và 2 vào các tối thứ bảy hằng năm làng tổ chức thắp sáng điện trong tất cả các ngôi nhà cổ tạo nên lễ hội ánh sáng thu hút khách du lịch.