Ký ức đau lòng
Người mẹ gây ra thảm kịch đau lòng ấy là chị Hoàng Thị Nhung (SN 1985, ngụ xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Năm 2013, chị Nhung vì mâu thuẫn với chồng, tuyệt vọng trong cuộc sống nhiều vất vả đã dùng chăn quấn chặt lấy hai con nhỏ của mình là cháu Ngô Văn Trung (SN 2000) và Ngô Văn Thành (2008) rồi tẩm xăng đốt.
Chồng chị Nhung — anh Ngô Văn Hoàng (40 tuổi, cùng ngụ địa chỉ trên) đã đau đớn đến tột cùng, một thời gian dài không ngừng dằn vặt trách mình vì sự ra đi của vợ con.
Dù đã vài năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại sự việc, người dân địa phương vẫn lắc đầu thở dài: “Thời còn sống, chị Nhung tính tình hiền lành, ít nói, chưa mất lòng ai bao giờ. Tuy nhiên, mỗi lần gặp khó khăn, chị ấy luôn suy nghĩ tiêu cực, đụng chuyện gì khó khăn là ủ rũ đòi chết mới dẫn đến hành động dại dột như vậy, lại còn kéo theo 2 đứa con vô tội”.
Trong căn nhà cấp bốn trơ trọi, chênh vênh giữa những lùm cây dại bạt ngàn, cụ Nguyễn Thị Nguyệt (77 tuổi, mẹ chồng chị Nhung) tóc đã bạc trắng, đôi mắt đục mờ vẫn không cầm được nước mắt mỗi khi nhìn di ảnh con dâu và 2 đứa cháu.
Cụ nghẹn ngào tâm sự: “Mọi việc xảy ra quá nhanh, quá thảm khốc. Cho đến bây giờ, mỗi đêm tôi nằm ngủ, ác mộng về khung cảnh ngày hôm đó lại hiện ra đau đớn. Biết bao đêm tôi thức trắng tự dằn vặt bản thân không bảo vệ được cháu. Chuyện gì cũng có cách giải quyết, nhưng nó cứ để trong lòng, không chia sẻ với ai, cuối cùng bí bách lại làm chuyện khờ dại như vậy. Hai đứa cháu tôi còn quá non dại, có tội tình gì mà bị mẹ tước đoạt quyền được sống như thế…”.
Cố kìm nén tiếng khóc nghẹn, cụ Nguyệt kể về tai họa của gia đình. Khoảng hơn 10h ngày 20/9/2013, đang nằm xem vô tuyến trong nhà, cụ thấy mùi khét, kèm theo là khói từ đâu bay vào nhà nghi ngút. Nghĩ có chuyện chẳng lành, cụ Nguyệt cùng chồng vội vàng chạy ra ngoài xem tình hình.
Hai ông bà điếng người phát hiện nhà của vợ chồng người con trai cả bị bốc cháy, kèm theo tiếng nổ lớn. Ông bà hoảng loạn la lên kêu mọi người đến cứu giúp.
Người con út nghe tiếng cha mẹ kêu cứu liền tức tốc chạy đến, đạp cửa xông vào nhà anh chị dập lửa. Khi vào được trong nhà, người em chồng phát hiện chị dâu và 2 cháu nhỏ toàn thân bị ngọn lửa thiêu đốt trong phòng ngủ. Anh này nhanh chóng dập lửa, cùng một số người dân khẩn trương đưa 3 mẹ con chị Nhung đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu. Bệnh viện tỉnh sơ cứu sau đó chuyển gấp các nạn nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) tiếp tục chữa trị. Đến trưa hôm sau, cả 3 mẹ con chị Nhung đều không qua khỏi do vết bỏng quá nặng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng Công an huyện Hớn Quản phối hợp cùng các ban ngành liên quan nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Qua quá trình điều tra và thu thập các chứng cứ, lực lượng chức năng nhận định đây là một vụ tự thiêu do chính người mẹ gây ra.
Theo điều tra, chị Nhung đã lấy xăng từ chiếc xe máy, rót vào một chai nhựa cao 18cm, đổ lên chăn và quần áo mình cùng 2 con. Người mẹ dùng chăn tẩm xăng quấn chặt lấy 3 mẹ con rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa tự thiêu từ mẹ con chị Nhung lan rộng, làm nổ tung bình gas gần đó khiến các đồ vật trong nhà bốc cháy dữ dội.
Nước mắt người ở lại
Vụ việc đau lòng đã để lại vết thương sâu sắc đối với người thân của các nạn nhân. Được biết, chị Nhung sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Nghệ An. Đến tuổi trưởng thành, chị vào miền Nam lập nghiệp và gặp người chồng sau này trong một lần đi hái điều thuê. Trải qua một thời gian dài yêu đương, 2 người kết hôn.
Đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ chia cho miếng đất bên cạnh dựng căn nhà nhỏ ở riêng. Không lâu sau đó, tổ ấm nhỏ càng hạnh phúc hơn khi lần lượt chào đón 2 cậu con trai khỏe mạnh chào đời. Từ khi có con nhỏ, chi tiêu trong gia đình đều một tay anh Hoàng gánh vác. Hàng ngày người chồng đi cạo mủ cao su thuê, làm cật lực, chăm chỉ lắm cũng chỉ đủ lo bữa ăn cho gia đình. Hết mùa cạo mủ, anh Hoàng rơi vào cảnh thất nghiệp.
Hai vợ chồng loay hoay tìm nhiều cách làm ăn nhưng đều thất bại. Nợ nần ngày một nhiều, người chồng chán nản tìm đến rượu, mâu thuẫn vợ chồng cũng từ đó mà ra. Những cuộc cãi vã nảy lửa xảy ra thường xuyên.
Đỉnh điểm mâu thuẫn vào tối 19/9/2013, một ngày trước khi xảy ra sự việc. Tối hôm đó chị Nhung bóng gió cho rằng chồng “trăng hoa” không chí thú làm ăn nên kinh tế mới kiệt quệ. Hai bên cự cãi một hồi không tìm được tiếng nói chung.
Ở bên nhà nghe tiếng con trai và con dâu lớn tiếng với nhau, cha mẹ anh Hoàng chạy sang can ngăn, hết lời khuyên nhủ. Những tưởng mọi việc đã êm xuôi khi vợ chồng họ im lặng lên giường đi ngủ. Không ngờ sáng hôm sau, đợi chồng đi làm, chị Nhung đã gom tất cả ảnh cưới ra xé nát.
Sau đó, chị viết một là thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình với nội dung xin lỗi người thân, gia đình hai bên nội, ngoại. Trong lúc tâm trạng chán nản, bế tắc tột cùng, người phụ nữ đã lựa chọn cái chết. Điều đau đớn nhất là thiếu phụ đã kéo các con cùng phải gánh chịu kết cục bi thương theo mình.
Bà tâm sự tiếp trong nước mắt: “Nhìn con trai khóc không thành lời khi soạn từng bộ áo quần cháy nham nhở của vợ con để đốt khi an táng, một lúc ôm 3 di ảnh của vợ và hai đứa con thơ, tôi trách con dâu lắm. Thời gian giúp nỗi đau nguôi ngoai nhưng mỗi lần nhắc đến, tôi vẫn thấy thắt ruột thắt gan”.
Cuộc sống tiếp tục
Về phía người chồng, trải qua những tháng ngày đau đớn, dằn vặt, vì xác định vẫn phải sống tiếp làm chỗ dựa cho cho mẹ già nên anh Hoàng phải chôn nén nỗi đau, gắng gượng đi cạo mủ cao su, bón phân, làm cỏ thuê kiếm tiền nuôi cha mẹ già và lo hương khói cho vợ con. Mỗi lần nhìn di ảnh vợ con, nỗi dằn vặt lại ùa về, người đàn ông chôn mình vào góc tường ngồi khóc lặng.
Hơn một năm sau, trong một lần đi bắn chim rừng, anh gặp một người phụ nữ cũng bất hạnh, chồng mất sớm. Hai con người cùng cảnh ngộ đã đến bên nhau, động viên nhau sống tiếp.
Không tổ chức đám cưới, họ cùng nhau dựng một ngôi nhà nhỏ gần ngôi nhà cũ của anh Hoàng để sinh sống. Hạnh phúc đã hồi sinh trong gia đình “rổ rá cạp lại”, nhất là khi họ sinh hạ một cậu con trai bụ bẫm, khỏe mạnh. Từng trải qua nỗi đau từ cuộc hôn nhân trước, anh Hoàng và người vợ mới đều biết nhường nhịn nhau, cùng xây dựng mái ấm.
Căn nhà xảy ra vụ tự thiêu khi xưa giờ làm nơi thờ 3 mẹ con xấu số. Bố mẹ anh Hoàng đều đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, không còn sức lao động, hàng tháng vợ chồng anh Hoàng đem tiền về phụng dưỡng. “Các con tôi cùng mời bố mẹ về ở chung cho đỡ buồn, nhưng thương 3 mẹ con cái Nhung, vợ chồng tôi đành ở bên cạnh để hàng ngày qua quét dọn, chăm sóc nhang khói”, mẹ anh Hoàng nói.
Bà cụ cho hay, sau khi sự việc xảy ra, gia đình chị Nhung vẫn không biết kết cục thảm khốc đó là do người mẹ tự thiêu cùng các con. Họ tin rằng chị Nhung bị đau mắt đỏ nên hơ lá trầu trên bếp ga mini để xông mắt, hai đứa nhỏ nghịch ngợm chạy lăng quăng mới vướng vào bếp ga gây cháy. Nay nhắc lại chuyện cũ, hai gia đình đều thông cảm không trách móc gì nhau và cùng chia sẻ nỗi đau mất con cháu. Tuy không thường xuyên đi lại nhưng mỗi khi đến ngày giỗ của 3 mẹ con chị Nhung, hai nhà lại gặp nhau để cùng thắp hương cho người đã khuất.
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi