'Mèo hoang' dạt nhà gây án mạng sau cuộc nhậu vỉa hè

(PLO) -“Hôm đó, cháu nói để con ngủ với mẹ một đêm rồi mai đi nhận tội. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Sinh con ra, ai chẳng muốn cháu ngoan, nhưng nó thế vợ chồng tôi biết làm thế nào. Nhà nghèo quá nên chưa có tiền bồi thường cho gia đình bị hại”, người mẹ kể.
Ba cô gái đều bị tuyên từ 8 – 17 năm tù về tội giết người
Ba cô gái đều bị tuyên từ 8 – 17 năm tù về tội giết người

Nhóm “nữ quái” đánh chết công an phường

Phiên tòa xét xử vụ án đâm chết người gồm nhiều bị cáo, nhưng trong đó có đến 3 thiếu nữ: Hoàng Thị Yến (SN 1995, quê Hòa Bình), Phùng Thị Huyền Trang (SN 1998, quê Hòa Bình) và Bùi Thị Quyên (SN 2000, quê Ninh Bình). 

Theo cáo trạng, khoảng 1h30 ngày 30/6/2015, anh Nguyễn Việt Dũng (SN 1987, ngụ khu đô thị Văn Phú, phường Phúc La, quận Hà Đông; là cán bộ công an phường Kiến Hưng) cùng ba người bạn khác đến quán nước ven hồ Văn Quán trải chiếu uống rượu.

Khoảng 15 phút sau, nhóm Yến, Trang và Quyên đi hai xe đạp điện đến quán nước trên. Ba cô gái gọi bia, nước ngọt ngồi cách nhóm anh Dũng khoảng 5m ăn uống. Một lúc sau, Phùng Đình Ánh (SN 1998, quê Chương Mỹ, Hà Nội) đi xe máy đến ngồi chung với nhóm thiếu nữ.

“Ngồi khoảng 5p, anh Dũng sang mời rượu nhưng nhóm bị cáo nói uống bia chứ không uống rượu. Mọi người uống hết 6 chai bia thì anh Dũng quay về chiếu”, Yến khai.

Trước đó trong lúc nói chuyện, Quyên thường văng tục nên anh Dũng góp ý. Cô gái không nghe. Sau đó anh Dũng cũng văng tục nên hai người cãi nhau. Quyên lấy trong túi xách con dao nhọn dài khoảng 21cm dọa đánh. Thấy vậy, Ánh can ngăn, còn Trang lấy dao cất xuống dưới chiếu.

Tuy nhiên Quyên tiếp tục hung hăng cầm vỏ chai bia đập vỡ cầm lên thách thức anh Dũng. Thấy vậy chủ quán đến can ngăn và kéo Dũng về chiếu của mình. Ba cô gái tiếp tục nhìn sang chiếu bên chửi anh Dũng. Anh này chửi lại, được chủ quán can ngăn lần nữa. Khoảng 5p sau, Quyên một mình cầm cốc sang mời bia, thách anh Dũng uống hết cả cốc rượu, anh này không uống.

Mời bia không được, Quyên chửi và tấn công anh Dũng. Hai cô gái đi cùng chạy sang cùng bạn “đánh hội đồng”. Bạn bè hai bên vào can nhưng không được. Trong lúc hỗn loạn, bị anh Dũng xô ngã, Ánh tức giận đi tìm dao. Quyên hô “dao đâu, dao đâu” rồi chạy về chiếu tìm, không thấy nên quay lại cùng hai cô gái đánh anh Dũng.

Cuộc xô xát chưa dừng lại, khi Yến tiếp tục chạy về lật chiếu lấy con dao gọt trái cây cầm sang đưa cho Ánh. Ánh vung dao đâm trúng ngực anh Dũng khiến nạn nhân gục xuống chiếu. Gây án xong, Ánh lên xe bỏ chạy nhưng không nổ được máy, phải nhắc bộ. 

Các bạn nạn nhân đuổi theo bắt kịp, bị 3 cô gái vác vỏ chai đe dọa. Nhóm hung thủ sau đó chạy về xóm trọ ở thôn Yên Xá (xã Tân Triều), gặp bạn kể lại chuyện vừa xảy ra, được hướng dẫn bỏ trốn. Ánh và Quyên về quê, Trang trốn vào nhà nghỉ gần bến xe Mỹ Đình. Về phần nạn nhân, được đưa tới bệnh viện quân y 103 cấp cứu nhưng đã tử vong cùng ngày.

Có mặt tại phiên tòa phúc thẩm, mẹ bị hại cho biết tối hôm trước gia đình mất xe máy nên Dũng nhờ hai người bạn đi tìm. “Buổi tối hôm đó, không tìm được xe nhưng nghĩ bạn vất vả nên Dũng mời họ đi ăn uống “cảm ơn”. Con trai tôi không phải thường xuyên nhậu nhẹt mà gây sự với người khác”, mẹ bị hại nói. Bà đề nghị HĐXX xử lý các bị cáo theo pháp luật. Về phần dân sự, gia đình bị hại đề nghị bồi thường 500 triệu. 

Trước đó, trong phiên tòa ngày 26/2, khi HĐXX tuyên bố hoãn vì vắng người giám hộ cho bị cáo Quyên, ra khỏi phòng, gia đình bị cáo và bị hại đã xảy ra xô xát. Mẹ bị hại cho biết từ khi sự việc xảy ra, chỉ có một gia đình bị cáo đến xin lỗi, các gia đình còn lại không hề thăm viếng. 

Các bị cáo cùng cảnh “mèo hoang”

Tòa nhận xét, trong vụ án trên, các bị cáo có tuổi đời rất trẻ nhưng lại cực kì manh động, hành động mang tính chất côn đồ. Sau khi xét hỏi hoàn cảnh từng bị cáo, vị chủ tọa đặt ra câu hỏi trách nhiệm gia đình trong giáo dục con cái. Khi hỏi tiếp gia đình các bị cáo về trách nhiệm bồi thường cho phía bị hại như thế nào, từng người nhà bị cáo đứng lên đều trả lời “không hay biết sự việc”, “gia cảnh khó khăn không có tiền khắc phục”.

“Gia đình quả là thiếu trách nhiệm với con cái, giáo dục các bị cáo chưa đến nơi đến chốn. Các cháu đều bỏ học đi đâu, có khi phụ huynh không biết”, vị chủ tọa lắc đầu.

Ngồi ở hàng ghế cuối, chị Quách Thị Linh (mẹ bị cáo Quyên) đến tòa khá muộn. Gương mặt khắc khổ, không ai nghĩ chị mới ngoài 30 tuổi. Chị cho biết phải dậy từ 4h sáng đi xe máy xuống Hà Nội tham dự phiên tòa, không biết đường nên đến muộn.

Nhìn thấy con trước vành móng ngựa, người mẹ chỉ thở dài. Chị tâm sự nhà ở vùng nông thôn, thung lũng cao, chỉ có hai sào ruộng canh tác. Những ngày nắng ráo, ai thuê gì chị làm nấy, ngày mưa cả nhà ôm nhau với cái bụng đói. Vợ chồng chị sinh được hai người con, Quyên là con gái cả. Ở nhà cô bé thường giúp mẹ việc đồng áng. 

Đến năm lớp 8, Quyên thường xuyên bỏ học. Gia đình nhiều lần đi tìm, vận động con về nhưng chỉ được vài ngày cô bé lại trốn đi. “Cháu bỏ học nói đi làm, vợ chồng tôi không biết đâu mà tìm. Tám tháng sau cháu gọi về nói tìm được việc rồi. Nghe đâu ban đầu cháu làm ở tiệm bánh mỳ, sau đó làm gì tôi không rõ. Có lẽ nó thấy người ta có xe đạp điện đi, trong khi mình chỉ đi bộ, nên mới quyết bỏ đi như thế”, người mẹ lại thở dài.

Người mẹ thừa nhận bản thân tối ngày bận việc đồng áng, chồng đau khớp đi lại khó khăn nên sự quan tâm dành cho con ít dần. Đến khi con gái gây án, chị mới ngỡ ngàng bàng hoàng. 

Sau khi gây án, Quyên về nhà kể chuyện và được mẹ khuyên ra đầu thú: “Hôm đó, cháu nói để con ngủ với mẹ một đêm rồi mai đi nhận tội. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Sinh con ra, ai chẳng muốn cháu ngoan, nhưng nó thế vợ chồng tôi biết làm thế nào. Nhà nghèo quá nên chưa có tiền bồi thường cho gia đình bị hại”, người mẹ kể. 

Không được vào phòng xét xử nhìn thấy con như chị Linh, bà Nguyễn Thị Dương (SN 1973, ngụ xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) phải đứng ngoài cổng tòa vì không có giấy mời. Dưới trời mưa phùn, vợ chồng bà kiên nhẫn chờ bên ngoài ngóng người nhà chạy ra thông báo diễn biến phiên tòa.

Bà Dương là mẹ của bị cáo Yến. Yến là con thứ hai trong gia đình bốn anh chị em. Người mẹ nói từ nhỏ Yến học giỏi, thường xuyên được giấy khen của trường. Nhưng chồng mất, mình bà nuôi con không nổi nên Yến xin nghỉ. Ba năm trước, bà Dương “rổ rá cạp lại” với người đàn ông cùng huyện.

Phải chăng đây là lý do đứa con thứ hai thiếu thốn tình cảm gia đình, trở nên hư hỏng? Người mẹ khẳng định không phải bởi: “Bố dượng rất quý cháu. Ở nhà Yến cũng ngoan ngoãn. Nhưng từ ngày ra phố đi làm, cháu đã thay đổi tính nết. Ban đầu cháu xin đi làm tôi không cho, nói mẹ con rau cháo nuôi nhau cũng được, nhưng cháu không chịu, cứ bỏ đi”, bà Dương nói.

Chồng lái xe thuê, bà Dương chăm bón hai sào ruộng. Còn Yến sau khi nghỉ học, xin làm việc ở tiệm cắt tóc ở Hà Nội được thời gian ngắn rồi lại nghỉ. Thi thoảng cô bé về nhà, chưa bao giờ cho mẹ đồng nào. Mẹ khuyên ở nhà, cô gái chỉ đáp “về nhà không có tiền” rồi lại đi. Được vài tháng thì người mẹ nhận được tin con gái gây án.

Trở lại với buổi xét xử, đại diện VKS nhận định Quyên đóng vai trò khởi xướng, Ánh trực tiếp đâm nạn nhân. Hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, cần cách ly khỏi xã hội trong thời gian dài.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Ánh 17 năm, Trang 11 năm tù, Quyên 8 năm tù, Yến 17 năm tù về tội “giết người”; hai bị cáo khác hướng dẫn các bị cáo bỏ trốn lĩnh án 9- 12 tháng tù về tội “che giấu tội phạm”.

Đọc thêm