Miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển: Còn nhiều lo ngại

(PLVN) - Theo nhận định của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, nước ta có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Vì vậy, nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài (NNN) nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và quản lý hoạt động của NNN. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bổ sung trường hợp được miễn thị thực

Theo thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), từ đầu năm 2019 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Đặc biệt từ ngày 27/5 Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đón khoảng 39 chuyến bay quốc tế chở khoảng trên 3.300 lượt khách nhập cảnh, xuất cảnh qua cảng.

Mới chỉ quản lý, nắm bắt được con số người nhập cảnh, xuất cảnh

Nhìn lại, về mặt khách quan, con số NNN đến Việt Nam du lịch, đầu tư, lao động rất lớn. Song, với các giải pháp hiện nay, chúng ta mới chỉ quản lý, nắm bắt được con số người nhập cảnh, xuất cảnh.

Do đó, mới “bỏ lọt” một số lượng lên tới hàng trăm NNN thuê cả khách sạn hay chung cư để hoạt động phạm tội, thậm chí tử vong, mà rất lâu sau với được phát hiện. Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam, việc miễn thị thực cho NNN vào khu kinh tế ven biển có thể kích cầu du lịch, tăng trường kinh tế tại các vùng này.

Tuy nhiên, tình trạng NNN phạm tội có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi cho thấy sự khiếm khuyết của pháp luật khi chưa có những quy định cụ thể đối với việc quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của NNN trên lãnh thổ Việt Nam.

Chưa kể tới, công tác quản lý, thực thi pháp luật vẫn chưa đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. 

Đáng nói, tính đến hết tháng 7, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh và công an các đơn vị, địa phương đã xử lý trên 450 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; bắt giữ, bàn giao cho lực lượng chức năng Trung Quốc 46 đối tượng phạm tội bị truy nã trốn sang Việt Nam, 92 đối tượng hoạt động mạng trái phép trên đất Việt Nam; giải quyết 41 vụ việc liên quan đến 96 người nước ngoài; phối hợp với Cơ quan điều tra Công an tỉnh khởi tố bị can đối với 11 NNN phạm tội hình sự tại Việt Nam.

Ở một địa phương khác, trong tháng 10/2019, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ một số đối tượng mang quốc tịch Nigeria, thu giữ gần 10kg ma túy đá. Cũng trong tháng 10, tỉnh Thừa Thiên – Huế thông tin “đã phải triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ diện lao động nước ngoài trên địa bàn, đặc biệt tại vùng trọng điểm như Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô”.

Theo đó, dựa trên công tác thanh, kiểm tra và phát hiện sai phạm, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một trường hợp nhập cảnh với mục đích du lịch nhưng vào làm việc trái phép.

Một thông tin đáng chú ý khác, vào khoảng tháng 4/2019, cư dân mạng cũng xôn xao hình ảnh một người đàn ông nước ngoài tử vong tại nhà nghỉ ở Phú Quốc (Kiên Giang) trong nhiều ngày mới được phát hiện. Theo đó, danh tính người đàn ông này được xác định là Mithel Michaenl Allaen King (58 tuổi, quốc tịch Mỹ), không có việc làm ổn định, đến Phú Quốc thuê nhà nghỉ để ở, khoảng 5-6 tháng.

Qua một số số liệu, hiện trạng như trên đã phần nào phản ánh được những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của NNN tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những thông tin trên còn có một điểm chung, địa chỉ được nhiều lao động nước ngoài chọn đến là những khu kinh tế ven biển trọng điểm đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP.

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”. Đến nay, cả nước đã có 18 khu kinh tế ven biển. Có thể kể đến các khu kinh tế: Vân Đồn (Quảng Ninh); Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Vũng Áng (Hà Tĩnh); Hòn La (Quảng Bình); Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế); Dung Quất (Quảng Ngãi); Vân Phong (Khánh Hòa); Phú Quốc (Kiên Giang); Định An (Trà Vinh); Năm Căn (Cà Mau)….

Trong phiên họp ngày 29/10/2019, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật số 47).

Về bổ sung trường hợp được miễn thị thực “Vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ”, Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội đã tán thành với dự thảo luật về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển. Đồng thời, các khu kinh tế ven biển ở trong đất liền sẽ được áp dụng chính sách miễn thị thực cho NNN nhập cảnh tương tự như đối với các khu kinh tế cửa khẩu mà không phải kèm theo điều kiện. 

Còn các khu kinh tế ven biển thuộc huyện đảo (Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Phú Quốc) thì quy định rõ điều kiện như dự thảo luật đã quy định. Đó là phải có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Kinh nghiệm từ Singapore

Có thể thấy, việc miễn thị thực cho NNN vào vùng kinh tế ven biển không phải vấn đề đơn giản. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý xuất nhập cảnh có vai trò quan trọng. Ở Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng phần mềm khai báo tạm trú qua mạng internet; ứng dụng máy đọc hộ chiếu để khai báo tạm trú cho NNN, phổ cập trên phạm vi toàn quốc.

Cách làm này đã phần nào kiểm soát được số lượng NNN cư trú trên địa bàn, song rất khó quản lý những đối tượng này vào nội địa đi đâu, làm gì. Vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa đảm bảo an ninh – quốc phòng tại những khu kinh tế trọng điểm là nhiệm vụ, thách thức lớn đối với các nhà quản trị.

Nhìn ra nước bạn, theo Hiệp định miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 2 nước Việt Nam – Singapore có hiệu lực từ ngày 10/11/2003, công dân Việt Nam sẽ được miễn visa Singapore nếu lưu trú dưới 30 ngày.

Nhận thấy quy định này phải “mở” để kích cầu du lịch nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các nhà chức trách không ngừng cập nhật, nâng cấp công nghệ, nâng cao kĩ năng nghiệp vụ của cán bộ hải quan, cũng như nhận thức của người dân để phòng tránh các tệ nạn liên quan tới NNN lưu trú trái phép và phạm tội trên lãnh thổ Singapore. 

Anh Tú Nguyễn, công dân Việt Nam hiện đang làm việc tại Singapore cho biết: “Dù công dân Việt Nam được miễn thị thực, thủ tục nhập cảnh vào Singapore không dễ dàng như mọi người nghĩ. Nếu vào theo diện du lịch, du khách luôn phải có vé khứ hồi hoặc vé bay sang nước khác. Trong quá trình khai báo, phải thông báo cho hải quan biết địa điểm và số điện thoại liên lạc tại nơi khách lưu trú.

Du khách vào Singapore bị cấm mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà để ở, hay làm việc… Người dân Singapore được phổ biến, giáo dục về việc tố giác những người lưu trú trái phép. Mặc dù được miễn thị thực nhưng trong thời gian gần đây, rất nhiều du khách Việt Nam bị hải quan Singapore từ chối cho nhập cảnh bởi tình trạng nhiều nữ du khách Việt trốn ở lại”. 

Anh Tú Nguyễn chia sẻ thêm, các cán bộ hải quan của Singapore làm việc rất cẩn thận: “Một lần tôi sang Singapore phỏng vấn xin việc và ở lại vài ngày để du lịch, cán bộ hải quan đã phỏng vấn tôi suốt hai tiếng đồng hồ để đảm bảo mục đích đi của mình là thật sự và không có ý định lưu trú trái phép. Mặc dù hộ chiếu của mình đã có dấu của nhiều nước”. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt: 

Việc miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển phải kèm theo các điều kiện chặt chẽ,  giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể là bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: 

Dự án Luật số 47 được xây dựng nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim: 

Đường biển không có đường mòn như trên bộ nên không biết họ vào theo hướng nào, biển cũng không có cửa khẩu kiểm soát; nếu như miễn thị thực thì các lực lượng sẽ giám sát, kiểm soát như thế nào. Vào khu kinh tế ven biển mà không cần thị thực thì khác nào mở toang phên giậu? Tôi cho rằng quy định như vậy là vô lý, không thể chấp nhận.

Thượng tá Vũ Văn Thức - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn: 

Những năm gần đây, người nước ngoài  đến Quảng Ninh tăng cao, hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Nhiều đối tượng nước ngoài phạm tội lẩn trốn sang Việt Nam, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để tổ chức đánh bạc trên mạng internet, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng tiền giả.

Đ.Trang (tổng hợp)

Đọc thêm