Miễn hay không miễn?
Hiện ngành du lịch đang dành nhiều băn khoăn xung quanh các điều khoản liên quan tới quy định “đơn phương miễn thị thực” của công dân một nước tại Việt Nam.
Tại Mục 8, bổ sung khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật số 47, điều gây tranh cãi nằm ở điều kiện bổ sung. Theo đó, quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước phải có đủ nhiều điều kiện, trong đó điều kiện là nước có công dân đó phải “có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam”.
Các chuyên gia cho rằng nội dung này sẽ làm hạn chế khả năng thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm vào Việt Nam; mặc dù công dân thì Việt Nam luôn đối mặt với chính sách hạn chế thị thực nhập cảnh bởi vấn đề nhập cư và lao động trái phép thông qua con đường du lịch.
Dù vậy, hiện du lịch Việt Nam đang nỗ lực giành lấy các thị trường khách quốc tế trọng điểm qua nhiều biện pháp kích cầu du lịch. Việc chủ động chính sách miễn thị thực cho công dân các quốc gia khác có ý nghĩa quan trọng, nhằm thu hút du khách, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng, khi luật hoá quy định này chẳng khác nào đòi hỏi “người ta miễn thì mình mới miễn”, liệu như vậy có còn là “đơn phương” hay không?
Tiếp tục gây tranh cãi là quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 31 của dự thảo luật này được đề xuất sửa đổi: “Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày, nếu vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc đảo Phú Quốc (Kiên Giang) trên 15 ngày thì cấp tạm trú theo quy định tại Điểm đ khoản này”. Như vậy, với công dân nước ngoài được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì thời hạn cấp tạm trú vẫn là 15 ngày.
Về quy định này, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đề nghị sửa đổi, nâng thời hạn miễn thị thực đơn phương lên 30 ngày. Đề nghị này cũng phù hợp với mong muốn chung của các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch. Bởi trên thực tế, với thời hạn 15 ngày, các chương trình du lịch Việt Nam của khách quốc tế trên 15 ngày buộc phải làm thủ tục nhập cảnh – xuất cảnh tới hai lần.
Được biết, đối với khách quốc tế ở những thị trường xa như châu Âu, tour tuyến du lịch nghỉ dưỡng kéo dài trên 30 ngày là bình thường. Không những thế, quy định này còn phát sinh thủ tục hành chính phiền hà, gây tâm lý e ngại, không thoải mái đối với du khách.
“Cởi trói” cho ngành du lịch
Đáng chú ý là dự thảo luật này đã đề nghị bỏ quy định “Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”.
Các chuyên gia cho rằng, khó có thể nhận thấy lợi ích nào trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam khi chưa đủ 30 ngày so với lần xuất cảnh gần nhất. Thậm chí, nếu rào cản này được gỡ bỏ, khách du lịch có thể lựa chọn Việt Nam là điểm trung chuyển khách của Đông Nam Á, nối chuyến bay đến Âu và Úc.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), chính sách visa cởi mở sẽ làm tăng 8-10% lượng khách. Số liệu thống kê về việc Việt Nam miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (bao gồm Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha) cho thấy, ngay năm đầu tiên miễn thị thực (2015) đã có 720.000 lượt khách Tây Âu đến Việt Nam. Năm 2016 là 835.000 lượt, tăng 16%, doanh thu đạt 202 triệu USD. Năm 2017, cán mốc 1,5 triệu lượt người. Lượng khách Tây Âu hằng năm tăng trung bình gần 20%.
Tổ chức Du lịch thế giới và WTTC chỉ ra rằng, khách du lịch coi thị thực chủ yếu như một thủ tục áp đặt chi phí. Nếu những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi nữa hoặc sẽ chọn một điểm đến thay thế.
Đáng nói là khi nhìn ra các nước trong khu vực Đông Nam Á, thì chính sách thị thực du lịch của Việt Nam vẫn còn khắt khe. Các hình thức visa qua mạng (visa online), qua cửa khẩu (visa on arrival) của nước ta so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực rất hạn chế.
Cụ thể, Indonesia miễn thị thực cho công dân 168 nước; Malaysia hiện đang miễn thị thực cho công dân 162 nước; tiếp sau là Singapore, Philippines miễn thị thực cho công dân 159 nước; Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 57 nước... Các nước này cũng đều áp dụng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử.
Trước đó, Việt Nam được đánh giá có chính sách visa khắt khe so với các nước trong khu vực, hạn chế năng lực cạnh tranh của quốc gia trên thị trường du lịch quốc tế. Liệu chính sách thị thực cởi mở, linh hoạt có phải chiếc chìa khoá “mở nút” cho ngành du lịch Việt Nam cất cánh hay không?
Đại tá Nguyễn Văn Thống - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an:
“Ví dụ khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh Việt Nam, dù công dân nước này không được miễn visa. Do đó, miễn visa không phải yếu tố quyết định để thu hút khách quốc tế”.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:
“Để du lịch được cởi trói thì cần gia hạn miễn thị thực, đồng thời mở rộng các nước được miễn. Về thời hạn, nên miễn 5 năm để các công ty du lịch dễ dàng trong việc thiết kế các tour cho khách. Thời hạn 15 ngày rất khó thiết kế tour đối với khách chi trả cao, nghỉ dài. Việc không cho phép quay trở lại sau 30 ngày cũng nên huỷ bỏ, người ta vừa đi ra có quyền quay trở lại ngay, chúng ta chào đón họ cơ mà”.
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam:
“Các bạn có thể thấy khách tới Việt Nam một lần và rất ít quay lại lần thứ hai. Chúng ta cần có các nhóm khách khác nhau để tạo ra một thị trường chung. Mức phí visa mà chúng ta dành cho du khách cần dễ chịu hơn. Nếu chúng ta miễn visa cho các thị trường mà chúng ta hướng tới có thể đem về hàng trăm triệu đô la”.
Ông Lương Hoài Nam -Phó Tổng Giám đốc Công ty hàng không Ngôi sao Việt:
“Đối với du khách quốc tế từ các nước phát triển, vấn đề visa không phải ở mức phí vì nó quá nhỏ trong tổng chi phí chuyến đi mà là ở sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa, trong khi họ được miễn visa vào nhiều nước khác”.
Diệu Bảo (tổng hợp)