Miền Trung sắp có cảng nước sâu đón tàu 100.000 tấn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị) đang được khởi động trở lại. Đây là dự án cảng nước sâu có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo thêm sức bật cho kinh tế biển khu vực miền Trung.
Phối cảnh dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy. (Ảnh: quangtri.gov.vn)
Phối cảnh dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy. (Ảnh: quangtri.gov.vn)

Cảng nước sâu ăn vào đất liền

Theo nghiên cứu của TS. Bùi Quốc Nghĩa - Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy có nhiều ưu thế để phát triển. Cụ thể, cảng sau khi hình thành sẽ là cảng đào sâu vào đất liền đầu tiên của Việt Nam. Vị trí khu vực biển Mỹ Thủy thuận lợi trong việc xây dựng cảng biển nước sâu cho tàu có tải trọng lớn. Hiện nay các cảng biển ở miền Trung như cảng Đà Nẵng, cảng Chân Mây độ sâu chỉ đủ cho tàu có tải trọng tối đa 50.000DWT. Khu vực ngoài khơi Mỹ Thủy cách bờ chỉ 1km đã đạt độ sâu 17 - 18m, đảm bảo cho tàu có tải trọng đến 100.000DWT cập cảng. “Công suất cảng không hạn chế, thực tế chỉ phụ thuộc vào nhu cầu phát triển tại vùng hậu phương của cảng” - giới nghiên cứu đánh giá.

Từ những tiềm năng đó, Mỹ Thủy đã được nhiều nhà đầu tư nghiên cứu, sẵn sàng bỏ ra hàng chục nghìn tỷ để đầu tư. Cuối cùng, Công ty Cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy là đơn vị làm chủ đầu tư dự án này.

Dự án xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4/1/2019 với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh khu bến cảng chuyên dùng, phục vụ cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; kết hợp thu hút lượng hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; bảo đảm tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn.

Dự án có tổng quy mô sử dụng đất, mặt nước khoảng 685ha, gồm 10 bến, phát triển theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: 4 bến, giai đoạn 2: 3 bến, giai đoạn 3: 3 bến. Tổng vốn đầu tư dự án 14.234 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2025 đầu tư 4 bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 dự án sẽ sớm về đích

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã được khởi công xây dựng từ tháng 2/2020 nhưng do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, thủ tục, vốn nên chưa thể thi công suốt hơn 4 năm qua. Nhưng ngày 25/3/2024, dự án chính thức được thi công lại.

Theo ông Dương Viết Roãn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy, nhà đầu tư sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo đến cuối năm 2025 sẽ đưa từ 2 đến 4 bến cảng đi vào hoạt động, khai thác và tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các bến tiếp theo theo đúng chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu đưa bến cảng Mỹ Thủy thành bến cảng hiện đại, mang tầm khu vực, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Quảng Trị và Hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần tăng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Trị, đây là dự án trọng điểm, sau khi hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh; là động lực thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua cảng biển Quảng Trị và các cảng biển trong khu vực miền Trung ngày một tăng cao; hàng container, than đá, các loại khoáng sản, nông - lâm sản với khối lượng lớn từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay của Việt Nam và hàng hóa từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn, nên việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trở thành vấn đề rất cấp thiết.

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy cùng với các dự án động lực khác sẽ là những hạ tầng kỹ thuật quan trọng của Quảng Trị, là tiền đề để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cỡ ở miền Trung, cũng như cả nước và khu vực ASEAN; là cửa ngõ giao thương của các nước trong khu vực ra Biển Đông và quốc tế.

Đọc thêm