Phạm vi của Đề án là hệ thống cơ quan nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng), cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; TAND các cấp, VKSND các cấp; Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; HĐND, UBND các cấp; cơ quan của HĐND; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương và địa phương.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC vào quản lý và khai thác sử dụng. Gắn việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC với công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, đến năm 2023 sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đề bạt, bổ nhiệm.... Từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; thực hiện việc cấp biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước qua Hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về việc xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC trong các cơ quan nhà nước; các quy chuẩn, quy định kỹ thuật liên quan đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu CBCCVC theo quy định của pháp luật.