“Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé?”

(PLO) - Tên cuốn tạp văn về những dòng sông của tác giả Nguyễn Văn Học (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2018) được gợi hứng từ một bài thơ của Nguyễn Bính, là sáng tác mới nhất sau hàng loạt tác phẩm trình làng và được cộng đồng độc giả đón nhận tích cực. 
“Mình ơi,  anh cưới dòng sông nhé?”

Tác phẩm là tập hợp các trang viết dưới dạng tạp văn, chứa đựng tâm hồn, cảm xúc và những suy nghiệm sâu sắc của chính tác giả về thế giới và con người. Tình cảm chan hòa trong mỗi câu chuyện bình dị, thân thuộc, được người nghệ sĩ phóng bút đến những miền xa của kỉ niệm mơ tưởng và thức tỉnh lương tri con người. 

Hai mạch nguồn chính được Nguyễn Văn Học khơi sâu trong tập tạp văn là con người hôm nay trước những giá trị văn hóa một thời; và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Hai mạch nguồn này không tách biệt mà xoắn quyện vào nhau bởi một nguồn chung - văn hóa ứng xử của con người. Ẩn đằng sau những câu chuyện tưởng chừng như nhỏ nhoi, bình dị, thân thuộc ấy là triết lí vũ trụ, nhân sinh, nhân văn sâu sắc của tác giả.

“Mình ơi anh cưới dòng sông nhé?” không chỉ là những ghi chép tản mạn về cảm xúc về thiên nhiên, cuộc sống và con người, cuốn sách nhỏ bé này hóa ra mà một tác phẩm dung chứa nhiều câu chuyện lớn lao trong thời hiện đại, giữa một thế giới hỗn độn và vô cùng phức tạp. Nguyễn Văn Học chạm đến vấn đề sâu xa nhất của con người khi bước ra từ thời kì hỗn mang đến với cuộc sống văn minh (từ làng ra phố, từ quá khứ đến hiện đại): Mối quan hệ máu thịt của con người với thiên nhiên. 

Từ những câu chuyện rất nhỏ, rất gần của chính anh và những người xung quanh; từ những hình ảnh thân thuộc, bình dị trong đời sống người Việt tự bao đời, Nguyễn Văn Học đã lặn sâu, lắng nghe tiếng nói sinh tồn, sinh tử, những bài học diệu kì của thiên nhiên.

Nhà văn đã chỉ ra việc con người với cuộc sống hiện đại, thực dụng, vô cảm và quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi, tổn thương mối quan hệ giữa con người với mẹ thiên nhiên. Anh xót xa khi nhìn những dòng sông bị hủy diệt, đau đớn nhận ra sự biến mất của muôn loài, âu lo khi chứng kiến cơn thịnh nộ của thiên nhiên… 

Nhà văn đã truyền đi một thông điệp giản dị, sâu sắc về sự vĩ đại của người mẹ tự nhiên, về mối quan hệ không thể chia tách giữa tự nhiên - xã hội, hoang dã - văn minh, muôn loài - con người, hôm qua - hôm nay. Qua đó nhắn nhủ với con người hiện đại đang ngày càng trở nên kiêu ngạo trước tự nhiên: Hãy học cách trân trọng và giữ gìn môi trường tự nhiên, bầu khí quyển văn hóa.

Không được vượt qua giới hạn và phá vỡ sự hài hòa mà vũ trụ và tạo vật đã sắp đặt; cũng như không được quay lưng, phủ định những giá trị văn hóa vật thể và tinh thần tự ngàn đời của cha ông; bởi đó là cội nguồn của sự sống, tình yêu, sức mạnh và bình yên. Con người cũng đừng nhân danh văn minh để đàn áp, chiếm dụng, vắt kiệt tự nhiên; cũng đừng nhân danh đổi mới để nhấn chìm, quên lãng, vùi dập quá khứ. 

Một khi vượt qua giới hạn, phá vỡ sự cân bằng và hài hòa vốn có, tất yếu con người sẽ mất đi cội rễ, căn tính và sau cùng sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình: “Con người đã tước đi mạng sống của dòng sông thì cũng đã và đang tước đi quyền sống chan hòa, sống chung một cách thân thiện với thiên nhiên vốn rộng lượng và thẳm sâu”.

Đọc thêm