Mở cửa có lộ trình để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội phụ thuộc rất lớn vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong bối cảnh cả nước vừa phải chống dịch thành công, vừa phải khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đồng thời linh hoạt sáng tạo trong thực hiện chỉ đạo. Củng cố hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở, trong đó quan tâm hệ thống y tế lưu động để người dân được tiếp cận y tế từ cơ sở, bệnh tình không chuyển nặng. Tiếp tục 5K + vaccine, thuốc + công nghệ + ý thức của người dân để phòng, chống dịch hiệu quả.

Chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch

Đặc biệt lưu tới việc chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch COVID-19, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, quan điểm của Chính phủ là nếu phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc trên cơ sở chức năng quyền hạn để làm rõ thông tin, xử lý nghiêm.

Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ, kịp thời thông tin tới công chúng nhân dân về giá kit xét nghiệm COVID-19. Trước đó, trong nhiều cuộc họp Thủ tướng đã chỉ đạo việc mua sắm phải bảo đảm tiết kiệm, công khai, minh bạch, tránh thất thoát lãng phí.

Thủ tướng luôn lắng nghe, tiếp thu những phản ánh, ý kiến đóng góp, những đề nghị của mọi tầng lớp nhân dân, song lưu ý thông tin đưa ra phải chính xác để tránh nghi ngờ, không có căn cứ, ảnh hưởng tâm lý các lực lượng chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, đơn vị khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tháng 10/2021; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ nhập vaccine và tổ chức tiêm vaccine kịp thời, hợp lý, hiệu quả cho người dân theo thứ tự ưu tiên; xây dựng, áp dụng các chính sách thỏa đáng cho lực lượng tuyến đầu; huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu có chế độ khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi sai trái, vi phạm quy định phòng, chống dịch; tăng cường thông tin truyền thông, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch, trong đó tập trung nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân, tạo đồng thuận xã hội…

Tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ nhận định trong tháng Chín, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt; chỉ số CPI giảm 0,62% so với tháng 8/2021; 9 tháng tăng 1,82% so cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2016 đến nay.

Có nhiều điểm sáng nhưng cũng còn những hạn chế, khó khăn, trong đó, một bộ phận đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 của Chính phủ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 của Chính phủ.

Sau khi đánh giá, nhận định tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong quý 4/2021 Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh các biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn, tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022 đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược tổng thể khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới từ 1/10/2021 đồng bộ với Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan phối hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tạo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA;

Có chính sách kích thích nền kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng; đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả; nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; giúp các doanh nghiệp giữ các đơn hàng, nhất là vào mùa cao điểm; khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); dự báo cung cầu hàng hóa cuối năm để cung ứng và ổn định giá cả thị trường, gắn với kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giá, hành vi đầu cơ, găm hàng để trục lợi.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác xây dựng thể chế; tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ bằng được các “điểm nghẽn,” “nút thắt” trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ người dân;

Đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; chuẩn bị nội dung, chương trình cho các hoạt động đối ngoại; có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học khi an toàn; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội, đặc biệt đấu tranh phản bác kịp thời trước các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, kẻ xấu nhằm tăng niềm tin của nhân dân, an lòng dân.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm