Mở đường, khuyến khích, khơi thông

(PLVN) -  “Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế; chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao vẫn hiện hữu. Môi trường kinh doanh tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản; hạ tầng thiếu đồng bộ; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn chưa hoàn thiện”, là những thách thức của nền kinh tế đất nước, được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai các Nghị quyết 66-NQ/TW và 68-NQ/TW, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ảnh minh họa (Ảnh: VGP)
Ảnh minh họa (Ảnh: VGP)

Trước thực tế như nêu trên, vừa qua Bộ Chính trị đã có bốn quyết sách đột phá; đó là Nghị quyết 57-NQ/TW thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59-NQ/TW về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm: “Bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Trong số các quyết sách trên. Nghị quyết 66-NQ/TW yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Về thể chế pháp luật, phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XV, ngày 17/5, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu thay đổi tư duy từ pháp luật quản lý sang pháp luật phục vụ và kiến tạo phát triển. Luật pháp không chỉ để kiểm soát mà phải mở đường, khuyến khích sáng tạo, khơi thông sức dân. Pháp luật cũng phải có tính dự báo cao, đi trước một bước, định hướng cho một xã hội tương lai. Việc thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất.

Để thực hiện bốn nghị quyết mang tầm chiến lược này, trong các nhiệm vụ của năm 2025, có nhiệm vụ khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập. Ưu tiên sửa đổi các quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân...

Tư duy nhà nước phục vụ đã và đang được khởi động, thiết kế, hành động khẩn trương. Bên cạnh hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại; phải thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với tiêu chí cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn. Vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu, việc quán triệt, quyết liệt triển khai thực hiện những nghị quyết nêu trên là vô cùng quan trọng.

Đọc thêm