Mở hết cỡ thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19

(PLVN) - Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, năm 2021 mới là năm các doanh nghiệp (DN) “ngấm đòn” Covid-19. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, với các DN, vấn đề quan tâm nhất vẫn là thủ tục hành chính (TTHC), làm sao phải mở hết cỡ để giải phóng các nguồn lực cho phát triển…
Toàn cảnh cuộc đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để DN vượt qua Covid-19”.
Toàn cảnh cuộc đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để DN vượt qua Covid-19”.

Hôm qua - 18/3, hơn 80 DN đại diện cho các Hiệp hội DN khu vực phía Bắc đã tham dự cuộc đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để DN vượt qua Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức với sự tài trợ và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Chính sách chưa đi vào cuộc sống

Theo Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khoá như: Giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất; các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng… Tuy nhiên, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”. “Và chúng ta vui mừng khi Chính phủ đang tính “gói cứu trợ lần 2” hay còn gọi là “gói kích thích kinh tế lần 2!” - ông Phòng chia sẻ.

Khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Trong khi việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động (NLĐ) được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất…

Bà Phạm Thị Hồng Thủy – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có dịch Covid-19, trong khi đó hệ thống các chính sách hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng lại ra sau và có hiệu lực sau khi tỉnh Vĩnh Phúc hết dịch. Cho nên các DN chịu ảnh hưởng khó tiếp cận chính sách hơn các DN ở các địa phương khác so với cả nước.

Cụ thể, đối với lĩnh vực hỗ trợ NLĐ, phần đa DN chưa được hưởng lợi nhiều vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN…? Các điều kiện kèm theo đó rất ít DN có thể đáp ứng được. Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa đi vào cuộc sống.

Đối với DN, mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN. DN vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận. Ngoài ra, hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN cho chuyên gia, NLĐ và các hoạt động giao thương khác.

“DN được hưởng lợi từ các chính sách rất hạn chế. Thậm chí có DN được thụ hưởng chính sách rồi nhưng mức độ hưởng lợi cũng rất khiêm tốn. Có nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương đến sớm, tích cực, quyết liệt nhưng việc hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách có tâm lý sợ sai; tâm lý giữ an toàn của đội ngũ công chức, viên chức khiến chính sách không đến được DN và NLĐ trong DN” - bà Thủy thẳng thắn.

Doanh nghiệp cần thực tế…

Đề xuất cho gói cứu trợ lần 2, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, cần phải rà soát lại gói 1, chính sách nào chưa thực thi được thì đẩy mạnh việc thực thi và rất cân nhắc khi ban hành chính sách mới.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với với các khoản hỗ trợ, trợ cấp NLĐ bị thôi việc, mất việc, nghỉ không lương do dịch Covid-19. Đặc biệt, đề nghị miễn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp (cả về phía NLĐ và DN), bởi quỹ này đang kết dư 80 nghìn tỷ đồng. “Năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trình 1 lần nhưng khi đó chỉ giảm tỷ lệ bảo hiểm tai nạn lao động. Vì tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp quy định trong Luật nên đề nghị Quốc hội xem xét. Khi nào dùng hết quỹ ta lại điều chỉnh…” - ông Quảng đề nghị.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Công ty CP Ao Vua, ông Nguyễn Mạnh Thản thẳng thắn: “Các bộ, ngành mới là chủ trương, văn bản, trong khi DN cần thực tế!”.

Ông Thản cũng cho rằng khó khăn đầu tiên của DN là vấn đề thị trường, tiếp đến là sản phẩm, công nghệ, vốn, lao động và năng lực quản trị DN. “Nếu Nhà nước không đặt vấn đề đó là then chốt, là động lực chính nuôi dưỡng DN thì DN còn khó khăn” - ông Thản nói và đề nghị cần tập trung hỗ trợ DN những nội dung đó, Đặc biệt phải đơn giản hóa TTHC, bởi thời gian chính là tiền của của DN…

“Năm 2021 mới là năm DN “ngấm đòn”! Quan điểm là dịch còn dài buộc chúng ta phải thay đổi... Định vị trạng thái ổn định mới, trong bối cảnh Covid-19 mà cơ chế chính sách chạy như bình thường là không phù hợp, trình tự thủ tục các cơ chế điều chỉnh ngay...” - ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh và cho rằng hỗ trợ DN cần phải đi vào thực chất hơn.

“TTHC là cần thiết, nhưng giai đoạn tới là giai đoạn cần mở hết cỡ để giải phóng các nguồn lực, để gồng gánh chống đỡ và vượt lên sau đại dịch…”- Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.

Đọc thêm