Như PLVN đã đưa tin, tuần trước, TP Đà Nẵng đã phản ứng khá quyết liệt việc chuyển lượng QLTT từ địa phương về Bộ Công Thương quản lý. Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng - ông Trương Quang Nghĩa khẳng định, sẽ có văn bản gửi Chính phủ và cả Quốc hội để làm rõ việc ai sẽ quản lý được thị trường của Đà Nẵng khi thực tế lĩnh vực này đang thiếu vai trò của địa phương.
Hầu hết các sở, ban, ngành của Đà Nẵng đều không ủng hộ việc đưa lực lượng QLTT về Bộ Công Thương, với lý do việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành thị trường của địa phương. Thậm chí, TP này còn cho biết không hề biết bất kỳ thông tin nào về việc này cho tới khi có Quyết định 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương?
Điều bất ngờ nữa là hiện bộ máy lực lượng QLTT đã chuyển toàn bộ về Bộ Công Thương, nhưng vẫn liên quan đến địa phương trong việc sử dụng ngân sách đến hết năm 2018. Rõ ràng, chỉ sau hơn 10 ngày đi vào hoạt động, đã có thêm những phản ứng khá quyết liệt về mô hình ngành dọc của Tổng cục QLTT, bên cạnh những ý kiến đầy quan ngại mà PLVN đã ghi nhận, đăng tải từ một số địa phương miền Bắc.
Cụ thể, trong loạt bài mới đây về mô hình nói trên, chúng tôi đã nhiều lần đề cập tới mối quan hệ giữa địa phương với hoạt động QLTT khi các Chi cục QLTT bị tách khỏi địa phương. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Long Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, dù bàn giao Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn về trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng nhiệm vụ trên địa bàn vẫn là trách nhiệm của địa phương.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng đã từng tiết lộ với PLVN, lúc đầu lãnh đạo tỉnh này cũng có ý kiến cho rằng, khi nâng tầm lên Cục thì Cục QLTT nên trực thuộc tỉnh, để gắn với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền. Thế nhưng, mô hình được phê duyệt hiện nay lại trao quyền cho cấp TƯ.
Một cựu lãnh đạo Cục QLTT cũng đã từng quan ngại khi đặt câu hỏi: “Tổng cục sẽ QLTT kiểu gì khi mà hoạt động thị trường gắn chặt với địa bàn”? Dường như mô hình hoạt động của Tổng cục QLTT vẫn đang khiến các địa phương băn khoăn, thậm chí là bức xúc như ở Đà Nẵng, dù Tổng cục đã chính thức đi vào hoạt động…
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PLVN, tân Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh khẳng định, do tình trạng gian lận thương mại ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, và từ những vụ việc mang tính cục bộ nay đã có thể trở thành những vụ liên tỉnh, liên vùng đòi hỏi phải thay đổi phương thức QLTT. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT là lực lượng chủ công, phối hợp với Hải quan, Công an, Biên phòng, trong khi các lực lượng phối hợp đều đã thực hiện quản lý theo cơ chế ngành dọc nên việc chuyển đổi mô hình lực lượng này từ mô hình trước đây sang Tổng cục là hợp lý (?!).
Phóng viên cũng đã liên lạc với Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An (phụ trách lĩnh vực QLTT) để ghi nhận quan điểm của Bộ trước những lo ngại từ phía các địa phương, nhưng ông An nói: “Vấn đề này đã quyết rồi. Góp ý, trao đổi thì nên từ trước, giờ không nên phản biện nữa…”.
Tham mưu giúp Bộ trưởng
“Tổng cục QLTT là tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật” (Trích Quyết định 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).