Mở lại phiên đấu thầu vàng miếng sau 11 năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 11 năm, kể từ phiên đấu thầu vàng miếng lần đầu tiên vào ngày 28/3/2013, vào ngày 22/4 tới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chính thức mở lại phiên đấu thầu vàng miếng. Đây là động thái nhằm tăng cung cho thị trường trong bối cảnh giá vàng đang trong xu hướng tăng.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo. (Ảnh: NHNN).
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo. (Ảnh: NHNN).

Tăng cung cho thị trường vàng thông qua đấu thầu

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 tổ chức hôm qua (19/4), Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo. Trong đó có nguyên nhân các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng đô la Mỹ giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng; ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột, căng thẳng tại một số khu vực…

Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. “NHNN đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Chia sẻ về nội dung này, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (QLNH, NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác đấu thầu vàng miếng SJC đã sản xuất và có sẵn trong kho: “Do đó, việc tổ chức đấu thầu sẽ được tiến hành ngay. Ngay trong chiều 19/4, NHNN sẽ thông báo chủ trương đến 15 tổ chức, doanh nghiệp (DN) là những đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng. Và trong thứ Hai tuần tới (22/4) sẽ chính thức tổ chức đấu thầu” - ông Tuấn nói.

Về chính sách với thị trường vàng trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ QLNH cho biết, NHNN đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP (NĐ 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. NHNN đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, NHNN và các Bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương chung là nên sửa NĐ 24. “Đánh giá mặt tích cực của NĐ 24 trong suốt thời gian qua, chúng tôi cũng như rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế đều đánh giá NĐ 24 đã phát huy được hiệu quả và đã đến lúc xem lại cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay”.

Ông Tuấn cho biết, một trong những nội dung được đề xuất trong dự thảo sửa đổi là xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng khác tham gia thị trường.

Liên quan đến nhập khẩu vàng nguyên liệu, Vụ trưởng Vụ QLNH cho biết, đối với DN sản xuất và xuất khẩu, đã, đang thực hiện theo NĐ 24. Những DN nào có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài việc nhập khẩu vàng nguyên liệu đang được thực hiện tại các chi nhánh NHNN, không có khó khăn, vướng mắc gì. Đối với sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ nói chung, đặc biệt là sản xuất trong nước, hiện tại NHNN đã yêu cầu các chi nhánh NHNN nắm bắt lại để có tổng hợp, đánh giá, báo cáo lại NHNN.

Sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá

Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ QLNH cũng lưu ý, việc quản lý thị trường vàng là trách nhiệm của nhiều cơ quan, Bộ, ngành khác, như Bộ Công Thương (liên quan đến việc các cửa hàng vàng đóng cửa…), Bộ Tài chính (liên quan đến thuế, phí, hóa đơn điện tử…). Do đó, để thị trường được quản lý tốt, cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành với NHNN.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (CSTT, NHNN) cho biết, thời gian qua, tỷ giá liên tục tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong nhiều phiên gần đây. Chỉ số DXY tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên các đồng nội tệ của nhiều nước, không riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là ở các DN xăng dầu, sắt thép cùng với việc nhiều DN tăng cường mua ngoại tệ cũng đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh.

Trước tình hình đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND. Qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ CSTT, NHNN đã có biện pháp mạnh mẽ hơn để ổn định thị trường ngoại tệ. Ngay trong ngày 19/4, NHNN đã công bố trên website NHNN phương án can thiệp ngoại tệ. Đồng thời cũng từ ngày 19/4, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. “Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã xuống dưới mức bán ra của NHNN” - lãnh đạo Vụ CSTT thông tin thêm.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, tiếp tục các biện pháp ổn định thị trường nhằm bảo đảm nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát. “Quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam rất linh hoạt, mặc dù chúng ta vẫn tiếp tục ổn định tỷ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn lên xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới. Chúng tôi cũng sẵn sàng can thiệp nếu như tỷ giá tiếp tục có những tác động bất lợi, cả kể là can thiệp ngay từ ngày hôm nay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đọc thêm