Mở lại phiên xử Bí thư thị ủy Bến Cát: Bản cáo trạng bị phản bác nhiều vấn đề

(PLVN) - Sau hai lần tạm hoãn, sáng 9/12, TAND tỉnh Bình Dương mở lại phiên xử sơ thẩm với ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư TX Bến Cát) bị cáo buộc giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Lộc: “Bị cáo không “thỏa thuận” với ông Khanh và cụ Hiệp”

Lời phản bác của cán bộ BIDV

Theo cáo trạng, từ năm 2012, ông Khanh mua bán tổng cộng 4 lần với diện tích đất hơn 18,1ha của cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945, chết năm 2016, Giám đốc Công ty An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây). Số tài sản này được cụ Hiệp thế chấp để vay vốn tại BIDV Tây Sài Gòn.

Các lần mua bán, cụ Hiệp đều được Chi nhánh BIDV cho phép. Giá cả mua bán do cụ Hiệp đưa ra. Sau khi cụ Hiệp và ngân hàng thực hiện các việc như tách sổ đỏ, giải chấp, thì vợ ông Khanh là bà Huỳnh Thị Phương Anh ký hợp đồng mua bán có công chứng với cụ Hiệp.

Tiền mua bán, theo thỏa thuận của cụ Hiệp và sự đồng ý của ngân hàng, ông Khanh chuyển một phần vào tài khoản Ngân hàng BIDV của cụ Hiệp, một phần đưa cụ Hiệp để ổn định cuộc sống, thanh toán các chi phí khác như tiền lương, tiền nợ khác...

Ở phần thủ tục, HĐXX giải thích việc tiếp cận văn bản ủy thác tư pháp của bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, con gái cụ Hiệp) về mặt hình thức là không được sao chụp, không mang ra khỏi tòa án nhưng về mặt nội dung thì công khai. Do đó những gì mà các luật sư tiếp cận, ghi chép được từ văn bản này đều công khai tranh luận tại tòa.

Tại phiên tòa, sau khi công bố cáo trạng, các bị cáo bị cách ly để thực hiện xét hỏi từng người. Bị cáo Hùng phản bác nhiều vấn đề mà cáo trạng nêu: Thứ nhất, cáo trạng cho rằng BIDV là ngân hàng nhà nước là sai khi BIDV đã được cổ phần hóa từ tháng 5/2012. Thứ hai, việc định giá của Hội đồng định giá (Sở Tài chính Bình Dương) là quá cao. Bị cáo Hùng so sánh với định giá tại thời điểm mà ngân hàng yêu cầu hai công ty độc lập thực hiện. Tiếp đó, bị cáo Hùng nói không hề hưởng lợi trong quá trình xử lý tài sản thế chấp của cụ Hiệp. Đồng thời, từ 2012 - 2015, bị cáo không gặp gỡ, thương lượng, quen biết vợ chồng ông Khanh. Việc cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo chịu trách nhiệm với việc thất thoát 844m2 đất từ việc chuyển nhượng, hoán đổi của ông Khanh với người khác là oan sai.

Bị cáo Hùng trong phiên xét xử 

Tài sản ông Khanh mua đã được giải chấp 

Trả lời các câu hỏi liên quan vụ án, bị cáo Hùng khai, năm 2012 được BIDV Việt Nam phân công làm Giám đốc BIDV Tây Sài Gòn. Với khoản nợ của cụ Hiệp và An Tây, bị cáo Hùng giao bị cáo Lộc nắm bắt tình hình sản xuất, hoạt động, khả năng trả nợ. Sau đó bị cáo Lộc báo cáo rằng cụ Hiệp không hợp tác, bỏ đi nước ngoài, An Tây không còn hoạt động sản xuất.  

Bị cáo Hùng tiếp tục giao bị cáo Lộc xử lý nợ và được báo cáo là thị trường đất đai mua bán khó khăn, xuống dốc: “Mục tiêu của bị cáo là muốn thu hồi nợ nhanh chóng, càng sớm càng tốt để kinh doanh, vì không biết thị trường mua bán đất đai lên xuống thế nào?”.

Bị cáo Hùng khai báo về quá trình xử lý tài sản: “Lần thứ nhất, năm 2012, anh Lộc đưa cụ Hiệp đến gặp bị cáo. Cụ Hiệp trình bày mong muốn được bán tài sản để trả nợ ngân hàng. Anh Lộc và cụ Hiệp nói bán cho ông Khanh. Bị cáo chỉ biết ông Khanh làm ở Bến Cát. Bị cáo đồng ý với đề xuất trên và giao anh Lộc thực hiện”.

Chủ tọa hỏi tại sao năm 2012 đã có bản án giữa cụ Hiệp và An Tây về thỏa thuận số nợ với BIDV Tây Sài Gòn, trong bản án nói rõ là “phát mãi tài sản thế chấp nếu không trả được nợ”, tại sao không phát mãi mà lại giao cụ Hiệp bán? Bị cáo Hùng nói bản án chỉ nhắc đến cụ Hiệp và An Tây, nhưng tài sản thế chấp có cả bà Hảo và Mỹ Hiệp nên không thể phát mãi. “Cụ Hiệp còn nói nếu bán phát mãi toàn bộ thì sẽ tự tử”, ông Hùng thuật lại.

Bị cáo Hùng nói việc mua bán hai bên tự nguyện, không có sự o ép. Việc không buộc cụ Hiệp nộp toàn bộ số tiền bán lần thứ nhất (năm 2012) là do cụ Hiệp xin giữ lại để trả lương công nhân, tái đầu tư và giải quyết nợ khác. Các lần khác giao dịch đều tương tự nhưng tất cả tiền thu được nộp về tài khoản của cụ Hiệp tại BIDV. Các lần đồng ý cho cụ Hiệp bán tài sản thế chấp, ngân hàng đều tham chiếu tất cả thông tin về giá cả mua bán, các thửa đất được rao bán, các hợp đồng mua bán.

Một điều rất quan trọng mà bị cáo Hùng khai báo là tất cả các lần bán đất cho vợ ông Khanh thì tài sản đã giải chấp, trích xuất sổ đỏ và thực hiện hợp đồng công chứng có sự kiểm sát, theo sát của bị cáo Lộc.

“Bị cáo không “thỏa thuận” với ông Khanh” 

Bị cáo Hùng khai rằng việc cho cụ Hiệp bán tài sản thế chấp dựa vào các điều khoản trong hợp đồng tín dụng có thế chấp tài sản giữa cụ Hiệp và BIDV. Theo Hợp đồng tín chấp, việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo 4 hình thức: Ngân hàng tự bán tài sản thế chấp; Ngân hàng cho phép người thế chấp được bán tài sản thế chấp; Người thế chấp ủy quyền cho ngân hàng cho ngân hàng bán tài sản thế chấp; Ngân hàng ủy quyền cho một cơ quan tổ chức bán tài sản thế chấp.

Về phía bị cáo Lộc, khi bị VKS liên tục sử dụng từ “cấu kết”, và nói bị cáo Lộc “thỏa thuận” với ông Khanh và cụ Hiệp, bị cáo Lộc đề nghị VKS sử dụng từ khác: “Bị cáo không “thỏa thuận” với ông Khanh và cụ Hiệp. Các lần mua bán, ông Khanh và cụ Hiệp thống nhất giá cả, phương thức mua bán. Sau đó, cụ Hiệp đưa bị cáo nghiên cứu, xem xét, lập tờ trình cho Giám đốc BIDV Tây Sài Gòn.

Bị cáo Lộc thừa nhận chỉ 1 lần vào năm 2012 biết phương thức thanh toán là một phần chuyển vào tài khoản, một phần đưa cụ Hiệp. Bị cáo đồng ý vì để cụ Hiệp có tiền sinh sống vì cụ Hiệp khi ấy đau ốm, không có tiền. Còn những lần khác, tiền nộp đủ vào tài khoản của cụ Hiệp ở BIDV để thu hồi nợ.

Bị cáo Lộc cho biết năm 2013, ngân hàng từng định phát mãi (sau khi có bản án thỏa thuận nợ giữa cụ Hiệp và BIDV). Tuy nhiên khi rà soát hồ sơ thì thấy rất phức tạp vì liên quan đến Mỹ Hiệp, bà Hảo, khuôn viên đất có nhiều tài sản thế chấp với các tổ chức khác, có tranh chấp; nên không thể thi hành án bằng cách phát mãi.

Cả hai cán bộ ngân hàng đều thừa nhận về quy trình xử lý nợ có sai nhưng khẳng định không bàn bạc, thỏa thuận với cụ Hiệp, ông Khanh; không hưởng lợi trong quá trình xử lý nợ với cụ Hiệp.

Phiên xử sẽ tiếp tục vào hôm nay, ngày 10/12.

Theo bị cáo Hùng, BIDV Tây Sài Gòn không được rót vốn từ BIDV Việt Nam. Tiền cho vay là tiền mà chi nhánh tự huy động vốn. Sau khi nộp lại lợi nhuận cho BIDV Việt Nam, Chi nhánh Tây Sài Gòn được giữ lại một số tiền và đưa vào quỹ dự phòng rủi ro, khi có nợ xấu thì trích quỹ ra xử lý. Số tiền bán được tài sản thế chấp sau đó sẽ được tính là lợi nhuận của chi nhánh. Do đó bị cáo nói rằng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn đã bảo tồn vốn cho BIDV Việt Nam chứ không gây thất thoát, lãng phí.

Đọc thêm