Mơ mộng và... vỡ mộng lấy chồng ngoại

 Câu chuyện “chồng ngoại” được nói đến ở đây không phải là chuyện về các cô gái đi lấy chồng xứ Đài, Hàn, bỏ lại sau lưng hạnh phúc bản thân để đổi lấy ấm no cho gia đình. Mà đây là câu chuyện về các “kiều nữ”, các sao showbiz, vì nhiều lý do mà đặt ra cho mình tiêu chuẩn về đức phu quân tương lai, trong đó tiêu chuẩn lớn nhất là... ngoại kiều.

Câu chuyện “chồng ngoại” được nói đến ở đây không phải là chuyện về các cô gái đi lấy chồng xứ Đài, Hàn, bỏ lại sau lưng hạnh phúc bản thân để đổi lấy ấm no cho gia đình. Mà đây là câu chuyện về các “kiều nữ”, các sao showbiz, vì nhiều lý do mà đặt ra cho mình tiêu chuẩn về đức phu quân tương lai, trong đó tiêu chuẩn lớn nhất là... ngoại kiều.

Hình minh họa
Hình minh họa
Chồng ngoại không hẹp hòi...

Có lẽ chưa khi nào, giới “sao” Việt lại rầm rộ với việc các người đẹp đính hôn, cặp kè, lấy ngoại kiều nhiều như thời điểm hiện tại. Từ những “đôi” lâu năm như Phi Thanh Vân với Thierry người Pháp, Bằng Lăng với anh chồng Đức, người mẫu Ngọc Nga với “tình yêu Úc”, rồi Bống Hồng Nhung với chú rể quốc tịch Mỹ kém cô 2 tuổi... cho đến các “cặp” Việt - ngoại gần đây như Hoa hậu Hương Giang bí mật lấy chồng Trung Quốc, Chung Thục Quyên có chồng sắp cưới là chàng trai quốc tịch Thụy Sỹ, người mẫu Ngọc Quyên lựa chọn tình yêu tận xứ Hàn xa xôi...

Cùng với các cuộc “sánh duyên” xuyên biên giới là những hình ảnh rạng rỡ về các đám cưới, về tay trong tay cùng cuộc sống xa hoa, những tuyên bố đầy ngọt ngào trên mặt báo đã “vẽ” nên chân dung những mối tình đầy hạnh phúc giữa kiều nữ Việt và đại gia ngoại.

Không chỉ là yếu tố kinh tế, lấy chồng ngoại là mơ ước của các kiều nữ còn bởi nhiều nguyên do khác. Một diễn viên múa khá có tiếng trong làng cũng từng tâm sự: “Công việc mình phải đi nhiều, quen biết rộng, thấy đàn ông ngoại quốc “thoáng”, biết chiều vợ hơn đàn ông Việt Nam. Nhỏ bạn mình cũng làm trong ngành nghệ thuật, lấy chồng Việt đã “nếm mùi” những trận đòn ghen của chồng, mỗi lần có ai đưa về, giao tiếp cười nói với đàn ông, hay được tán tỉnh. Mình cũng rất lo sợ gắp phải những cảnh ấy, nên nghĩ rằng nếu có cơ hội, lấy người chồng ngoại quốc có học thức vẫn tốt hơn. Họ phóng khoáng, biết cảm thông và trân trọng nghề nghiệp của vợ hơn chứ không hẹp hòi như nhiều ông chồng Việt Nam”.

Đấy là suy nghĩ tích cực và có lý do chính đáng của một giai nhân làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật. Và quả tình, cái lý ấy nghe ra rất hợp lý. Khi “người đẹp dao kéo” Phi Thanh Vân lấy chồng, giới “sao” hầu hết đều có nhận định: “Nếu Thierry không hỏi cưới Vân, thì không biết có anh chàng người Việt nào có can đảm làm chuyện đó không, với quá khứ “lẫy lừng” của Vân?”.

Thuộc giới người mẫu nhiều tai tiếng, Phi Thanh Vân lại từng là “con nghiện” của không khí vũ trường và là khách quen mặt, chân dài nổi tai nổi tiếng tại các vũ trường hạng sang của TP HCM. Thierry là người yêu, đám cưới và kéo Vân ra khỏi vũng lầy ấy, những phát ngôn tràn đầy sự yêu thương, độ lượng của Thierry đối với vợ, cuộc sống hạnh phúc, thoải mái về tinh thần và vật chất của cô người mẫu này cũng phần nào tạo nên niềm mơ ước ở nhiều kiều nữ khác...

Xuất “chiêu” để rước về cay đắng

Không chỉ các kiều nữ có ít nhiều tiếng tăm trong giới sao, showbiz, nghệ thuật, rất nhiều cô gái có chút nhan sắc, chán cảnh lấy chồng sinh con kiểu truyền thống, mơ ước một cuộc sống rộng mở cũng chọn con đường “chồng ngoại” để dấn thân.

MC Manu, 35 tuổi, là người Ấn Độ, gia đình thuộc thành phần quý tộc với nhiều nông trại bát ngát ở Đông Bắc Ấn. Anh đang hẹn hò với Kim Yến, bán hàng lưu niệm tại chợ Bến Thành. Lần thứ ba đi chơi riêng với nhau, anh đã quyết tâm cưới bằng được cô gái Việt có mái tóc dài, da trắng và rất dịu dàng này. Tuy hai bên chưa hiểu ngôn ngữ của nhau lắm, nhưng Manu tin rằng anh đã may mắn có được một cô gái tốt, thuần chất Việt Nam. Yến nói cô xuất thân từ một vùng quê nghèo ở miền Tây, vì muốn cha mẹ sống sung túc hơn nên lên Sài Gòn làm việc, điều này làm Manu càng cảm động và yêu quý cô. Không biết người đàn ông Ấn Độ sẽ nghĩ sao nếu biết cô Yến ngây thơ có hẳn một “quân sư” phía sau.

Nhung, dì họ của Yến, cũng từng bán hàng tại một khu thương mại ở quận 1, đã kết hôn với một người Mỹ gốc Á và đang trong thời gian hưởng thụ ở Việt Nam, chờ ngày được bảo lãnh. Nhung ở trọ chung với Yến và là người truyền đạt cho Yến nhiều kinh nghiệm trong việc làm thế nào để “Tây” để mắt đến mình, làm thể nào để gây ấn tượng trọng những lần đầu tiên gặp gỡ, “Tây” thường thích mẫu con gái thế nào, dân ngoại quốc người Á thì thích mẫu thế nào. Yến đã áp dụng và quả thật thành công với Manu. Tuy nhiên, cả Nhung và Yến đều cho biết, để được “thành quả”, các cô cũng đã đôi ba lần trải qua những gã ngoại quốc “bèo”.

Bỏ nhiều công sức, nhưng rồi, kết cục mà nhiều kiều nữ nhận được sau những kịch bản thành công, lại không hẳn là niềm vui hay sự đủ đầy. Yến theo Manu về Ấn Độ, nhưng cả hai đều vỡ mộng khi Yến mong muốn một cuộc sống vương giả, ngày ngày ăn diện đẹp, tháng tháng đi du lịch nước ngoài, nhưng chỉ nhận được một ông chồng mê quản lý trang trại, và muốn vợ mình “tề gia nội trợ”, chăm sóc mẹ mình. Còn Manu thì mong muốn một cô vợ truyền thống, dịu dàng đảm đang, nhưng ngay sau khi mang nàng về nước một thời gian ngắn, anh chẳng nhận ra cô Yến hết sức dịu dàng, đằm thắm mình từng quen, chỉ thấy một cô vợ ham hưởng thụ, lười lao động và hay đòi hỏi.

Không phải người đàn ông ngoại quốc nào cũng lý tưởng, phóng khoáng và giàu có. Với một số kiều nữ, sự vỡ mộng đến từ việc họ mơ ước quá nhiều, và luôn nghĩ rằng người nước ngoài thì phải có thế này, phải sống thế nọ, và cuối cùng khi lấy nhau, họ ngỡ ngàng nhận ra rằng chồng mình cũng phải cật lực lao động, kiếm ra đồng tiền cũng không dễ, và thời gian túi bụi dành để làm việc, không có nhiều thời gian dành cho vợ và thỏa mãn các nhu cầu của vợ như các cô đã nghĩ ban đầu.

Quen được một anh Tây gốc Pháp sau thời gian bán hàng lưu niệm ở quận 1, Kim Cúc bỏ chồng sắp cưới, một nhân viên thu ngân cùng quê để “theo chồng về dinh”. Sống trong căn hộ cao cấp ở quận 7, Cúc mới thấm thía cái buồn của vợ chồng không tình yêu, chênh lệch tuổi tác và văn hoá, khi chồng cô không chịu học tiếng Việt, còn cô khá khó khăn trong việc học ngoại ngữ.

Có nhiều điều Cúc muốn chia sẻ với chồng, những anh không hiểu. Và nữa, mỗi lần cha mẹ, anh chị hay bà con ở quê lên chơi, Evan chồng cô có vẻ không  mặn mà cho lắm, nhất là những lúc bà con họ hàng có việc lên Sài Gòn đông, tá túc nhà cô, Evan khó chịu ra mặt khiến chẳng ai dám đến lần nữa. Đỉnh điểm là khi em gái Cúc ở quê bệnh nặng, cô xin Evan một số tiền lớn gửi về, nhưng anh thẳn thắn từ chối vì phong tục xứ anh là “ai phải lo chuyện người nấy”, Cúc đành bày tỏ phản ứng của mình là khăn gói về quê.

Đó là còn chưa kể, không thiếu những anh chàng ngoại quốc mang "họ Sở", chuyên lừa đảo, mà tối mắt vì cái mác ngoại, nhiều kiều nữ đã phải ngậm ngùi vì “ăn thịt lừa”, cặp kè sau thời gian xa xứ, trở về nước, chàng cắt liên lạc. Một thời gian, rộ lên hình thức lừa đảo từ những chàng trai ngoại quốc, sau những cuộc tình online xuyên biên giới chàng ngỏ lời muốn gửi món quà giá cho nàng, nhưng kẹt ở hải quan, phải đóng phí, yêu cầu nàng gửi số tiền lớn vào tài khoản cho chàng mượn, và rồi... không ngày gặp lại.

Trân Trân

Đọc thêm