Mở ra trang mới cuộc đời cho em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo số liệu thống kê của báo cáo “Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam” do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2020 - 2021, trên cả nước có 98,1% trẻ em dưới 5 tuổi đã được đăng ký giấy khai sinh, trong đó 97,2% trẻ có giấy khai sinh. Như vậy, vẫn còn đến hàng ngàn trẻ em chưa có giấy khai sinh.
Cùng nhau truyền tải thông điệp mở ra trang mới cuộc đời cho em là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Cùng nhau truyền tải thông điệp mở ra trang mới cuộc đời cho em là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Những cuộc đời “vô hình”

Chị Thạch T.T có 4 chị em làm nghề bán ve chai và họ đều có điểm chung là không có giấy tờ tuỳ thân. Kéo theo đó, 20 trẻ con của các chị em chị Thạch T.T cũng không có giấy khai sinh, có em đã 9 - 10 tuổi, có em mới 2 - 3 tuổi và cả em bé còn chưa ra đời. Không có giấy khai sinh, đồng nghĩa với việc chưa đứa trẻ nào trong 20 đứa trẻ nhà chị Thạch T.T được đi học, không có bảo hiểm y tế khi ốm đau.

“Đưa con tới trường, người ta không cho, bảo phải có giấy khai sinh nên đành đi về, vô cùng tủi thân và thương con. Mình không có giấy khai sinh đã chịu bao nhiêu khổ sở, vất vả, nay rất sợ con sẽ lại có một vòng lặp cuộc đời như vậy” - người mẹ nghẹn ngào.

Wowy là một nam rapper kiêm nhà sáng tác ca khúc, nhưng câu chuyện của anh không chỉ có âm nhạc mà còn có nỗi buồn của một mảnh đời của một người bạn không có giấy tờ tuỳ thân: “Bạn tôi lúc đó đã gần 30 tuổi, nhưng không có giấy khai sinh, chưa bao giờ được đi học chính thức mà nhờ sự hỗ trợ của các trường tình thương, khi đi làm cũng làm công việc phi chính thức. Bạn tôi cũng không thể đi ra Hà Nội khi tôi rủ đi cùng vì không thể đi máy bay. Những rào cản ấy đeo đuổi bạn trong suốt cả hành trình cuộc đời. Bạn đứng đó nhưng không có giấy tờ, bạn như người vô hình”…

Theo số liệu thống kê của báo cáo “Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam” do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2020 - 2021, trên cả nước có 98,1% trẻ em dưới 5 tuổi đã được đăng ký giấy khai sinh, trong đó 97,2% trẻ có giấy khai sinh. Như vậy, vẫn còn đến hàng ngàn trẻ em chưa có giấy khai sinh.

Việc đăng ký khai sinh tưởng như rất đơn giản, nhưng lại vô cùng khó khăn, đôi khi là không thể đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Có rất nhiều em chưa thể có được tấm giấy khai sinh với những lý do như: là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi; cha mẹ không có giấy tờ tùy thân; gia đình không đủ điều kiện để chứng minh thân nhân, xét nghiệm ADN; cha mẹ không ý thức được tầm quan trọng của việc làm giấy khai sinh cho con trẻ...

Không có giấy khai sinh, các em không thể đi học, cũng không thể khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Khi lớn lên, các em cũng không được cấp căn cước công dân, không có cơ hội tiếp cận với các nghề nghiệp chính thức, phải làm những công việc nặng nhọc, bất hợp pháp và nguy hiểm. Không có giấy tờ tuỳ thân cũng đồng nghĩa với việc không thể đăng ký kết hôn, con cái sinh ra cũng sẽ lại rơi vào hoàn cảnh bế tắc của cha mẹ là không được khai sinh.

Niềm vui khi được hỗ trợ để có giấy khai sinh. (nguồn ảnh: MSD)

Niềm vui khi được hỗ trợ để có giấy khai sinh. (nguồn ảnh: MSD)

Đảm bảo quyền khai sinh và quyền quốc tịch của trẻ em

Từ năm 2014, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã bắt đầu thực hiện dự án “Trang mới cuộc đời” để thúc đẩy quyền được khai sinh và hỗ trợ tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trải qua 5 mùa chiến dịch với sự hỗ trợ và đồng hành, gắn kết của các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước, đến tháng 9/2022, dự án đã hỗ trợ 229 trẻ làm giấy khai sinh và hơn 2.100 trẻ được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng…

Còn nhớ, cách đây 2 năm, tháng 12/2020, tại Hội thảo tổng kết dự án “Trang mới cuộc đời” giai đoạn 2019 - 2020 và đối thoại thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh do MSD tổ chức, bà Trần Thị Hồng Yến - Phó Trưởng phòng Hộ tịch, Sở Tư pháp TP HCM nhấn mạnh: “Hơn ai hết, trẻ em là đối tượng xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương và rất cần sự quan tâm, bao bọc, bảo vệ để được sống và phát triển. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo hơn quyền con người, quyền công dân trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là quyền khai sinh và quyền quốc tịch của trẻ em. Dự án “Trang mới cuộc đời” vô cùng ý nghĩa để giúp các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn làm giấy khai sinh, những trường hợp đặc biệt mà các cơ quan quản lý Nhà nước như chúng tôi khó tiếp cận. Chúng tôi rất vui được đồng hành cùng dự án và rất cam kết trong việc tiếp tục đồng hành và hỗ trợ “Trang mới cuộc đời”.

Tiếp nối hành trình và sứ mệnh đó, MSD United Way Việt Nam tiếp tục thực hiện Chiến dịch truyền thông và gây quỹ cho “Trang mới cuộc đời” lần 6 với chủ đề “Mở ra trang mới cuộc đời cho em”. Chiến dịch diễn ra từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/01/2023 với mục tiêu kêu gọi 1.000 nhà tài trợ gắn kết với mức đóng góp 100.000đ mỗi tháng, trong ít nhất 1 năm nhằm hỗ trợ kinh phí cho việc đăng kí khai sinh cũng như trao học bổng và chăm sóc sức khỏe thể chất, dinh dưỡng cho các em nhỏ và thanh niên mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn để các em vững bước vào đời và có được một trang mới cuộc đời tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Là Đại sứ thiện chí của “Trang mới cuộc đời” từ năm 2020 Rapper Wowy chia sẻ câu chuyện bạn cũng như quan điểm cá nhân hiểu rõ tầm quan trọng của tấm giấy khai sinh - điều tưởng chừng như hiển nhiên với mọi người khi sinh ra – tới việc quyết định việc mình có được công nhận và có được hưởng những quyền lợi chính đáng của một công dân hay không. Chính vì thế, Wowy mong muốn lan toả hơn nữa thông điệp của chương trình “để mọi trẻ em đều có giấy khai sinh, mở ra “Trang mới cuộc đời”. Anh cũng kêu gọi tất cả các bạn sinh viên và những người biết tới “Trang mới cuộc đời”, hãy là những đại sứ thiện chí chia sẻ về dự án, đóng góp cho dự án.

Gia đình chị Thạch T.T đã và đang nhận hỗ trợ của MSD United Way Việt Nam. Theo lời chị Thạch T.T, khi gặp “Trang mới cuộc đời”, gia đình chị đã được các cán bộ xã hội, các luật sư giúp đỡ, tư vấn giấy tờ, đại diện, hỗ trợ chi phí xét nghiệm ADN. Cho đến nay, đã có 10 trong 20 đứa trẻ có giấy khai sinh, cả gia đình cũng được “Trang mới cuộc đời” huy động các mạnh thường quân hỗ trợ thu nhập hàng tháng.

Tuy vẫn còn lại các trường hợp khó khăn hơn do cả bố mẹ đều không có giấy tờ đang được chương trình hỗ trợ tiếp, chị Thạch T.T vẫn rất biết ơn khi dần dần, mỗi đứa trẻ trong gia đình đều có giấy khai sinh: “Xúc động lắm khi con có giấy khai sinh, thế là được đi học, đi chích vaccine rồi. Mong sao các cô chú giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn giống như tụi em, để mấy đứa cháu được có tờ giấy khai sinh để đi học, để vượt qua cuộc sống khó khăn hiện tại...”, chị cho biết.

Điều đáng mừng là rất nhiều bạn trẻ đã rất hào hứng tham gia cam kết là đại sứ truyền thông và hỗ trợ tình nguyện đóng góp cho dự án, thậm chí là cả tài chính. Khi được hỏi “Để trở thành một nhà tài trợ gắn kết của “Trang mới cuộc đời”, em có nghĩ khoản đóng góp 100.000 đồng/tháng là nhiều hay không?”, một bạn sinh viên ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM đã trả lời rằng: “Em không nghĩ số tiền 100.000 đồng/tháng là nhiều, vì một buổi uống cà phê đã hết 50.000 đồng rồi. Nếu chỉ hai buổi cà phê hàng tháng mà có thể giúp được nhiều trẻ em mở ra trang mới cuộc đời thì em thấy rất đáng để tham gia”.

Có thể nói, tạo nên “Trang mới cuộc đời” cho mỗi trẻ em Việt Nam không phải là việc của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. “Chúng tôi muốn khẳng định “Trang mới cuộc đời” không phải là của MSD United Way Việt Nam, không phải là của nhóm nòng cốt Trang mới cuộc đời”, của những người làm công tác xã hội. Chúng tôi muốn trao gửi trách nhiệm cũng là món quà quý giá này đối với cả cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Chúng ta có thể trở thành cộng đồng gắn kết mà mỗi người đều có trách nhiệm của mình để tạo nên “Trang mới cuộc đời” cho mỗi trẻ em Việt Nam”, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD nhấn mạnh.

Theo những chuyên gia thực hiện dự án “Trang mới cuộc đời”, hiện nay còn những vấn đề vướng mắc khiến hành trình thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trở nên khó khăn, kéo dài hơn.

Vì thế, từ năm 2020 dự án cũng đã đưa ra một số khuyến nghị như: về phía thủ tục tư pháp đó là việc hỗ trợ các gia đình xác minh nhân thân, chứng minh việc sinh qua các bằng chứng, cam đoan, cam kết, cơ quan quản lý Nhà nước về tư pháp hướng dẫn cho các cán bộ hộ tịch phường, xã thực thi hiệu quả, đúng theo quy định, không yêu cầu các gia đình các xét nghiệm ADN nếu không cần thiết; tiến hành rà soát và hỗ trợ làm giấy khai sinh không chỉ cho trẻ em dưới 5 tuổi mà còn cho trẻ em trên 5 tuổi tới 16 tuổi và cả người lớn, để đảm bảo tất cả các trẻ em đều có giấy khai sinh. Việc rà soát nên kết hợp với cán bộ tổ dân phố và cả các cán bộ tổ chức xã hội để có thể tiếp cận được những trường hợp đặc biệt mà chính quyền địa phương có thể không tiếp cận được hoặc dễ bỏ sót…

Dự án đã cho ra mắt cuốn sổ tay “Chúng em có quyền có giấy khai sinh” do Trung tâm MSD phối hợp với Sở Tư pháp TP HCM, Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP HCM, các luật sư, các thành viên nhóm “Trang mới cuộc đời” biên soạn bao gồm những hướng dẫn cụ thể, tạo cơ sở cho các tổ chức và cá nhân tham khảo trong quá trình hỗ trợ làm giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đọc thêm