Đề nghị có lộ trình để mở rộng phạm vi điều chỉnh
Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu còn có băn khoăn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng, đối tượng điều chỉnh quy định trong dự thảo Luật còn quá rộng nhưng lại hạn chế phạm vi tại luật chuyên ngành quy định là rất khó khả thi.
Theo đại biểu, thực tế hiện nay, chỉ một số lĩnh vực, thủ tục đã được thực hiện giao dịch điện tử; nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ, thiếu pháp lý chuyên ngành, con người trong quá trình triển khai thực hiện.
Dẫn kinh nghiệm từ Singapore, đại biểu đề nghị cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật; thí điểm một số lĩnh vực trước khi đưa vào luật chuyên ngành.
Trường hợp luật chuyên ngành không quy định giao dịch bằng phương thức điện tử như quy định tại Điều 1 thì trong Điều 2 cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp áp dụng và các trường hợp loại trừ ngay trong đối tượng điều chỉnh của luật nhằm đảm bảo tính khả thi, bao quát trong thực tiễn.
Có quan điểm ngược lại, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bày tỏ đồng tình với phạm vi điều chỉnh như báo cáo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định đây là đạo luật rất khó, đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá dự thảo Luật đã được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, rất nhiều nội dung đại biểu góp ý đã được chỉnh lý, bổ sung.
Theo đại biểu, đạo luật này có thể gọi nôm na là “Hiến pháp” của chuyển đổi số, là một trong những nền tảng quan trọng đạt được mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra, là một trong những động lực để phát triển đất nước.
Cho rằng điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần có rà soát để các quy định của Luật đi vào thực tiễn, thuận tiện, không phát sinh thủ tục, không phát sinh các chi phí về bộ máy, con người, thiết bị…
Quan tâm đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đại biểu nêu thực tiễn, thời gian qua đã xảy ra nhiều hoạt động lừa đảo, thậm chí là tội phạm trên môi trường mạng. Người tiêu dùng không thể có đủ điều kiện phân biệt được, nhất là trên môi trường điện tử.
Vì vậy, cần rà soát các quy định để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tránh việc lợi dụng; bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, tránh bị xâm nhập.
Có cơ sở pháp lý cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử
Báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như quy định trong dự thảo Luật là dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam hiện nay đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn tin cậy; cũng như thực hiện công nghệ thông tin mấy chục năm qua và đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số những năm gần đây.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để có thể thực hiện giao dịch điện tử mở rộng như quy định về cơ sở dữ liệu, chứng minh điện tử, dịch vụ tin cậy… Hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan cũng cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện có thể thực hiện giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, khá nhiều lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thực tế đã được triển khai giao dịch điện tử một phần hoặc toàn bộ như đăng kí khai sinh, đăng ký kết hôn, phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Với những lý lẽ trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị mở rộng phạm vi như trong dự thảo Luật, mở ra công cuộc chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, toàn dân và toàn diện.
Về xử lý vi phạm, tranh chấp, Bộ trưởng cho biết, chế tài xử lý vi phạm sẽ quy định ở nghị định của Chính phủ. Việc xử lý tranh chấp thì quy định ở pháp luật chuyên ngành. Về cung cấp dịch vụ tin cậy, Bộ Thông tin và Truyền thông không cung cấp dịch vụ mà chỉ cấp phép, Ban soạn thảo sẽ xem xét lại các điều khoản để không bị hiểu nhầm.