Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung.
Kết quả thi hành Luật cho thấy, từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường. Trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%) với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 111,15 tỷ đồng. Thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN năm 2009 cho thấy, Luật đã đi vào cuộc sống và cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của mình trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay đã có nhiều thay đổi về yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính trên đất nước ta. Thực tế ấy đã làm cho Luật TNBTCNN hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập mà một vướng mắc đáng chú ý là phạm vi TNBTCNN và thiệt hại được bồi thường chưa được cập nhật nên không đầy đủ, thiếu đồng bộ với những thay đổi trong quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và các quy định trong các bộ luật, luật mới ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, khoản 2 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”; khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự…”.
Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015... cũng đã có nhiều quy định mới về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân để thực thi Hiến pháp mới. Chẳng hạn như khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “…mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”; khoản 1 Điều 31 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt... do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra”...
Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành, Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) đã dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi TNBTCNN. Cùng với kế thừa và sửa đổi các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, Dự thảo Luật bổ sung phạm vi TNBTCNN trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của các đạo luật mới ban hành.
Trong quá trình chỉnh lý mới đây, đã có kiến nghị bổ sung TNBTCNN đối với trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, qua góp ý, một số ý kiến không tán thành việc bổ sung này vì như vậy là không hợp lý, sẽ làm khó cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Bộ Công an thì có văn bản đề nghị không quy định trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp thuộc phạm vi TNBTCNN. Tại cuộc họp nghe báo cáo chỉnh lý mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho rằng, Dự thảo Luật sẽ không bổ sung trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp thuộc phạm vi TNBTCNN trong hoạt động tố tụng hình sự.