Mở rộng kinh tế phi nông nghiệp để cải thiện sinh kế nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự phục hồi kinh tế sẽ thúc đẩy kinh tế phi nông nghiệp tăng trưởng. Điều này không có nghĩa là nông nghiệp suy giảm khi kinh tế phi nông nghiệp phát triển, mà là tỷ trọng sản lượng nông nghiệp trong tổng sản lượng sẽ giảm – hiện tượng là bình thường và chúng ta phải chấp nhận. 
TS. Nguyễn Hữu Dũng: "Kinh tế phi nông nghiệp được xem như một phần của tăng trưởng nền kinh tế, không phải là một chiến lược phòng thủ để tồn tại".

TS. Nguyễn Hữu Dũng: "Kinh tế phi nông nghiệp được xem như một phần của tăng trưởng nền kinh tế, không phải là một chiến lược phòng thủ để tồn tại".

PLVN trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Bộ môn Kinh tế Tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết vai trò của kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn?

- Trong những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam đang có những thay đổi sâu sắc cả về quy mô và cơ cấu. Diện tích đất canh tác nông nghiệp giảm, cơ sở hạ tầng và cơ cấu lao động nông thôn thay đổi, các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng, tác động đến phúc lợi của nông hộ.

Một trong những xu hướng thay đổi rất đáng chú ý là nhiều hộ gia đình chuyển đổi hoạt động kinh tế nông nghiệp sang các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp như là: di cư ra khỏi khu vực nông thôn theo thời vụ hoặc lâu dài; chuyển sang làm việc hoàn toàn trong các nhà máy tại các khu công nghiệp lân cận; chuyển một phần làm phi nông nghiệp nhưng có kết hợp với hoạt động nông nghiệp phụ trợ tại địa phương. Đây chính là quá trình đa dạng hóa thu nhập, nên được xem như là chiến lược sinh kế quan trọng của nông hộ.

Hình minh họa

Hình minh họa

Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này trong thời gian tới, và những tác động của nó?

- Nghề nông sẽ thay đổi khi nhiều người trẻ tuổi và có trình độ học vấn tốt chuyển ra khỏi nông nghiệp để tìm kiếm thu nhập cao hơn ở những nơi khác, còn những người lớn tuổi ở lại các khu vực nông thôn.

Ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy sẽ hình thành nhiều hơn canh tác quy mô trung bình và lớn. Các nông trại lớn sẽ ký hợp đồng, dần dần các nông trại nhỏ lẻ tự cung tự cấp sẽ được hợp nhất thành các đơn vị lớn hơn, khả thi hơn, với nhiều cơ giới hóa hơn và ít nông dân toàn thời gian hơn.

Sẽ có một lượng lớn dòng người từ nông thôn đến thị trấn, nhưng chúng ta vẫn cần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế phi nông nghiệp như sửa chữa máy móc, phát triển đường nông thôn và các cơ sở hạ tầng khác, chế biến thực phẩm địa phương, cung cấp các dịch vụ nông thôn (kế toán, ngân hàng, phân phối…)

Với sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế, khi thu nhập tăng lên, sẽ có thay đổi theo hướng tăng công nghiệp và dịch vụ. Điều này không có nghĩa là nông nghiệp suy giảm khi nền kinh tế phát triển, mà là tỷ trọng sản lượng nông nghiệp trong tổng sản lượng sẽ giảm. Vì vậy, tăng trưởng sản lượng nông nghiệp sẽ chậm hơn tăng trưởng trong các lĩnh vực khác là điều bình thường và chúng ta phải chấp nhận.

Các cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có tác động lớn đến kinh tế phi nông nghiệp do mối liên kết giữa hai lĩnh vực, cả tích cực và tiêu cực. Nói chung, tăng trưởng trong lĩnh vực trồng trọt có ảnh hưởng tích cực đến kinh tế phi nông nghiệp và ngược lại, nhưng điều quan trọng là kinh tế phi nông nghiệp phải được mở rộng để cải thiện sinh kế nông thôn về lâu dài khi ngành nông nghiệp dự kiến ​​sẽ chủ yếu dựa vào hợp đồng chứ không làm nhỏ lẻ nữa. Việc thúc đẩy các doanh nghiệp phi nông nghiệp ở nông thôn sẽ giúp hấp thụ lao động nông nghiệp dư thừa, kích thích phát triển và xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Đến nay, thu nhập của các hộ gia đình nông thôn từ các nguồn phi nông nghiệp có thể đạt đến 30 đến 50%.

Chúng ta cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phi nông nghiệp hiện nay, thưa ông?

- Quá trình phát triển hoạt động kinh tế phi nông nghiệp nước ta tỏ ra có những hạn chế, để thúc đẩy phát triển thì còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong điều kiện của chúng ta, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phi nông nghiệp có thể bắt nguồn từ nhóm các yếu tố tài nguyên; và nhóm các yếu tố thể chế, bao gồm cả thể chế chính thức (kinh tế và xã hội) và thể chế phi chính thức (niềm tin, chuẩn mực, giá trị, thói quen).

Ở nhóm chính sách về các yếu tố tài nguyên, triển vọng phụ thuộc vào ba nhóm nguồn lực nội sinh gồm: Tài sản vật chất, chẳng hạn như phát triển rừng, khai thác thủy sản bền vững, làm du lịch sinh thái, sử dụng lợi thế vị trí; Cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như cải tạo đường xá và viễn thông; Vốn con người và xã hội, chẳng hạn như nâng cao trình độ học vấn, cơ cấu nhân khẩu học và kỹ năng của người dân, sàng lọc lãnh đạo địa phương, và kết nối với các khu vực đô thị.

Ở nhóm yếu tố thể chế cần thúc đẩy bao gồm: Hạ tầng kinh tế, chẳng hạn như dịch vụ ngân hàng và thị trường tín dụng, mạng lưới kinh doanh hoặc phòng thương mại; Cơ sở hạ tầng hành chính, bao gồm chất lượng của cơ quan hành chính, các hợp tác thương mại...

Đối với các nguồn lực vật chất của địa phương, nó ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng tăng trưởng bởi có mối quan hệ giữa nguồn lực vật chất và mô hình sản xuất. Một lợi thế khác là vị trí và khoảng cách về thời gian, cũng như "khoảng cách văn hóa" đến các trung tâm kinh tế (ví dụ: thị trấn và chợ) có thể quyết định triển vọng tăng trưởng ở một địa phương. Cơ sở hạ tầng, mật độ đường cũng thường là một trong những yếu tố quyết định triển vọng thoát nghèo nông thôn ở cấp hộ gia đình. Ngoài ra, các thông số về vốn con người, chẳng hạn như trình độ học vấn, kỹ năng và độ tuổi từ lâu đã được công nhận là có ảnh hưởng đến tăng trưởng. Vì vậy các chính quyền địa phương nên chú trọng cải thiện các yếu tố nền tảng này.

Đối với các thể chế chính thức, các thỏa thuận thương mại là quan trọng. Một khu vực thương mại cởi mở có thể hoạt động như một động lực của tăng trưởng địa phương, thông qua liên kết khu vực sản xuất với thương mại. Việt Nam nên đặc biệt chú ý tới phát triển kinh tế phi nông nghiệp đa dạng hóa dựa trên nông trại ‘chính hiệu’, tức là các hoạt động kinh tế do các nông trại truyền thống thực hiện, sẽ giúp ích nhiều mặt cho nền kinh tế địa phương.

Vùng nông thôn

Vùng nông thôn

Tổ chức phi chính thức là mạng xã hội cũng quan trọng. Vốn xã hội (ví dụ: mạng lưới, chuẩn mực, lòng tin) có thể là một động lực trong tăng trưởng kinh tế phi nông nghiệp. Các địa phương nên chú trọng mối liên hệ có thể có giữa đặc điểm dân số và vốn xã hội, chẳng hạn: lòng tin có liên quan đến sắc tộc tại địa phương không? Một vấn đề khác là xem vốn xã hội được thể chế hóa như thế nào trong các cơ cấu kinh tế. Hộ nghèo có tham gia tích cực vào các hiệp hội địa phương không. Ở mức thu nhập thấp, lợi nhuận cho vốn xã hội có thể cao hơn lợi nhuận cho vốn nhân lực. Ở mức thu nhập cao hơn, điều ngược lại có thể đúng. Vì thế, các địa phương có nguồn tài chính hạn chế có thể nên chú trọng phát triển cộng đồng để phát triển kinh tế với mức đầu tư phù hợp.

Để thúc đẩy mối liên hệ giữa kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn, chúng ta nên xem xét bối cảnh rộng hơn cùng các liên kết khác - vì bối cảnh là liên ngành và có "sự kết nối" của cư dân nông thôn với nhiều thành phần kinh tế, chỉ một trong số đó là nông nghiệp. Ví dụ, công nghiệp nông thôn có mối liên hệ chặt chẽ với khu vực thành thị, cả bởi thị trường do khu vực thành thị cung cấp và bởi sự liên kết giữa các ngành, có thể cạnh tranh hoặc bổ sung các ngành công nghiệp nông thôn có thể cung cấp các thành phần cho các ngành công nghiệp thành thị, hoặc có thể lắp ráp hoặc hoàn thiện sản phẩm của họ.

Kinh tế nông trại và phi nông nghiệp có thể được liên kết trực tiếp thông qua các hoạt động sản xuất, hoặc liên kết gián tiếp thông qua thu nhập hoặc đầu tư. Liên kết sản xuất có thể ở thượng nguồn (xảy ra khi ngành trồng trọt phát triển và tạo ra tăng trưởng ở thượng nguồn cung cấp đầu vào và dịch vụ); hoặc có thể ở hạ nguồn (sảy ra khi các hoạt động dựa vào đầu vào của nông trại, chẳng hạn như chế biến và phân phối nông sản, được gia tăng và do đó làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp). Liên kết thu nhập xảy ra khi thu nhập kiếm được trong một lĩnh vực được chi cho đầu ra của lĩnh vực kia, và liên kết đầu tư diễn ra khi lợi nhuận từ lĩnh vực này được đầu tư vào lĩnh vực kia.

Mối liên kết giữa các nông trại với các công ty chế biến và thương mại cần được thúc đẩy để các mối liên hệ này dẫn đến việc có thể hoạt động như các cụm hỗ trợ tăng trưởng.

Chúng ta cần can thiệp vào quá trình phát triển kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn, nhưng sự can thiệp cần hình dung được khu vực nông thôn có khả năng trông như thế nào trong 10 đến 20 năm tới. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng có thể làm giảm mức nghèo chung tại nông thôn. Tăng trưởng kinh tế nhiều nước đã đạt được một số cải thiện về phúc lợi và nghèo đói bằng cách: Áp dụng cách tiếp cận dần dần đối với cải cách kinh tế và thay đổi thể chế; Thúc đẩy tăng trưởng khu vực dịch vụ và định hướng xuất khẩu. Nhưng dù theo đuổi biện pháp nào thì kinh tế phi nông nghiệp luôn được xem như một phần không thể thiếu của chiến lược tăng trưởng cho nền kinh tế chứ không phải là một chiến lược phòng thủ để tồn tại.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm