Sau hơn 3 năm được phê duyệt chủ trương đầu tư, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng chính thức khởi công. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ về đích đúng tiến độ khi các cơ quan, đơn vị liên quan đều cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện dự án.
Cam kết tập trung cao thực hiện dự án
Tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các công trình thuỷ điện lớn trên dòng sông Đà như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các NMTĐ này đã góp phần rất quan trọng trong việc điều tiết lũ, phát điện, giao thông thuỷ và cấp nước cho hạ du.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần làm việc của EVN trong việc tổ chức các công việc chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình, thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông để thực hiện dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng…
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện đúng tiến độ, chất lượng chi tiết trong từng hạng mục. Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh an toàn trên công trường cho các đơn vị thi công.
Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng là một công trình lớn, phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, khối lượng thi công lớn, phạm vi rộng. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với EVN, Ban quản lý dự án, nhà thầu, các cơ quan liên quan là rất nặng nề. Thủ tướng đề nghị các đơn vị phát huy truyền thống tốt đẹp, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, vượt khó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành trước thời hạn ít nhất nửa năm, đưa Nhà máy vào vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước, đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, chất lượng, tuân thủ đúng các yêu cầu quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải an toàn tuyệt đối, an toàn lâu dài và phát triển bền vững, nhất là đối với vùng hạ du, không để bất cứ sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan hiện nay”.
Ông Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình xác định, đây là công trình đặc biệt và đã cam kết sẽ có trách nhiệm tạo thuận lợi để thi công dự án, đặc biệt sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan thực hiện giải phóng mặt bằng.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), đại diện Liên danh nhà thầu thi công dự án đánh giá, đây là công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội, có quy mô và khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi đúng tiến độ, nhiều hạng mục thi công khó khăn, phức tạp và theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, vừa thi công vừa đảm bảo an toàn cho nhà máy đang vận hành khai thác và các công trình lân cận.
Đại tá Ngọc cũng cam kết sẽ tập trung nguồn lực con người, tài chính, thiết bị, tổ chức thi công chặt chẽ, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; Đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành công trình và đi vào vận hành khai thác.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 9.000 tỷ đồng
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do EVN làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% vốn; 70% còn lại sẽ bao gồm các nguồn vốn vay thương mại trong nước.
NMTĐ Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu, sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình NMTĐ Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐ Hòa Bình đạt 2.400 MW.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN khẳng định, sau khi công trình hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ giúp tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện; Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí của hệ thống; Giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Tuy nhiên, để hoàn thành dự án đúng tiến độ đã cam kết, đại diện EVN mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong việc thực hiện công trình đồng thời cũng yêu cầu Liên danh nhà thầu tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị hoàn thành gói thầu đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng và đảm bảo các yêu cầu về môi trường, xã hội trong quá trình triển khai xây dựng theo đúng quy định của Hợp đồng.