Mở rộng thị trường xuất khẩu khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP

(PLVN) - Ngày 16/7/2023, Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký hiệp ước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - đánh dấu Vương quốc Anh sẽ là thành viên mới đầu tiên của CPTPP. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung.
Hình ảnh minh họa.

Ông Iain Frew - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, khi Vương quốc Anh tham gia Hiệp định CPTPP, thương mại hai nước sẽ có nhiều dư địa phát triển hơn nữa. Cùng với UKVFTA, Hiệp định CPTPP mang lại nhiều lợi ích đối với thương mại song phương trong một số lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại kỹ thuật số.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mang lại lợi ích thực sự cho thương mại hai bên nói riêng và thương mại toàn cầu nói chung.

Theo lãnh đạo Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Vương quốc Anh là một đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam, do vậy việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm thị trường xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam.

Trong quá trình đàm phán giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận theo hướng Vương Quốc Anh sẽ mở thêm việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam ngoài các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đã có, đặc biệt ngành thủy sản sẽ có được những thuận lợi rất lớn khi cam kết chính thức có hiệu lực.

Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, đây chính là một điểm sáng của Hiệp định CPTPP, nhiều nền kinh tế lớn cũng quan tâm và mong muốn gia nhập hiệp định này (như Trung Quốc…) cho thấy vai trò của Hiệp định CPTPP ngày càng lớn mạnh và chắc chắc tạo ra các động lực mới cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm hơn tới các thành viên CPTPP, đặc biệt là Việt Nam.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, việc gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh sẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai bên; đồng thời tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lên đến 900 tỷ bảng Anh.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam và Vương quốc Anh tăng trưởng khởi sắc cùng đà tăng chung của thị trường. Tổng kim ngạch 5 tháng đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 23,2%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD, tăng 26,6%. Nhập khẩu đạt 301,2 triệu USD, giảm nhẹ 2,2%. Thặng dư thương mại đạt 2,7 tỷ USD. Xuất khẩu sang Anh chậm lại trong những tháng gần đây (tháng 4, tháng 5) so với các tháng đầu năm (tháng 3, tháng 4). Như vậy, Vương quốc Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, sau Hà Lan (xuất khẩu 5 tháng đạt gần 5 tỷ USD) và Đức (xuất khẩu 5 tháng đạt 3,2 tỷ USD).

Sau khi Vương quốc Anh gia nhập, các thành viên của CPTPP sẽ đóng góp 15% GDP toàn cầu, tương đương 12.000 tỷ bảng Anh. Điều đó cho thấy, đây là khối có tầm quan trọng chiến lược. Việc tham gia CPTPP mang tính toàn cầu và trở nên thú vị, không chỉ từ góc độ kinh tế và thương mại, mà còn từ góc độ chính trị và chiến lược.

Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp Vương quốc Anh và Việt Nam thực sự tận dụng được cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại và phát triển chuỗi giá trị của chúng ta trong khu vực liên kết ở cả Anh và Việt Nam” - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam kỳ vọng.

Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào các nước thành viên mới của CPTPP đạt được tăng trưởng cao. Mặc dù, một số thành viên khác có xuất khẩu giảm nhưng việc giảm là do khó khăn chung của kinh tế thế giới, do giảm tổng cầu, giá cả hàng hóa gia tăng, lạm phát ở nhiều nước khiến nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước giảm.

Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên, đây là Hiệp định tự do thế hệ mới, bao gồm các cam kết ở các lĩnh vực mà Việt Nam chưa cam kết bao giờ, như: Mua sắm Chính phủ, cam kết trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại phát triển bền vững… thì sau khi thực thi Hiệp định CPTPP, với sự chủ trì của Bộ Công Thương và thông qua phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng đã đôn đốc các bộ ngành xây dựng nhiều văn bản pháp luật để thực thi CPTPP. Đến nay, các bộ, ngành đã ban hành hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các cam kết của hiệp định này và cũng được các thành viên đánh giá cao trong việc Việt Nam rất nghiêm túc thực hiện các cam kết của CPTPP.

Trong quá trình thực thi CPTPP, Bộ Công Thương đang phối hợp với các thành viên hiệp định này có thể tiến hành rà soát những điều chưa được trong Hiệp định và khả năng nâng cấp Hiệp định này lên, đơn cử như cam kết để có lợi cho hàng hóa của Việt Nam và trong việc cam kết phát triển bền vững, đã phối hợp với các hiệp hội, cơ quan liên quan để phổ biến tới các doanh nghiệp, bởi xu thế là tiêu dùng xanh, sản xuất sạch, để khi xuất khẩu sang các nước phát triển, có thể đáp ứng được yêu cầu của các thị trường đó.

Đọc thêm