Mở thêm nhiều kênh hữu hiệu tiêu thụ sản phẩm OCOP

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Sau 5 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), số lượng OCOP đã vượt mục tiêu (10.000 sản phẩm) của giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến giữa tháng 12/2023, Việt Nam đã có 11.054 sản phẩm. Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc mở rộng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT).
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Ông có thể cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP đang được thực hiện như thế nào?

- Chúng tôi tập trung vào các kênh phân phối trong nước như Saigon Co.op, Central Retail hay các chuỗi bán hàng tiện lợi; Các chuỗi bán sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ cũng bắt đầu giới thiệu những sản phẩm OCOP, chưa kể các điểm bán sản phẩm OCOP cũng đã được phát triển rất mạnh, trong đó phải nhắc đến các điểm bán được đặt tại các điểm dừng chân trên các đường cao tốc.

Bên cạnh những điểm phân phối truyền thống thì việc xúc tiến ở các kênh thương mại điện tử (TMĐT) cũng đã được triển khai ngay từ sớm. Đặc biệt, cuối năm 2022 với sự ra đời của TMĐT trên nền tảng TikTok Shop thì chương trình OCOP cũng đã triển khai các phiên chợ livestream trên TikTok Shop Việt Nam. Trong năm 2023 chúng tôi đã triển khai được hơn 800 phiên và đã có doanh thu lên tới 100 tỉ. Tất nhiên con số này vẫn còn tương đối nhỏ nhưng đã tiếp cận đến hơn 300 triệu lượt người xem, góp phần quảng bá mạnh mẽ sản phẩm OCOP.

Trong năm 2023 chúng tôi cũng đã tổ chức 2 gian hàng OCOP ở nước ngoài, gồm một gian ở Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái và gian thứ 2 tại sự kiện đầu tháng 12 (từ ngày 2 - 12/12) tại Milan và đó là lần đầu tiên chúng ta có một không gian sản phẩm OCOP tại thị trường châu Âu.

Theo ông, xúc tiến thương mại tiêu thụ OCOP khác gì so với các sản phẩm thông thường?

- Có thể nói, đối với các sản phẩm OCOP, để có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới cũng như thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo ra được niềm tin cũng như sự ủng hộ của người tiêu dùng thì vấn đề “mấu chốt” đầu tiên chính là từ phía các chủ thể doanh nghiệp. Họ phải bảo đảm được chất lượng, không thể chỉ bằng lòng với việc giữ vững mà còn phải nâng cao hơn nữa chất lượng. Bên cạnh đó, các chủ thể phải quan tâm hơn nữa trong vấn đề xây dựng thương hiệu, khẳng định rõ thương hiệu của mình gắn với truy xuất nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn, chứng chỉ đã được đáp ứng.

Tuy nhiên, OCOP cũng có nhiều đặc thù khác với sản phẩm thông thường, do đó, để thực hiện xúc tiến thương mại, đầu tiên phải hiểu được bản chất của sản phẩm OCOP. Ví dụ, với sản phẩm trà Suối Giàng thì không thể phát triển thêm được vùng nguyên liệu bởi chúng ta chỉ có hơn 200 cây trà ở trên Hà Giang. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo thêm được giá trị cho chè Suối Giàng, làm sao tích hợp được vào đó giá trị văn hóa, giá trị môi trường, rồi định vị sản phẩm phù hợp với thị trường nào, từ đó sẽ có các kênh tiêu thụ và xúc tiến thương mại phù hợp.

Cụ thể hơn, tôi lại lấy ví dụ liên quan đến trà. Nếu như trước đây chúng ta chỉ sử dụng nguyên liệu là các dòng trà trung du chẳng hạn và hái vào thời điểm nắng to thì trà đó chỉ phù hợp làm trà truyền thống, do đó, chúng ta phải xúc tiến trên các hệ thống tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, khi mà chúng ta thấy được rằng phải tạo ra giá trị gia tăng, không chỉ bán 200 - 300 nghìn đồng/kg thì những người xây dựng nhãn hiệu chè Suối Giàng đã chế thành những sản phẩm khác như hồng trà, bạch trà, hoàng trà, có thể bán đến 1,5 - 2 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng/kg thì lúc đó chúng ta sẽ sang một kênh tiêu thụ khác. Và song song đó, chúng ta phải kể một câu chuyện về văn hóa, giá trị dinh dưỡng, về truyền thống... Chúng ta phải dùng những hình thức vừa là kết hợp trải nghiệm trực tiếp, vừa là tổ chức livestream giới thiệu sản phẩm. Như thế, sản phẩm sẽ đi vào được những thị trường cao cấp hơn...

TMĐT hiện nay đang bùng nổ, liệu đây có phải là một kênh hữu hiệu để xúc tiến tiêu thụ OCOP không, thưa ông?

- Trong bối cảnh hiện nay, đa phần Gen Z đều trải nghiệm tiêu dùng trên mạng xã hội rất nhiều, do đó chúng tôi cũng phối hợp với các nền tảng mạng xã hội để đẩy những chương trình livestream hỗ trợ cho các chủ thể nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Đối với sản phẩm OCOP thì thực sự chúng tôi thấy rằng việc kết hợp với mạng xã hội có tác dụng rất tích cực ở chỗ chúng ta có thể nói sâu về câu chuyện của sản phẩm. Thông qua livestream chúng ta kể những câu chuyện gắn với người dân bản địa, toàn bộ nguồn gốc sản phẩm…

Tôi đã từng thấy một clip về hái na của Chi Lăng thực sự mang lại cảm xúc. Chúng tôi nghĩ rằng toàn bộ những câu chuyện đó nếu đẩy lên được một cung bậc khác, tạo được giá trị thì sẽ có sự kết nối về mặt cảm xúc giữa người tiêu dùng, các chủ thể cũng như là người bán hàng. Lúc đó chúng ta không còn thuần tuý là sản phẩm mang tính giá trị sử dụng mà thực sự chúng ta còn bán được giá trị cảm xúc và trải nghiệm. Đó mới thực sự tạo ra được giá trị gia tăng và từ đó mới tạo ra được sự kết nối trung thành của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Đối với các cơ quan xúc tiến thương mại, chúng tôi cùng với Bộ Công Thương rất mong muốn tạo ra được đa kênh đó và phù hợp với từng dòng sản phẩm OCOP khác nhau; Chúng ta sẽ tạo ra những điểm cảm xúc để người tiêu dùng có thể hiểu biết hơn về sản phẩm và khi hiểu được thì nó sẽ có sự kết nối và tính trung thành của người tiêu dùng đối với sản phẩm nó sẽ được bảo đảm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm