“Mỏ vàng” hàng chục tỷ USD để ngỏ

Các hiệp định thương mại tự do – FTA được ví như những “mỏ vàng” trị giá hàng chục tỷ USD chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng như những mỏ vàng tự nhiên, việc thăm dò và khai thác mỏ thường chỉ dành cho những bản lĩnh cao cường.

Các hiệp định thương mại tự do – FTA được ví như những “mỏ vàng” trị giá hàng chục tỷ USD chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng như những mỏ vàng tự nhiên, việc thăm dò và khai thác mỏ thường chỉ dành cho những bản lĩnh cao cường.

Các mặt hàng có kim ngạch đạt 2 tỷ USD trở lên - Nguồn: Tổng cục Hải quan
Các mặt hàng có kim ngạch đạt 2 tỷ USD trở lên - Nguồn: Tổng cục Hải quan

Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ những năm đầu Việt Nam khởi động chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, và hôm qua – 24/10, một lần nữa được đề cập tại hội thảo “Hiệp định Thương mại Tự do FTA - tận dụng các ưu đãi và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội.

Con số được đưa ra tại hội thảo cho thấy,  mới qua 9 tháng, “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch  trên 1 tỷ USD trở lên đã có 21 thành viên, gồm: hàng dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; dầu thô, áy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện;  giày dép các loại; thuỷ sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê; gạo; cao su; xăng dầu các loại; xơ, sợi dệt các loại; sản phẩm từ chất dẻo; sắt thép các loại; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hạt điều; sắn và sản phẩm từ sắn; sản phẩm từ sắt thép.

Kim ngạch xuất khẩu của 21 mặt hàng này đạt 72,2 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng 30,5%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung (18,6%). Trong số những mặt hàng xuất khẩu, điện thoại và linh kiện là mặt hàng tăng trưởng nhanh nhất so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trị giá xuất khẩu 9 tháng của mặt hàng này là 8,63 tỷ USD, tăng tới 2,2 lần so với năm ngoái.

Trong tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm, tình hình trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, việc hình thành được một câu lạc bộ “khủng” như vậy quả là thành tích lớn. Tuy nhiên, tại hội thảo, các chuyên gia cũng thẳng thắn “lưu ý” về nhiều vấn đề, mà nổi lên vẫn là tính gia công còn cao, kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu còn lớn. Vì vậy, cần mở rộng mặt hàng, tập trung cho mặt hàng có kim ngạch lớn; mặt khác, quan trọng hơn là phải nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất, đẩy mạnh chế biến, phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm tính gia công…

Ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) kể, có doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam rất thích hoa Đà Lạt, đặt 5-10 container hoa, nhưng do chúng ta không đáp ứng được, nên họ chuyển sang thị trường khác. Những “cơ hội bị bỏ lỡ” như vậy đã từng xẩy ra đối với dệt may.Và câu chuyện trên một lần nữa nhắc lại, hội nhập thì đã lâu rồi mà các DN Việt Nam nhìn chung vẫn chưa tiếp cận với cách làm ăn lớn; chưa thực sự biết khai thác thị trường, khai thác lợi thế mức thuế suất ưu đãi từ các hiệp định FTA.

Ông Cường khuyến cáo, để “mang nhiều hơn nữa đô la về nhà”, các DN cần nghiên cứu kỹ các hiệp định FTA đã ký, nhằm tận dụng triệt để các cơ hội kinh doanh, lập kế hoạch chiến lược cụ thể để đáp ứng nhu cầu của đối tác….

Rõ ràng, các hiệp định FTA chỉ có thể được ký kết khi các bên cùng có lợi, hay nói cách khác là trên nguyên tác “win-win” (cùng thắng). Nhưng đó là trên bàn đàm phán, còn trên thực tế thì không phải lúc nào tỷ số cũng chia đều cho hai bên nếu không muốn nói là phần thắng chỉ dành cho người xuất sắc hơn.

Vì vậy, để tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế tối thiểu thách thức, đòi hỏi cả nền kinh tế, mà nhân vật chính là các doanh nghiệp một sự chuẩn bị và một tâm thế “thi đấu”, một “điểm rơi phong độ” tốt nhất có thể. Có được một bản lĩnh như vậy mới mong khai thác hiệu quả các “mỏ vàng” trị giá hàng chục tỷ USD mà các đối tác FTA mang lại khi mở cửa thị trường.

Việt Nam đã tham gia ký  kết vào 7 Hiệp định FTA (Hiệp định thương mại tự do) với các nước như: ASEAN, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Úc-New Zealand, ASEAN-Ấn Độ, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, ASEAN-Trung Quốc...

Mai Hoa

Đọc thêm