Như PLVN đã đưa tin, khoảng 8h30 ngày 5/8, tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ gần số 47 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ va chạm giao thông giữa một xe ô tô với một xe máy do 2 đối tượng điều khiển. Ngay sau khi xảy ra va chạm, đối tượng ngồi sau xe máy đã nhảy xuống xe, dùng dao nhọn đâm 2 nhát vào ngực trái và vai trái người lái ô tô làm anh này tử vong tại chỗ. Nạn nhân sau đó được xác định là anh Kiều Ngọc Thành (SN 1961, ngụ số 29 ngõ 442, xóm 6B, đường Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Xác định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, cơ quan điều tra đã tập trung tổ chức đồng bộ các biện pháp điều tra quyết liệt. Ngày 6/84, Phòng PC45 - CATP Hà Nội đã vận động và bắt khẩn cấp 3 đối tượng đều can tội giết người, gồm: Nguyễn Kim Bình (SN 1971, ngụ số 2, tổ 9, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội; đối tượng nghiện ma túy có 3 tiền án, 2 tiền sự); Hoàng Anh Tuấn (SN 1980, HKTT : thôn Xuân Sơn, Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội, tạm trú số 2, ngõ 110, đường Trần Duy Hưng, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội, đối tượng nghiện ma túy có 2 tiền án, 1 tiền sự); Lê Hồng Thuận (SN 1992, ngụ số 1, ngõ 40 phố Cự Lộc, P. Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, đối tượng có một tiền án, một tiền sự).
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập và lời khai của các đối tượng, lời khai của những người có liên quan, công an bước đầu đã xác định: Đối tượng Nguyễn Kim Bình quen biết với Nguyễn Quốc Văn (SN 1960, HKTT: số 20, tổ 55, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội). Văn đang nợ anh Thành (người vừa bị đâm tử vong) hơn 2 tỷ đồng.
Nhiều lần Bình đi cùng Văn đến nhà chủ nợ để giải quyết việc nợ nần nên đã chứng kiến cảnh xô xát. Đồng thời, do chủ nợ có thái độ xúc phạm Bình nên đối tượng đã bức xúc và thuê đối tượng Tuấn đánh dằn mặt với giá 30 triệu đồng. Tuấn đồng ý và rủ thêm Thuận cùng tham gia, thỏa thuận mỗi tên được hưởng 15 triệu đồng sau khi hoàn tất «hợp đồng».
Khoảng 6h30 ngày 4/8, Thuận điều khiển xe máy đón Tuấn đi đến nhà anh Thành. Sau khi xác định chính xác «mục tiêu», hai tên thống nhất sáng hôm sau sẽ thực hiện việc đánh dằn mặt. Khoảng 7h15 ngày 5/8, Thuận lại điều khiển xe máy đến đón Tuấn và tháo cất BKS xe máy để tránh bị phát hiện khi gây án. Sau đó, hai tên đi đến đường Phạm Văn Đồng, mang theo một con dao nhọn (loại dao phóng), phục chờ ở nhà anh Thành.
Khoảng 08h00, xác định anh Thành điều khiển xe ô tô đi ra phố Phạm Văn Đồng, hai tên lái xe bám theo, tạt xe vào đầu xe ô tô. Anh Thành bị bất ngờ, dừng xe lại, hạ kính bên cửa ghế lái xuống và nói « đi đứng kiểu gì thế », ngay lúc đó Tuấn nhảy xuống khỏi xe máy và chạy tới phía cửa ghế lái (lúc này anh Thành vẫn ngồi trên ghế lái xe ô tô), rút con dao giấu trong áo ra và đâm anh Thành liên tiếp 3 nhát gây tử vong tại chỗ.
Ngày 6/8, Phòng PC45 - CATP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Giết người và ra quyết định tạm giữ với 3 đối tượng Bình, Tuấn và Thuận, đồng thời khẩn trương củng cố tài liệu làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng và những người có liên quan. Đêm 7/8, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp thêm “con nợ” Nguyễn Quốc Văn để tiếp tục điều tra về hành vi chủ mưu.
PGS.TS Vũ Duy Yên phân tích: Các đối tượng do hám lợi trước mắt mà hành động không tính đến hậu quả
Trình tự thời gian, quá trình gây án và động cơ gây án của các đối tượng đã bước đầu được làm rõ, nhưng cần thiết phải làm rõ thêm mối quan hệ cùng có lợi giữa đối tượng Bình và con nợ Văn để đánh giá đúng bản chất và trách nhiệm hình sự của từng người.
Hành vi phạm tội của các đối tượng là đặc biệt nghiệm trọng, do hám lợi trước mắt mà hành động không tính đến hậu quả, kể cả kẻ chủ mưu do không kiềm chế bản thân mà hành động vi phạm pháp luật.
Động cơ gây án của đối tượng Văn là rõ nét nhất bởi nó xuất phát từ động cơ nội tâm, do làm ăn thua lỗ không có tiền trả nợ nên muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh bất lợi cho bản thân.
Với Bình ở vụ việc này, do không phải là người trực tiếp nợ tiền nạn nhân nên cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa Bình và Văn để xác định vai trò chủ mưu của Văn.
Bình, Tuấn, Thuận là những đối tượng có nhân thân xấu, lại nghiện ma tuý. Những đối tượng này thường không được hưởng sự giáo dục đầy đủ về nhân cách, dù có thể họ lớn lên trong một gia đình lương thiện hoặc môi trường học tập bình thường.
Tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ nằm ở thủ phạm mà còn nằm ở chính “yếu tố nạn nhân”, đã có thái độ xúc phạm đến đối tượng Bình trước đó. Vụ án phản ánh một hiện tượng xã hội tiêu cực, xuất phát chính từ mâu thuẫn được tích tụ trong đời sống của họ, thể hiện rõ mặt trái lối sống của một số thanh niên hiện nay.
Đồng tiền làm họ thiếu suy nghĩ, hành động không nghĩ đến hậu quả cho mình và cho xã hội. Họ giải quyết những mâu thuẫn bằng những hành vi có tính toán kỹ lưỡng nhằm loại bỏ quan hệ bất lợi cho cuộc sống của chính bản thân. Một bộ phận có những khuyết tật về nhân cách, nên khi có động cơ tiêu cực và gặp hoàn cảnh, môi trường thuận lợi họ có thể sa vào tội lỗi.
PGS.TS Hoàng Văn Chức bình luận: Tình huống này đúng với câu « cứu vật, vật trả ân, cứu nhân, nhân trả oán ».
Người đi vay không « trả ơn » còn « báo oán » : Người đi vay tiền (Văn) chắc phải có nhu cầu để làm gì đó nên mới vay tiền, tức là người cần sự giúp đỡ. Người cho vay tiền (nạn nhân Thành) đã cho Văn vay.
Về một khía cạnh nào đó, người đi vay phải hàm ơn người cho vay, phải trả ơn người cho vay. Ở đây, người đi vay thay vì «trả ơn» đã «báo oán» (thuê người giết người đã giúp mình). Điều này hoàn toàn ngược với đạo đức, truyền thống người Việt. Tình huống này đúng với câu chuyện «cứu vật, vật trả ân, cứu nhân, nhân trả oán» .
Những người được thuê đi «báo oán» : Chỉ có 30 triệu đồng mà đang tâm cướp đi sự sống của một mạng người, điều này biểu hiện tột cùng của sự tàn bạo, man rợ. Không lẽ một mạng người giá chỉ có 30 triệu đồng?
Có thể trong điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường, có nhiều điểm xã hội tốt lên, nhưng cũng không ít điều con người phải đối mặt với những mất mát, thay đổi theo chiều hướng xấu, như phân hóa giàu nghèo, các tệ nạn xã hội (nghiện hút, mại dâm), thất nghiệp.v.v. Vụ án này là hệ lụy xấu của nền kinh tế thị trường.
Với người cho vay: Nếu cho vay với nghĩa vô tư giúp nhau mà bị đâm chết thì thật là đáng thương. Còn nếu như cho vay mà không vô tư (vay nặng lãi, bắt bí...) thì người Việt có câu: «tham thì thâm».
TS. Hoàng Thị Nga cho rằng : Giải quyết mâu thuẫn theo kiểu « xã hội đen » do tâm lý háo thắng, yêng hùng
Đây là mâu thuẫn cá nhân giữa Văn và nạn nhân trong làm ăn kinh tế. Với tâm trạng bực bội, nóng giận, người quen của Văn là Bình đã giúp đỡ bằng cách giải quyết mâu thuẫn theo kiểu "xã hội đen”, thuê 2 người đã từng có tiền án, tiền sự và nghiện hút dằn mặt anh Thành. Chúng hành động liều lĩnh, gây án có tính chất côn đồ, manh động, ngang nhiên, hung hãn. Hậu quả anh Thành tử vong ngay tại nơi gây án.
Câu chuyện tương tự như trên đã xảy ra ở một số địa bàn khác trên phạm vi cả nước. Có thể nói đây là một hiện tượng xã hội nảy sinh trong xã hội hiện đại. Xung đột cá nhân, nhóm được giải quyết theo kiểu “xã hội đen”. Những hành vi, hành động đi chệch khỏi các quy định của Luật pháp, các giá trị, các chuẩn mực và các quy tắc xã hội đó chính là sự sai lệch xã hội.
Một số nguyên nhân
Nguyên nhân chủ quan là từ chỗ trình độ văn hoá thấp kéo theo mức độ nhận thức, hiểu biết pháp luật, tôn trọng chấp hành pháp luật còn rất hạn chế; nhiều trường hợp bị can gần như không biết gì về pháp luật nghiêm cấm; hoặc nếu có thì hiểu hết sức đơn giản, mơ hồ, cứ hành động theo ý mình, có khi vì thoả mãn các nhu cầu nhỏ nhặt trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả pháp lý phải gánh chịu, đến khi phạm tội bị bắt, được cán bộ điều tra giải thích mới biết và hoảng sợ, ân hận.
Trong trường hợp này, tội phạm là thanh niên đã bộc lộ đúng tâm lý lứa tuổi. Đó là sự háo thắng, thể hiện máu “yêng hùng”, sẵn sàng sử dụng bạo lực như một loại vũ khí vạn năng để thể hiện mình, giải quyết mâu thuẫn. Đặc điểm này thể hiện ở các loại tội như: cố ý gây thương tích, giết người...
Ngoài ra là sự tác động của những nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường với các loại tệ nạn xã hội, các loại sách báo, phim ảnh có nội dung không lành mạnh, đồi truỵ, bạo lực...