Mỗi đồng doanh thu vải thiều “cõng” 40% chi phí logistics

(PLVN) - Con số đáng suy ngẫm nêu trên được công bố tại diễn đàn logistics Việt Nam 2019 với chủ đề “Logistics nâng cao giá trị nông sản” vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
Vụ vải thiều Bắc Giang 2018 đem lại khoản doanh thu 5.000 tỷ thì trong đó dịch vụ logistics đã chiếm 2.000 tỷ
Vụ vải thiều Bắc Giang 2018 đem lại khoản doanh thu 5.000 tỷ thì trong đó dịch vụ logistics đã chiếm 2.000 tỷ

Chi phí gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển

Tại diễn đàn, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho biết, một trong những giải pháp để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực thì cần phát triển ngành logistics.

Tuy nhiên, nút thắt của ngành Nông nghiệp là khâu chế biến khi chỉ có 7.700 cơ sở chế biến công nghiệp, phần lớn quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở TP HCM và Hà Nội, không đủ sức để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản khắp các vùng sản xuất nông nghiệp, đồng thời làm gia tăng chi phí cho nông sản.

Chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% giá trị hàng hóa, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 60%. Chi phí logistics cho rau quả chiếm 30% và tương đương với gạo. Ví dụ tổng giá trị xuất khẩu gạo năm 2018 là 3,1 tỷ USD thì chi phí logistics đã chiếm tới khoảng 1 tỷ USD, làm tăng giá nông sản, giảm khả năng cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cùng nhận định, cho rằng Việt Nam đã chủ động hội nhập để phát triển kinh tế, nhưng chưa bền vững, có tham gia giá trị toàn cầu nhưng chưa sâu. “Nông sản Việt đã đi đến 185 nước trên thế giới với giá trị 42,5 tỷ USD năm 2018. Có điều chúng ta đi chợ thế giới nhưng đi bằng sản phẩm thô, nặng (trung bình xuất khẩu 40 đến 50 triệu tấn hàng/năm) và ngắn vì chủ yếu tập trung vào thị trường liền kề như Trung Quốc. Ngắn ở đây là do vận chuyển hàng nặng nên không đi dài được”, ông Cường nói. 

Nhiệm vụ của logistics là phải làm cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đi dài hơn đến nhiều thị trường ở xa về địa lý, đi sâu hơn về giá trị kinh tế. Mục tiêu của nông sản Việt Nam là sẽ đi sâu vào chuỗi giá trị và hợp lý hơn.

Theo ông Cường, phải hiểu rằng logistics là nhiệm vụ của tất cả mọi người, là chuỗi ngành kinh tế tổng hợp nên các ngành, kể cả nông dân, lái xe phải bắt tay vào cùng làm... Đây là sự quan tâm phối hợp, không một người nào có thể giải quyết được mà phải có 3 trục: Chính phủ, Hiệp hội Ngành hàng và toàn dân.  

“Thực tế sức sản xuất nông nghiệp của chúng ta rất tốt nên mới có câu chuyện cái gì cũng thừa. Tuy nhiên, giá trị gia tăng chưa cao nên nông dân chưa giàu nhiều”, ông Cường lấy ví dụ, cây vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) mùa vụ vừa qua đem lại khoản doanh thu 5.000 tỷ thì trong đó dịch vụ logistics đã chiếm đến 2.000 tỷ.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đưa ra nhận xét cho rằng chi phí để 1kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1kg tôm từ Ecuado (châu Mỹ) về Việt Nam.

Theo ông Tuấn Anh, vai trò của hoạt động dịch vụ logistics là một trong những yếu tố quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần gia tăng thương mại, đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu…

Thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao, 13-15%. Số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện khoảng 4.000, gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải...  Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics còn yếu, nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...

Giao thông chưa đáp ứng được việc vận chuyển hàng hóa 

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nói đến logistics là nói nhiều đến giao thông, nên vấn đề đặt ra cho ngành Giao thông rất nặng nề. Đến nay giao thông chưa đáp ứng được việc vận chuyển hàng hoá của ngành Nông nghiệp.

Hiện Việt Nam có khoảng 50 tuyến vận tải hàng không trong nước và khoảng 130 tuyến vận tải hàng không quốc tế. Ở Việt Nam đã có đội tàu bay chở hàng đông lạnh nhưng là của một số hãng hàng không nước ngoài; còn các hãng hàng không Việt Nam chưa có.

Khoảng 64% nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long và 75% số nông sản ở đây là vận chuyển lên các cảng của TP HCM là bằng đường thuỷ nội địa. Thế nhưng, cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại chưa có cảng lớn để xuất khẩu nông sản đi quốc tế và các khu vực khác trong nước, đó là một bất lợi.

Để phát triển logistics phục vụ cho chuỗi giá trị nông sản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải (Bộ Công Thương) thì cho rằng, cần đưa yếu tố “lạnh” vào chuỗi này, tức là xây dựng và phát triển các trung tâm logistics có các kho bảo quản lạnh để giữ cho nông sản tươi lâu hơn khi tới tay người tiêu dùng.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 đã xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ nói chung phải cao hơn tốc độ tăng GDP và trong phát triển dịch vụ ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hiện đại và có tính hội nhập quốc tế, trong đó có dịch vụ logistics. Thủ tướng cũng ra Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh logistics tới năm 2025.

Tuy nhiên, thực trạng ngành kinh tế này ở Việt Nam đang “ngược” so với thế giới khi chi phí xã hội bỏ ra cao (chiếm khoảng 20% giá trị hàng hóa) nhưng đóng góp cho GDP thì lại không tương xứng, ước chỉ 2 - 3% - NV).

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng cho rằng việc Chính phủ thúc đẩy logistics và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn có ý nghĩa quan trọng với việc giảm chi phí, giá thành hàng hóa nói chung, trong đó có nông sản và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Về hạ tầng để phát triển logistics, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung hoàn thiện kết nối Bắc - Nam, ưu tiên cho cao tốc đường bộ tới từng tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025. Bên cạnh đó là quan tâm tới kết nối Đông - Tây để sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đường bộ, cảng biển của các vùng và cả nước cũng như các quốc gia trên hành lang kinh tế  Đông - Tây,...

Đọc thêm