Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ở kỳ họp thứ 10 sáng nay (3/11), đây là một sự cố gắng vượt bậc, cả hệ thống chính trị và toàn dân, bởi vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu hecta rừng. Lúc đó hệ số che phủ chỉ 27% mà trong vòng 30 năm một đất nước GDP còn thấp như vậy, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường.
Chính vì thế, về nguyên liệu trong 4,3 triệu ha rừng, chúng ta đã sản xuất nguyên liệu 30 triệu m3 để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến, năm nay chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD tiền lâm sản.
Còn rừng tự nhiên thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn có chính sách để bà con giữ hơn 1 triệu hecta rừng có chế độ ngày càng được tăng lên. Trước đây, chúng ta 50.000 hecta khoán khoanh nuôi bảo vệ. Bây giờ nâng lên 250.000 hecta, nhưng Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu ha nữa thì mới đảm bảo từng bước một cho chất lượng, khu vực 10,3 triệu hecta khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên chúng ta phát triển, cùng với đó là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
|
Nhiều ĐBQH quan tâm vền vấn đề phát triển rừng tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ XIV. |
Mỗi năm chúng ta cũng xã hội hóa thu được 3000 tỷ đồng. Ngày 20/10/2020 Việt Nam chính thức ký với đối tác về carbon của thế giới, chúng ta bán được 10 triệu m3 CO2, 1 m3 là 5 USD. Thế giới thừa nhận, Việt Nam tham gia sự phát triển bền vững và nếu được chỗ này chúng ta được hơn 1.000 tỷ đồng nữa của 6 tỉnh miền Trung. Đây cũng là cam kết của Việt Nam, chứng tỏ rằng Việt Nam quyết tâm đi theo con đường phát triển bền vững.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra, mặt trái của vấn đề ở đây là trong 30 năm phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì thời gian quá ngắn. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu hecta rừng của miền Trung thì bây giờ phục hồi phải từng bước, kể cả rừng tự nhiên cũng phải từng bước thì mới đạt hệ số che phủ theo kiến tạo như ngày xưa của tự nhiên.