TS Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Phải biết đổi mới tư duy và nắm bắt quy luật
Trong quá trình xây dựng đất nước hùng cường, yếu tố lãnh đạo, chỉ đạo - tức là Đảng phải thực sự “là đạo đức, là văn minh”, cán bộ, đảng viên phải thật sự “thanh khiết và thân dân” như Bác Hồ đã từng nói là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất đối với sự thịnh vượng của đất nước. Điều này đặt ra cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có năng lực lãnh đạo và trình độ quản lý cao; phải nhạy bén, sáng tạo, hết lòng, hết sức phụng sự cho chế độ. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu Đảng, Nhà nước không chỉ có tâm, có tầm mà đặc biệt phải chú trọng phương pháp cách mạng hiện nay là mở tầm viễn kiến, đổi mới tư duy và nắm lấy quy luật; biết đúc kết bài học kinh nghiệm của Đông, Tây, kim cổ, học hỏi và tham chiếu vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới trong bối cảnh mới hiện nay.
Bên cạnh đó, Đảng cần phải khơi dậy, làm thấm đẫm khát vọng phát triển phồn vinh cho mỗi người dân Việt Nam - đặc biệt là cho thế hệ trẻ Việt Nam - trong nỗ lực phát huy trí tuệ, năng động, sáng tạo, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội là vô cùng cần thiết. Từ nền tảng người dân giàu có thì nước mới mạnh và hùng cường được. Muốn vậy, phải phát huy tối đa sự đồng thuận đoàn kết của Nhân dân; thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế nguyên tắc dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để mỗi người dân là một động lực xây dựng và phát triển đất nước.
Để tiếp tục xây dựng đất nước hùng cường, những giải pháp thực hiện đã được Đảng nêu ra và cần thấm nhuần trong ý chí và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Mấu chốt nhất là “vấn đề kinh tế phát triển” để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Vì vậy, Đảng chủ trương phải tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo hướng phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, trọng tâm là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục phát huy kết quả đạt được nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, tăng cường hội nhập, quan hệ quốc tế một cách sâu rộng, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; phát huy thế mạnh của 6 vùng kinh tế - xã hội, thực hiện chuyên môn hóa sản xuất, bảo đảm sinh kế bền vững, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số ít người; nâng cao năng lực quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm công bằng xã hội và an ninh con người; tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là quyền là chủ và làm chủ của Nhân dân.
Giải pháp mang tính “then chốt của then chốt” là công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ kế tiếp nhau trong mục tiêu Việt Nam hùng cường. Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, lý luận, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “lộng quyền”, “lạm quyền”, “chuyên quyền”, “cậy quyền”, “cua cậy càng, cá cậy vây”, không bị “Tây hóa”, “tha hóa”, “thoái hóa” trong đội ngũ nhằm hướng đến một nền công vụ liêm chính, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển Đặng Huy Đông: Cần đô thị hóa có kiểm soát
Ông Đặng Huy Đông. (Ảnh: PV) |
Mọi quốc gia trở nên thịnh vượng, phát triển tốc độ cao đều phải phát triển đô thị. Chúng ta không bỏ rơi nông thôn, chính sách những năm qua của chúng ta phát triển song song, đồng hành, không bỏ rơi nông thôn và không quên nông nghiệp. Điều này vô cùng quan trọng, là nền tảng giữ vững ổn định xã hội. Nhưng để tăng tốc và phát triển thì phải từ đô thị. Tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều chứng minh điều đó và ở nước ta, cần xác định phải phát triển hai đầu tàu kinh tế là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cho nên, cần đô thị hóa có kiểm soát, không phải đô thị hóa tràn lan. Đô thị hóa có kiểm soát là phải theo đồ án quy hoạch rất sáng tạo, văn minh, hiện đại, kết hợp với các giải pháp để triển khai thực hiện như phát triển đường sắt đô thị. Đây là điểm mấu chốt cho một đô thị phát triển bền vững, đường sắt đô thị sẽ phát thải carbon thấp, một đô thị đáng sống, một đô thị không tắc đường, một đô thị thân thiện với du khách thì trước hết chúng ta phải làm được việc này.
Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị WEF Davos 2024 vừa qua rằng, không một quốc gia nào phát triển nếu tiếp tục làm theo tư duy cũ, theo cách cũ. Chúng tôi đề xuất là phải tiếp cận theo tư duy mới, cách làm mới. Trước đây, chúng ta từng có bài học thành công là năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã ra nghị quyết về mở cửa, đổi mới, thay đổi cơ chế... và chúng ta đã bứt phá như hiện nay.
Để đất nước chúng ta tiếp tục bứt phá thì việc đầu tiên phải quan tâm là cơ chế, cơ chế và cơ chế. Thể chế, khung thể chế về kinh tế, quản lý kinh tế phải thay đổi, để phù hợp với trình độ phát triển đất nước hiện nay khi chúng ta bước vào giai đoạn là quốc gia có thu nhập trung bình. Cơ chế cũ của chúng ta phục vụ cho một nước đang phát triển bứt phá lên vào ngưỡng thu nhập trung bình. Cơ chế đó tốt rồi nhưng nếu tiếp tục giữ lâu hơn nữa thì sẽ cản trở đất nước.
Sau cơ chế là phải điều hành triển khai, phải phân cấp. Ở địa phương, tôi không đề xuất phân cấp đại trà nhưng địa phương nào có năng lực quản lý tốt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì cần đẩy mạnh. Năng lực cán bộ ở các địa phương này không thua kém gì cán bộ ở các Bộ, ngành Trung ương thì chúng ta hãy tin tưởng họ, mạnh dạn trao quyền, phân cấp, phân quyền, kể cả cho cơ chế áp dụng những gì mới nhất, hay nhất, tốt nhất cho các TP mà pháp luật chưa có hoặc khác với những quy định của pháp luật hiện hành.
TS Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam: Phát huy nội lực và động lực tăng trưởng mới
Ông Lê Duy Bình. (Ảnh: PV) |
Cùng với những tiêu chí về phát triển nhanh, phát triển số thì tiêu chí về quốc gia hiện đại, có thu nhập cao là một chỉ số cho thấy Việt Nam là một đất nước hùng cường. Từ nay đến năm 2030, 2045 là một khoảng thời gian không dài, bởi vậy cần có những hành động ngay từ bây giờ, phải đặt ra những mục tiêu, quyết tâm ngay.
Để trở thành một quốc gia hùng cường, chúng ta cần tăng trưởng GDP cao. GDP phải phát triển bền vững, lâu dài từ việc phát huy nội lực trong nước. Bên cạnh sự tăng trưởng về GDP, nền kinh tế Việt Nam phải có một sức chống chọi lớn trước những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và những yếu tố ngoại cảnh.
Cùng với đó, không nên chỉ hoàn toàn dựa vào xuất nhập khẩu như hiện nay, mà phải có nhiều yếu tố để phát huy sức mạnh nội sinh của nền kinh tế như nhu cầu trong nước; phát triển thị trường 100 triệu dân trở thành trụ cột quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế nước ta. Ngoài ra, chú trọng sự đầu tư của khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là trong việc tạo ra việc làm, giá trị gia tăng, sản lượng cho nền kinh tế trong nước. Như vậy, đầu tư ở trong nước sẽ cần được nhấn mạnh hơn, vai trò các doanh nghiệp trong nước cũng cần được chú trọng hơn; tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, làm giảm bớt chi phí logistic, giảm bớt chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Về khía cạnh nguồn nhân lực, đây là một yếu tố thiết yếu để chúng ta xây dựng một đất nước hùng cường về mặt kinh tế. Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, cần chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực có kỹ năng cao chứ không đơn thuần vì bằng cấp.
Kinh tế xanh, kinh tế số là một xu thế toàn cầu và là một yêu cầu bắt buộc của thị trường nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời trở thành một năng lực mang yếu tố nội tại, nội sinh của các doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam. Trước đây, chúng ta sử dụng công cụ nâng cao động lực tăng trưởng mang tính truyền thống như đầu tư, xuất nhập khẩu thì bây giờ để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, lâu dài và có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững, chúng ta cần phải có động lực tăng trưởng mới. Những động lực này có thể đến từ nền kinh tế số, tăng trưởng xanh và để có thể làm được điều đó cần có những sự đổi mới về mặt tư duy, xây dựng pháp luật.