Tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc: Sức mạnh nội sinh xây dựng đất nước hùng cường

(PLVN) - Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam luôn gắn với các cuộc chiến tranh giành lại độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Chính lòng yêu quê hương, Tổ quốc đã làm nên sức mạnh nội sinh không bao giờ vơi cạn, bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của đất nước qua mọi giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
Tinh thần yêu nước là sợi dây kết nối, đoàn kết mọi người dân Việt Nam. (Ảnh: Thượng cờ Tổ quốc tại chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nguồn ảnh: Cổng TTĐT CA Quảng Bình)
Tinh thần yêu nước là sợi dây kết nối, đoàn kết mọi người dân Việt Nam. (Ảnh: Thượng cờ Tổ quốc tại chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nguồn ảnh: Cổng TTĐT CA Quảng Bình)

Lòng yêu nước luôn thường trực trong trái tim

Ngay từ khi Nhà nước Văn Lang ra đời cho đến nay, dân tộc ta đã đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách. Không chỉ phải chống giặc ngoại xâm, mà còn phải chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh… Tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, chúng ta không thể quên câu nói lẫm liệt, đầy khí tiết của Bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, dựng nền độc lập, chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập còn thể hiện hùng hồn trong lời thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt; quyết liệt, mạnh mẽ trong lời kêu gọi “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” của Hoàng đế Quang Trung.

Trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, nếu yêu nước là “chìa khóa vàng” để mở ra khối đại đoàn kết toàn dân thì tinh thần đoàn kết lại làm nền tảng và phong phú thêm tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính. Phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang góp phần to lớn tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Từ tinh thần đại đoàn kết, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động đã ngày càng ngấm sâu vào đời sống xã hội, tạo nên sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân”. Đặc biệt, vào thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong công tác bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân đã tạo nên sức mạnh đoàn kết cùng nhau chiến thắng dịch bệnh và chắc chắn hiện nay, tinh thần ấy cũng sẽ kết thành sức mạnh để đất nước nhanh chóng phục hồi “hậu COVID-19”.

Có thể nói, từ thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung..., đến thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước luôn thường trực trong trái tim, tình cảm của mỗi người dân đất Việt, làm nên một sức mạnh kỳ diệu, giúp nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn; nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...”.

Tình yêu nước nảy sinh một cách tự nhiên trong mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng để rồi lớn dần thành Chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thôi thúc mỗi người sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ Tổ quốc. “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”..., từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào cách mạng đã bùng lên mạnh mẽ, lớp sau tiếp nối lớp trước như sóng biển Đông cuộn trào. Bởi lẽ, với mỗi người dân Việt Nam, tình yêu Tổ quốc cũng giản dị như tình cảm dành cho mẹ - cha, nồng nàn như dòng máu đỏ đang chảy trong tim mình: “Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Sao chiến thắng - Chế Lan Viên)…

Từ các phong trào cách mạng, nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa yêu nước đã đi vào lịch sử. Sự hy sinh anh dũng, chí khí quật cường của chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi, hay những anh giải phóng quân “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ” đã làm nên một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” và mãi tới mai sau.

Nguồn lực mạnh mẽ xây dựng đất nước

Trong nhiều văn kiện, Đảng ta tiếp tục khẳng định tinh thần yêu nước là một nhân tố quan trọng tạo thành động lực phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Nội dung này được Đảng ta nhắc đến nhiều lần, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phát huy giá trị của chủ nghĩa yêu nước, gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc phải trở thành nguồn lực, một sức mạnh quốc gia, có thể thành lợi thế so sánh trên trường quốc tế để xây dựng đất nước hùng cường.

Hình ảnh về một Việt Nam năng động, đoàn kết, hòa hiếu và có trách nhiệm với quốc tế đã, đang và sẽ không ngừng vươn xa, lan tỏa tới những vùng đất ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới. Thực lực quốc gia Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Mới đây, phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tham dự Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trích dẫn câu nói của Albert Einstein: “Luật hấp dẫn không chịu trách nhiệm về việc con người ta yêu nhau”. Chủ tịch nước cho rằng, sức hút của Việt Nam có lẽ đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hòa hiếu, mến khách, sự cầu thị học hỏi và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị vững bền.

Yêu nước trước hết thể hiện ở niềm tin yêu Đảng và chế độ; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; biết trân trọng những giá trị của thành quả cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, tình yêu nước còn thể hiện ở ý thức trách nhiệm với công việc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Yêu nước không chỉ là tình cảm nguồn cội: “Hằng năm ăn đâu, làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”, mà còn đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo, giúp đồng bào mình ứng phó với khó khăn, nghịch cảnh. Yêu nước là biết yêu những sản phẩm của người Việt, để phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” lớn dần và lan rộng tới mọi miền Tổ quốc, thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển, qua đó từng bước tạo dựng thương hiệu, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, là nỗ lực mỗi ngày để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “để sánh vai với các cường quốc năm châu” như di nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Trong mỗi thời kỳ lịch sử, dù điều kiện và tư tưởng có khác nhau, nhưng lòng yêu nước luôn hướng tới mục đích duy nhất là bảo vệ non sông, bờ cõi, gìn giữ nền độc lập, bảo vệ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quốc gia. Những tình cảm thiêng liêng đó luôn xuất phát từ lý do rất gần gũi, giản dị, như lời bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm: “Đất nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ/Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/Làm nên đất nước muôn đời”.

Cùng bạn đọc!

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời tuyên bố đanh thép, hùng hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước quốc dân đồng bào và thế giới vào buổi chiều mùa Thu lịch sử 78 năm trước đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), Báo Pháp luật Việt Nam ra số đặc biệt (từ số 244 đến 248) với chủ đề “Thiêng liêng hai tiếng Độc lập” gồm nhiều bài viết đặc sắc khẳng định những giá trị trường tồn của dân tộc cùng khát vọng đất nước giàu đẹp và thành tựu đổi mới về kinh tế - xã hội của các địa phương. Chúc Quý độc giả có kỳ nghỉ lễ vui vẻ, hạnh phúc, an toàn.

PLVN

Đọc thêm