Mối nguy hiểm từ tàn dư IS

(PLO) - “Sự thất bại của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq không có nghĩa là tổ chức khủng bố này không còn khả năng gây tổn hại”. Đó là phân tích của giáo sư chuyên ngành tội phạm học Alain Bauer, đăng trên báo Le Figaro số ra gần đây. 
Dù thất bại trên thực địa, IS dường như rất mạnh mẽ trong thế giới ảo

Tại Syria cũng như Iraq, quân đội chính phủ và quân đồng minh đang giành được những chiến thắng lớn trước IS. Tuy vậy, lãnh thổ vẫn đang bị "chia năm xẻ bảy" dưới bàn tay của những lực lượng đồng minh khác nhau như chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad (được sự hỗ trợ của Nga và Iran), phe nổi dậy (với sự hậu thuẫn của các nước phương Tây)...

Cho dù IS đã yếu đi nhưng vẫn chiếm giữ nhiều vùng đất rộng lớn. Và cũng như ở Afghanistan, cuộc chiến sẽ vẫn tiếp diễn khi mà các bên dường như không thể bỏ qua những mối "hận thù thiên niên kỷ". 

Ở phương Tây, sự bình lặng tạm thời trong thời gian gần đây đang gây ra một sức ì nhất định. Người ta đang chuẩn bị giảm dần sự canh gác và các chi phí an ninh, kéo theo việc "hạ nhiệt" các hoạt động tuần tra cho dù thường không có nhiều tác dụng nhưng lại làm yên lòng công dân. 

Tuy nhiên, đang tồn tại một thế lực Hồi giáo cai trị khác, ảo nhưng đầy sức mạnh, phân cấp nhưng lại tập trung các nguồn lực khó có thể bị nắm bắt. Abu Bakral-Baghdadi, thủ lĩnh IS hiện nay đang được cho là bị thương và ẩn náu ở đông-bắc Syria, đã thành công trong việc tạo ra sự cai trị kép trên thực địa và trên mạng Internet. 

Kể từ giữa năm 2016, hầu như không có cuộc tấn công khủng bố nào ở phương Tây, chủ yếu là do hoạt động hiệu quả của các lực lượng tình báo. Tuy vậy, các quốc gia đang đứng trước thách thức về những thay đổi trong tương lai của IS. Cho đến nay, không hề có hồ sơ rõ ràng nào về chân dung những kẻ điều hành trên mạng, hầu như không có điểm chung nào với các tổ chức khủng bố trước đó.

Nếu tàn dư của IS không bị tiêu diệt triệt để, còn có thể có nhiều thảm cảnh như từng diễn ra

Mặt khác, IS là tổ chức có lãnh thổ lớn nhất, số lượng cư dân cao nhất, số tay súng cũng như phụ nữ thánh chiến đông nhất trong lịch sử khủng bố. Vì vậy, nếu tàn dư của IS không bị tiêu diệt triệt để, có thể con người trong tương lai sẽ phải trải qua những thảm cảnh đã từng diễn ra trong quá khứ. 

Sau những trận chiến, một phần đối tượng khủng bố ở lại quê nhà vì lý do cá nhân hoặc gia đình. Những tàn quân khác, như trước đây ở Algeria, Kosovo, Chechnya, Afghanistan, Philippines hay Dagestan, tiếp tục lẩn trốn và chiến đấu vì lý tưởng mù quáng. Một số quyết định trở về nhà với những chấn thương tâm lý và tâm thần đáng lo ngại. Nhất là những người trẻ tuổi và phụ nữ, họ trở thành những "quả bom nổ chậm" đầy nguy hiểm. 

Như trong các xung đột trước đó, thật sai lầm khi tin rằng các hiện tượng "phi cực đoan hóa" là không thể tồn tại. Tuy nhiên, nó chỉ có thể thành công nhờ ý chí cá nhân của mỗi người. Cho đến nay, các quốc gia, đặc biệt ở phương Tây, vẫn đang lúng túng trong việc xác định một chính sách hành động rõ ràng và hiệu quả. 

Cho dù thất bại trên thực địa, IS dường như rất mạnh mẽ trong thế giới ảo. Những "kẻ truyền giáo" luôn có mặt và những phần tử trung thành cũng không hề vắng bóng. Thậm chí, có những kẻ sẵn sàng hành động một mình, cho dù thất bại dẫn đến cái chết nhưng lại có tác động mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông. Những kẻ khác vẫn không ngừng cố gắng tạo dựng các nhóm hậu cần hoặc hành động khủng bố, vì niềm tin mù quáng rằng đó là bổn phận của chúng.