Trong đó, các tỉnh trọng điểm miền Bắc như Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội chiếm tỷ lệ cao số người tử vong do bệnh dại.
Năm 2018, cả nước có 103 ca tử vong do bệnh dại, thì miền Bắc ghi nhận 58 ca, 7 tháng đầu năm 2019 cả nước ghi nhận 46 ca tử vong thì miền Bắc ghi nhận tới 30 ca. Tính từ năm 2013 - 2019, cả nước đã ghi nhận 563 ca tử vong do bệnh dại.
Điều đáng nói là năm 2018, tình hình bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại là 103 tăng hơn so với năm 2017 gần 40%. Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng đàn chó nuôi trên cả nước ta hiện có khoảng 8-10 triệu con. Năm 2017 số chó được tiêm phòng dại chỉ đạt 3,7 triệu con, chiếm 51% tổng đàn; năm 2018 có 4 triệu con được tiêm phòng, chiếm 55%. Tỷ lệ này còn rất thấp, chưa đạt được độ bao phủ phòng bệnh trên tổng đàn chó. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, bệnh dại trên đàn chó đã ghi nhận ở 22 tỉnh, thành cả nước.
Nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức của chủ nuôi chó còn hạn chế, không cho chó đi tiêm phòng hoặc điểm tiêm phòng quá xa gây bất tiện cho các hộ gia đình, chó ra đường thả rông, không được rọ mõm…
Điều nguy hiểm nhất là khi bị chó cắn, người dân chủ quan là chó nhà mà không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn hoặc sử dụng các loại thuốc nam để chườm đắp hoặc uống… đến khi lên cơn dại thì không thể cứu chữa.
Theo một khảo sát tại 13 huyện ở Phú Thọ từ năm 2015-2017 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho thấy, trẻ dưới 15 tuổi bị chó cắn chiếm tới 15%, tức là cứ 2 trẻ thì có 1 trẻ bị chó cắn. Có trẻ bị chó cắn nhưng không dám nói với cha mẹ, đây là nguyên nhân đau lòng dẫn tới bệnh dại ở trẻ.
Các chuyên gia nhận định, nguy cơ gia tăng bệnh dại trong thời gian tới là rất cao do tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó đạt thấp, truyền thông về bệnh dại chưa nghiêm túc, công tác quản lý đàn chó tại địa phương chưa thực hiện tốt, ý thức tiêm phòng của người dân chưa cao, chủ quan không tiêm khi bị chó nhà cắn, thậm chí các điểm tiêm vaccine quá xa khu người dân sinh sống hoặc có thời điểm thiếu vaccine...
Hiện vaccine phòng bệnh dại trên người ở nước ta đều là vaccine nhập khẩu và là vaccine dịch vụ. Có hai loại vaccine chính là của Pháp và Ấn Độ. Giá của cả kháng huyết thanh và vaccine khoảng 1,5-2 triệu đồng/liều.
TS Pawin Padungtod, cố vấn kỹ thuật cao cấp, Trung tâm khẩn cấp kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới (tổ chức FAO), cho biết, để phòng bệnh dại lây truyền từ động vật sang người, tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn chó phải đạt ít nhất 70-80%, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt trên 50% - con số này còn rất thấp, không đạt bao phủ độ miễn dịch cho tổng đàn.
“Việc tiêm phòng dại là trách nhiệm của chủ nuôi chó, còn cơ quan quản lý phải đảm bảo nguồn cung vaccine luôn sẵn có để đảm bảo việc tiếp cận nguồn vaccine của người dân”, TS Pawin Padungtod nhấn mạnh.
Theo TS Pawin Padungtod, việc quan trọng nhất trong phòng bệnh dại là chủ nuôi chó vẫn phải có ý thức và trách nhiệm cho chó đi tiêm phòng và cấp huyện phải luôn đảm bảo có đủ vaccine để tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó.
Ở Việt Nam, tổng đàn chó được nuôi nhiều ở vùng nông thôn, đa số vẫn thả rông, không rọ mõm, nên việc đưa chó đến các điểm tiêm gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện, nên TS Pawin Padungtod gợi ý, Việt Nam có thể tăng cường các đội tiêm phòng di động hoặc tổ chức các điểm tiêm phòng gần với nơi sống, nơi ở của người dân để họ có thể dễ dàng đưa chó đi tiêm phòng.
Trên thế giới, bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi xuất hiện các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật. Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị động vật cắn.
Theo các chuyên gia y tế, các loài động vật lây truyền bệnh dại sang người hiện nay chủ yếu là chó (chiếm 85%), sau đó là mèo (12%), đến chuột và các loài động vật khác.
Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp gồm: tiêm vaccine dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn và tiêm vaccine đầy đủ cho chó.
Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, trách nhiệm việc đảm bảo tiêm phòng đầy đủ để đạt tỷ lệ bao phủ phòng bệnh trên tổng đàn chó, được giao cho chính quyền địa phương, gần nhất là cấp huyện để đảm bảo luôn có sẵn vaccine, đồng thời đảm bảo đối tượng trên tổng đàn được tiêm phòng đầy đủ.
Đặc biệt, việc đưa chó đến các điểm tiêm phòng hoàn toàn phải là trách nhiệm của chủ nuôi chó và là quy định bắt buộc ở quốc gia này. Và với việc giao quyền trách nhiệm tới tuyến huyện để đảm bảo quản lý đàn chó được triển khai như một tiêu chí thi đua giữa các huyện để tiến tới xóa bỏ bệnh dại trên địa bàn đó, nên người dân đã có ý thức và tuân thủ quy định hơn rất nhiều.