Văn hóa đọc là kho tri thức của mỗi quốc gia
Tại buổi lễ phát động chương trình “Mỗi thanh niên, một cuốn sách làm bạn”, ông Nguyễn Hải Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã khẳng định sách là kho tàng tri thức quý giá lưu trữ khối kiến thức khổng lồ của nhân loại được tích lũy qua các thế hệ, đem lại nền tảng kiến thức và khai sáng cho trí tuệ con người. Sách chứa đựng mọi thứ: kiến thức, kinh nghiệm sống và cảm xúc con người, là những viên gạch xây nên những thành tựu của con người. Những quyển sách như hạt giống tâm hồn đem lại cho ta những cảm xúc trong cuộc sống… Đặc biệt, sách giúp chúng ta tự học, tự bồi dưỡng, nuôi dưỡng ước mơ, là “chìa khóa” mở cánh cổng của tri thức đưa chúng ta đến thành công.
Tầm quan trọng của sách tính đến thời hiện nay là không thể chối bỏ. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát từ Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cung cấp, có đến 41% số em dùng thời gian rảnh để lên mạng, 20% dùng để xem phim, 16% nghe nhạc và chỉ có 15% là đọc sách. Tất cả số liệu được công bố trên, không còn là điều bất ngờ. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, người trẻ bị thu hút bởi rất nhiều kênh khác nhau. Việc đọc sách ngày càng trở nên “lép vế”, xếp sau các nhu cầu và sở thích khác.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Phenikaa School chia sẻ về văn hóa đọc sách của người Do Thái. Dù chỉ là một dân tộc với hơn 8 triệu dân, nhưng họ lại có chỉ số IQ trung bình là 110, cao hơn mức trung bình của thế giới là 100. Ở quốc gia của họ, có tới hơn 1.000 thư viện công cộng với nhiều sách quý. Bên cạnh việc hình thành, xây dựng thói quen đọc sách từ khi nằm nôi cho trẻ nhỏ, người Do Thái hiện vẫn sử dụng hình ảnh con lừa thồ sách để dạy các con mình: nếu chỉ dừng ở việc đọc mà không biết ứng dụng thì trí tuệ đó cũng chỉ là trí tuệ chết. Và để có thể ứng dụng, trẻ em Do Thái không ngừng đọc sách và tích lũy kiến thức từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.
Qua đó cho thấy, tầm quan trọng của việc đọc sách ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trí tuệ của con người và lớn hơn là động lực để phát triển quốc gia. Hiện nay, ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Như vậy, văn hóa đọc sách của người dân còn nhiều hạn chế.
Thấu hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách đối với thế hệ trẻ Việt Nam, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, từ năm 2021, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức chương trình “Mỗi thanh niên, một cuốn sách làm bạn”, nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách; đồng thời xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách trong hội viên, thanh niên.
Chương trình “Mỗi thanh niên, một cuốn sách làm bạn” đã được các cấp bộ Đoàn, Hội, đoàn viên, hội viên và thanh niên tích cực tham gia hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực như thành lập các câu lạc bộ đọc sách; tổ chức các buổi giao lưu với các diễn giả, tác giả; hình thành thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong các bạn trẻ. Qua đó, giúp nhiều bạn trẻ tìm thấy những kiến thức, kỹ năng, ươm mầm những ước mơ, những giá trị của cuộc sống, định hướng tương lai để bước vào đời…
Ươm mầm tình yêu với những trang sách
Không chỉ nêu ra tầm quan trọng của việc đọc sách đến với mỗi con người, quốc gia. Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho các thí sinh tham gia cuộc thi “Cuốn sách hay thay đổi cuộc đời”. Cuộc thi để lại nhiều cảm xúc cho ban giám khảo, khi có rất nhiều bài thi được gửi về. Trong đó có những thí sinh nêu cảm nhận, suy nghĩ về các tác phẩm quen thuộc như “Thép đã tôi thế đấy”, nhưng có bài đi sâu vào những vấn đề đang “nóng” trong xã hội hiện nay như trầm cảm, trăn trở của tuổi trẻ,…
Bài thi của chị Mai Thị Xí (35 tuổi), đã giành giải nhất với tựa đề “Chênh vênh tuổi 20” chia sẻ cảm nhận của chị về cuốn sách “Cửa hàng dành cho những kẻ ngán sống” đã giúp chị thoát ra khỏi căn bệnh trầm cảm của những người trẻ gặp khủng hoảng ở độ tuổi 20. Chị cho biết, cuốn sách “Cửa hàng dành cho những kẻ ngán sống” của tác giả Jean Teulé là quyển được chị để trang trọng nhất trên giá của mình. Nhờ cuốn sách, chị đã trải qua được những trăn trở, lo âu tuổi 20, để tiếp tục dũng cảm tiến về phía trước. Chị tâm sự: “Đối với tôi, mỗi cuốn sách là một người bạn”. Câu nói này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều em học sinh trong hội trường.
Lễ phát động “Mỗi thanh niên, một cuốn sách làm bạn” còn có sự đồng hành của các diễn giả đến từ tòa soạn báo, trường phổ thông, doanh nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm đọc sách. Để từ đó “kích thích” tình yêu đối với “hành trình” đọc của các em học sinh, sinh viên tại Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Sinh viên của Báo Tiền Phong đã nói sách là cánh cửa mở ra những thế giới mới, giúp trí tưởng tượng của con người được “bay cao, bay xa” hơn: “Chỉ có sách mới giúp các em phát huy được trí tưởng tượng”. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn lấy ví dụ khi còn nhỏ anh rất thích đọc tiểu thuyết của nước Pháp. Vì vậy, sau này, lúc đi du học Pháp, đến những địa danh đã từng đọc, thì đáng tiếc lại không bao giờ đẹp như đã trong trí tưởng tượng.
Anh Nguyễn Huy Du – tác giả cuốn sách “Tỏa sáng từ những cháy bỏng khát vọng”, chia sẻ: “Nếu như chỉ nói mãi về việc sách hay, sách có ý nghĩa lắm, đôi khi nó sẽ không khiến giới trẻ thấy lôi cuốn mà làm họ hoang mang hơn”. Đối với anh, sách vừa phải là một người bạn, vừa là một người thầy. Vì nếu chỉ coi sách là thầy, độc giả sẽ cảm thấy áp lực. Còn nếu sách chỉ là bạn thì độc giả sẽ coi nhẹ việc đọc. Cho nên, hai yếu tố này phải song hành với nhau.
Chính nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các diễn giả và độc giả tâm huyết, đã truyền cảm hứng, ươm mầm cho những em học sinh may mắn tham dự Lễ phát động chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”. Em Bảo Minh lớp 10C2 Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa có chia sẻ: “Em là một người thích đọc sách. Sau buổi lễ ngày hôm nay, em đã hiểu hơn về giá trị những cuốn sách. Bản thân em sẽ thay đổi cách đọc sách để đạt được hiệu quả cao hơn trong việc học tập của mình”. Em Trung Hiếu (lớp 10C2, Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa) cũng cho biết: “Từ trước đến giờ, em không đọc sách nhiều, nhưng sau buổi hôm nay, em đã được truyền cảm hứng để bắt đầu đọc sách, tích lũy kiến thức chuẩn bị cho mình một nền tảng tri thức trong tương lai sắp tới”.
Đẩy mạnh văn hóa đọc bằng các thư viện miễn phí
Tại Úc, Chính phủ khuyến khích trẻ em đọc sách bằng cách mở các thư viện miễn phí ở mỗi vùng, cho phép trẻ đến đọc tại chỗ hoặc mượn tối đa năm quyển sách về nhà đọc trong vòng hai tuần. Các thư viện này chứa đầy sách với nhiều chủ đề và thể loại phù hợp nhu cầu khác nhau của độc giả. Thông qua đó, trẻ em hình thành thói quen đọc sách từ sớm và lớn lên với khả năng này.
Rất nhiều trẻ tại Úc làm thẻ thư viện và tự mượn sách về nhà đọc. Tại một đất nước có giá bán sách khá cao, việc mở thư viện miễn phí giúp trẻ em tiếp cận kiến thức dễ dàng mà không tốn tiền.
Trong khi đó, ở Việt Nam rất khó để khuyến khích sinh viên đọc sách hoặc ít nhất là đọc các sách cần cho việc học tập của họ. Phần lớn sinh viên thường lên mạng tìm kiếm thông tin và đối với họ, sau đó bị thu hút bởi những trang web, trò giải trí hấp dẫn khác.