vang bóng một thời

Mối tình kì lạ của cặp tình nhân âm nhạc danh tiếng Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lê Uyên & Phương là một trong những cặp tình nhân âm nhạc nổi danh nhất nhì của Sài Gòn những ngày xa xưa. Mối tình của họ rất đẹp, rất lạ lùng mà cũng đầy khắc khoải như thứ âm nhạc mà chàng sáng tác và nàng cất tiếng ca.
Lê Uyên & Phương thời yêu nhau say đắm.
Lê Uyên & Phương thời yêu nhau say đắm.

Tình yêu bị ngăn cấm

Bên cạnh những nhạc sĩ nổi danh trong dòng nhạc bán cổ điển như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Chương..., Lê Uyên & Phương cũng là cái tên được nhiều người mê nhạc yêu thích.

Rất nhiều người, khi đến Đà Lạt, thành phố sương mù, vẫn có sở thích ngồi trong một quán cà phê nhỏ trên đỉnh đồi và nghe nhạc Lê Uyên Phương.

Trên đôi vai thanh xuân/Ướp hôn nồng lên gối đắm say/Cánh sao trời theo gió rụng rơi đầy... (Dạ khúc cho tình nhân).

Dường như, thứ ấm nhạc ấy sẽ càng thấm sâu vào hồn người hơn giữa cái lạnh se và không gian cổ kính êm dịu của Đà Lạt. Còn một lý do khác nữa, Đà Lạt chính là nơi Lê Uyên & Phương từng sống những ngày tháng nồng nàn nhất của tình yêu son trẻ. Đà Lạt cũng chính là nơi những bài hát chứng nhân tình yêu ra đời.

Phương tên thật là Lê Minh Lập, sinh năm 1941 tại Đà Lạt. Cha của Lê Minh Lập vốn họ Phan, nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ là Công Tôn Nữ Phương Nhi – con gái thứ 9 của Vua Thành Thái. Do giấy tờ bị thất lạc nên ông phải làm lại giấy khai sinh hai lần, nhân viên làm giấy tờ nhầm tên thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc.

Lê Uyên nhỏ hơn Phương 9 tuổi, tên thật là Lâm Phúc Anh. Lâm Phúc Anh là con gái một thương gia giàu có người Hoa tại Chợ Lớn, năm 16 tuổi đã được cha đưa lên Đà Lạt học tại trường nữ học nổi tiếng Virgo Maria. 16 tuổi, cái tuổi vừa biết lớn, vừa biết mộng mơ, nhan sắc của nàng đã làm bao công tử phố núi rung động, đeo đuổi. Còn Phương - Lê Văn Lộc, hai bàn tay trắng, chỉ là một nhạc sĩ nghèo, mang trong mình căn bệnh lạ, mà đa số người chung quanh, kể cả bác sĩ đều cho rằng chàng không còn sống được bao lâu nữa. Có thời điểm, trên bàn tay và thân thể chàng bỗng dưng mọc lên những khối u lớn, mọng mà một vài chẩn đoán là ung thư xương. Vậy mà cuộc đời của hai con người hoàn toàn khác nhau về đẳng cấp, môi trường sống... lại giao nhau.

Bài nhạc đầu tay của Lê Văn Lộc là Buồn đến bao giờ được ông sáng tác năm 1960 tại Pleiku. Ngoài 20 tuổi, Lê Văn Lộc đã vang danh, sáng tác được nhiều bài tình ca buồn và đẹp. Lâm Phúc Anh ban đầu là say mê nhạc, rồi ngưỡng mộ con người. Nàng hay tìm đến Lê Văn Lộc để chia sẻ, tâm sự, mè nheo như với một người anh lớn. Và rồi tự lúc nào họ nảy sinh tình yêu.

Ngày đó, cả hai thường hẹn hò trên những quả đồi lãng mạn của thành phố Đà Lạt, nơi mà các cặp tình nhân thường tìm đến để quấn quýt. Đó cũng chính là nơi chàng ngỏ lời thề hẹn trăm năm với nàng. Vài chục năm sau này, Lê Uyên kể lại rằng, ngày đó biết là yêu nhau vô vọng, mù mịt tương lai nhưng vẫn cứ yêu, cứ mê đắm. Lê Uyên nói, bà yêu Phương vì ông tài hoa, ông lãng mạn, ông nồng nhiệt nhưng cũng mang đầy niềm u uẩn của một người bệnh nan y không biết mình sẽ ra đi lúc nào. Vì thế, trong tình yêu của họ luôn có bóng dáng ám ảnh của sự chết. Nhưng cũng vì thế mà nó say đắm, cuồng nhiệt đến cháy hết mình.

Tất nhiên gia đình Lâm Phúc Anh không khi nào chấp nhận mối quan hệ ấy. Cha Lâm Phúc Anh đưa cô về lại Sài Gòn để cách ly với Lê Văn Lộc. Để được gặp người yêu, Lộc xuống Sài Gòn. Nơi họ hẹn hò là ga Sài Gòn. Lê Văn Lộc ngồi trên các băng ghế nhà chờ, đóng vai hành khách với chiếc nón sụp che gần hết khuôn mặt. Lâm Phúc Anh vờ như một hành khách tình cờ khác đến ngồi cạnh. Những chiếc bánh mì khô quắt là thức ăn duy nhất của họ trong những buổi hẹn hò chẳng giống ai trên băng ghế dành cho khách chờ ấy. Một tháng trời yêu thương trong lén lút, trốn tránh gia đình. Thời gian gặp gỡ không nhiều và sau đó là nỗi nhớ đến cháy lòng khi phải cách xa nhau. 12 bài hát trong tập Khi loài thú xa nhau ra đời trong những ngày tháng đó.

Yêu nhau giữa đám rong rêu/theo dòng nước cuốn lêu bêu/Đi qua những phố thênh thang/Đi qua với trái tim khan/Ði qua phố bước lang thang/Đi qua với trái tim khan (Vũng Lầy của chúng ta).

Từ sau cuộc gặp gỡ định mệnh vào năm 1967, sự nghiệp sáng tác của Lê Uyên đã thăng hoa với hàng loạt bài hát đã trở thành kinh điển của dòng nhạc xưa. Có thể kể đến Lời gọi chân mây, Dạ khúc cho tình nhân, Cho lần cuối, Tình khúc cho em, Hãy ngồi xuống đây, Uống nước bên bờ suối, Chiều phi trường, Một ngày vui mùa đông… mà đến ngày nay vẫn còn ngân nga trên môi người.

Chia đôi cái tên

Rồi họ cũng có được nhau. Đầu những năm 70, Sài Gòn hoang mang trong lửa đạn, thanh niên Sài Gòn sôi nổi những buổi xuống đường và những đêm văn nghệ phản chiến.

Đôi tình nhân âm nhạc đã có những chuyến du ca khắp nơi.

Đôi tình nhân âm nhạc đã có những chuyến du ca khắp nơi.

Bên cạnh những ca khúc của Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ nỏi danh thời ấy, âm nhạc của Lê Uyên & Phương đã làm say lòng một thế hệ sinh viên Sài Gòn, với những bài hát vang bóng: Dạ khúc cho tình nhân, Bài ca hạnh ngộ, Cho lần cuối, Còn nắng trên đồi, Uống nước bên bờ suối... Giọng Lê Phương khàn, mạnh mẽ đầy sức sống thanh xuân. Giọng Uyên trầm, tĩnh lặng, ấm áp nâng đỡ cho Lê Phương thăng hoa. Họ đã kết hợp thành một cặp đôi âm nhạc tuyệt vời, lấy nghệ danh Lê Uyên & Phương, với cái tên chia đôi: Lê Uyên là nàng và Phương là chàng. Nghệ danh ấy đến một cách rất tình cờ: Một lần nọ, sau khi biểu diễn xong, cặp đôi nghệ sĩ vừa xuống sân khấu thì được một nhóm phóng viên tới phỏng vấn. Khi được hỏi, ai là Lê Uyên Phương, do lúc này Lê Uyên mới đi hát, chưa có nghệ danh nhưng không muốn dùng tên thật nên chàng nhạc sĩ đã khéo léo trả lời thay rằng: “Đây là Lê Uyên. Còn tôi là Phương”. Một cái tên bật ra tình cờ, nhưng thực chất kết hợp nhiều kỉ niệm của chàng, bao gồm tên người mẹ và tên của người tình đầu tiên.

Lê Uyên & Phương đã tạo "sóng gió" cho âm nhạc Sài Gòn những năm trước giải phóng. Thứ âm nhạc buồn, hoang mang, khác khoải như chính tâm thế giới trẻ Sài Gòn của Phương cộng với giọng hát khàn có hồn, đầy quyến rũ của Lê Uyên khiến người ta không thể nghe mà không ám ảnh, mê đắm.

Chia đôi cái tên, họ cũng chia nhau những ngày tháng trẻ trung đầy gian khổ nhưng cũng đầy say mê, đã cùng nhau thực hiện những chuyến du ca khắp nơi. Tiếng hát của Lê Uyên & Phương ngày ấy đã bay xa khỏi biên giới để đến với những phòng thu âm của nước ngoài.

Năm 1979, Lê Uyên & Phương định cư tại Mỹ, vẫn là một đôi nghệ sĩ đem tiếng hát để chiếm lấy hồn người. Sau đó, Phương lâm bệnh nặng. Căn bệnh khi còn trẻ đã bị đẩy lùi với sức mạnh của tình yêu đã quay lại, cướp lấy sinh mạng của ông. Trước khi bị cái chết chia lìa, đáng buồn là họ đã tự rời xa nhau bởi những bất đồng trong cuộc sống vợ chồng. Nhưng tình yêu là một cái gì đó vĩnh cửu giữa hai con người giàu yêu thương nhiều u uẩn ấy. Ngày Phương mất, Lê Uyên đau đớn đến chết đi sống lại. Như là mất đi một người yêu thương của định mệnh, cũng như là mất đi một tri kỉ, một nửa tâm hồn mà không gì bù đắp được.

Phương ra đi, Lê Uyên vẫn tiếp tục sự nghiệp chung của họ, mang âm nhạc của Phương đi lay động lòng người bằng tiếng hát của mình. Tiếng hát đã mất đi một nửa niềm vui, mất đi cung trầm của người đàn ông hát cùng và thêm vào rất nhiều day dứt, đớn đau.

Chỉ còn mình Lê Uyên độc hành trên con đường nghệ thuật, đi tiếp con đường dang dở của đôi tình nhân lạ lùng ấy. Bà cũng đã có bến đỗ bình yên cuối đời với một người đàn ông, từng là fan hâm mộ trung thành của bà.

Dẫu thế nào đi nữa, dẫu thời cuộc đổi dời, cuộc sống nhiều biến động, nhiều giá trị đã và đang mất đi, nhưng rất nhiều thế hệ hôm nay và cả sau này vẫn sẽ say đắm những khúc tình ca ấy. Bởi tình yêu là vĩnh cửu.

"Giờ này còn gần nhau/Gần đắm đuối trong nỗi sầu/Gần bối rối biên giới từ lòng đau..." (Cho lần cuối).

Giờ đây, những câu hát ấy vẫn mải miết vang lên trong nhiều không gian âm nhạc, âm vang trong lòng những người yêu nhạc Lê Uyên & Phương, dù người nhạc sĩ đầy say đắm ấy đã đi xa. Và, những ai say mê âm nhạc của Lê Uyên & Phương đều nhớ về mối tình của vợ chồng ông như một gia vị lãng mạn tuyệt vời khi thưởng thức những lời hát và giai điệu khắc khoải yêu thương.