Một cách làm phù hợp trong tôn tạo di tích lịch sử văn hóa

Việc tôn tạo Khu giao tế Quảng Bình không chỉ làm cho di tích khang trang, sạch đẹp, thu hút du khách đến với di tích mà còn bảo vệ được di tích trước những tác động xấu của môi trường thiên nhiên, bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ và phù hợp môi trường cảnh quan.

Khu giao tế Quảng Bình (thuộc xã Đức Ninh, TP Đồng Hới) được ra đời khi Hiệp định Genevơ được ký kết để phục vụ tổ cố định Quốc tế đóng tại Đồng Hới (Quảng Bình) giám sát việc thực hiện Hiệp định Genevơ, là di tích cấp Quốc gia đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định xếp hạng  từ năm1998.

Tại đây lưu giữ nhiều hình ảnh, kỉ vật quí báu về những lần đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta cũng như nhiều các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến làm việc. Tháng 5/1973, khu Giao tế được chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam.

Tháng 7/1973, Khu giao tế Quảng Bình đã đón tiếp và nhận trình quốc thư của 11 quốc gia đến đặt quan hệ ngoại giao như Rumani, Albani, Mông cổ, Nam Tư,… Tháng 9/1973, đã vinh dự đón và phục vụ Đoàn khách cao cấp của Đảng và Nhà nước CuBa do đồng chí Fidel Castro dẫn đầu. Nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bàn về giải phóng miền Nam đã được khởi xướng tại đây…

Căn nhà từng vinh dự đón Chủ tịch Fidel Castro
Căn nhà từng vinh dự đón Chủ tịch Fidel Castro cùng Đoàn khách cao cấp Đảng và Nhà nước Cuba 

Toàn bộ nhà của di tích trên được xây dựng từ năm 1969, tu sửa và mở rộng vào cuối năm 1972. Qua 40 năm, lại là nhà cấp 4, một thời gian dài sử dụng không đúng mục đích, di tích bị “hoang tàn”, xuống cấp nghiêm trọng.

Tháng 2/2009, Ban quản lý Di tích đã xin chủ trương của UBND tỉnh cho xây cổng, xây hàng rào, cải tạo trong khuôn viên (những ngôi nhà là di tích chính vẫn nguyên), làm đường nhỏ tiện cho du khách đi lại nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, tạo nên cảnh quan đẹp phục vụ tham quan, nghiên cứu.

UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp 600 triệu đồng để đầu tư, tôn tạo di tích, cải tạo mới hai khu vực trồng cây bóng mát và đường đi dạo, di dời một số cây xanh về vị trí phù hợp, đường nội bộ được đổ bê tông và lát gạch granitô, đường đi dạo được phân chia thành các ô cỏ, đổ bê tông, mặt lát gạch, vỉa hè đổ bê tông và lát gạch lá dừa. Các bồn hoa và bó vỉa xây gạch tuynen, trát vữa ximăng…

Đây là chủ trương đúng, một việc làm tích cực của UBND tỉnh Quảng Bình, nhằm tôn thêm vẻ kháng trang của di tích mà không mất đi giá trị lịch sử. Việc tôn tạo không chỉ làm cho di tích khang trang, sạch đẹp thu hút được du khách đến với di tích mà còn bảo vệ được di tích trước những tác động xấu của môi trường thiên nhiên, bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ và phù hợp môi trường cảnh quan. Đây cũng là kinh nghiệm để một số địa phương có di tích đang “chết chìm” học tập và áp dụng .

Giàng Nhả Trân

Đọc thêm