Một cuốn sách giá trị về tiền xưa ra mắt

(PLO) - Cứ lật giở từng trang sách, dễ thấy sự công phu của thú sưu tầm tiền, và ở góc độ nào đó, hiểu thêm được về lịch sử tiền tệ Việt Nam với từng tờ tiền cụ thể ở một thời kỳ lịch sử nhất định. 
Một cuốn sách giá trị về tiền xưa ra mắt

Lâu nay, sách về tiền tệ được viết và in rất ít, nhất là ấn phẩm chuyên sâu về tiền. Không hẳn kén người đọc, mà bởi, đâu có nhiều người am hiểu về lịch sử các đồng tiền. Có hiểu sâu, chắc hẳn là những nhà sưu tầm, nhưng họ lại không có cái lợi thế về viết lách.

Vừa qua, một cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về tiền đã ra mắt độc giả, đó là cuốn “Vietnam and French Indo-China banknotes catalogue”, được viết bởi Nhà sưu tầm tiền Nguyễn Huỳnh Thế Vinh, do Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành.

Được biết đến trong giới sưu tập tiền ở Việt Nam với biệt danh là Mr.UNC (UNC, viết tắt của Uncirculated, có nghĩa là chưa lưu hành. Mr. UNC là người chuyên sưu tầm tiền xưa với chất lượng hoàn hảo (mới cứng), Nguyễn Huỳnh Thế Vinh đã có 25 năm trong nghề sưu tầm. Với mong muốn góp phần định hướng việc sưu tầm tiền, giúp những người cùng đam mê không sưu tầm những tờ bạc giả, kém chất lượng, chia sẻ kinh nghiệm sưu tầm, nhà sưu tầm sống ở Sài Gòn này đã viết “Vietnam and French Indo-China banknotes catalogue” mà phần đầu tiên là “French Indo-China banknotes catalogue”.

Tác phẩm là khởi đầu của một sự án dài hơi về tiền, và ngay sau khi ra mắt cuốn đầu tiên, nhà sưu tầm đang bắt tay viết tiếp cuốn hai để có thể ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2018.

Với “Vietnam and French Indo-China banknotes catalogue”, tác giả giới thiệu chi tiết đến bạn đọc về tiền giấy Đông Dương sử dụng tại Việt Nam từ khi ra đời đến năm 1954, và về các cách sưu tầm tiền; giải thích rõ những thuật ngữ chuyên môn về tiền như “Bóng chìm - Watermark”, “Số lượng phát hành - Quantity of issue”…

 

Điều thú vị là sách có khổ 30x25cm để các tờ tiền được trình bày đúng hoặc sát với kích thước thật vốn có của nó. Các tờ tiền minh họa, đều lấy từ chính bộ sưu tập của tác giả và đã được kiểm định, được trình bày trên giấy bóng láng, in màu, bao bìa cứng để bảo quản được lâu.

Cứ lật giở từng trang sách, dễ thấy sự công phu của thú sưu tầm tiền, và ở góc độ nào đó, hiểu thêm được về lịch sử tiền tệ Việt Nam với từng tờ tiền cụ thể ở một thời kỳ lịch sử nhất định. Chẳng hạn với tờ 100 đồng bộ lư (tên giới sưu tầm tiền đặt cho các tờ tiền), qua trình bày của tác giả, ta biết được số lượng phát hành, thời gian lưu thông, và cách nhận dạng tờ tiền qua phần mô tả “màu vàng, nâu trên nền giấy trắng, Độc lư vàng bên trái.

Chân dung ông Dupleix (Toàn quyền Pháp tại Ấn Độ) chính giữa mặt sau. Thiết kế của nghệ sĩ Roque FEC; Chạm khắc bản kẽm bởi nghệ sĩ Rita Dreyfus”…

Tâm sự về thú sưu tầm tiền, tác giả cho hay: “Sưu tầm tiền giấy, đối với tôi, mỗi tờ tiền đều thể hiện cô đọng một bức tranh về tình hình kinh tế, chính trị của dân tộc tại một giai đoạn lịch sử. Mỗi tờ tiền là một bằng chứng sống động về quá khứ hào hùng của dân tộc. Sưu tầm tiền, ngoài việc là một thú chơi tao nhã còn là một hình thức gìn giữ lịch sử, gìn giữ niềm tự hào dân tộc”. Quả thật, mới chỉ qua ấn phẩm này thôi, ta đã thấy, nghề chơi thật lắm công phu…

Cái đẹp của tiền giấy nằm ở hoa văn, họa tiết và màu sắc. Tôi thấy các giai đoạn lịch sử, di tích, danh lam thắng cảnh, tôi thấy văn hóa nông nghiệp, thấy các anh hùng dân tộc,… Cái đẹp ấy giảm đi rất nhiều khi cầm trong tay một tờ tiền quá cũ, ẩm mốc hoặc phai màu. Do vậy, cho dù đã có rồi nhưng tờ nào chất lượng đẹp hơn tôi đều mua về bỏ vô bộ sưu tập, cứ mua liên tục cho đến khi nào có được tờ chất lượng đẹp nhất”.

Nguyễn Huỳnh Thế Vinh