Một góc khác về 'ông hoàng thơ tình yêu'

(PLO) - Có thể nói, thơ Xuân Diệu như là một bộ biên niên sử về xã hội Việt Nam, về con người Việt Nam, về văn hóa Việt Nam, từ thuở còn nô lệ đến ngày độc lập tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

 

Nhà thơ Xuân Diệu
Nhà thơ Xuân Diệu

Ngày 15/3, Hội thảo khoa học “Xuân Diệu với văn hóa dân tộc” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc kết hợp với Hội đồng hương Bình Định ở miền Bắc tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu đã diễn ra tại Hà Nội.

GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho hay, chủ đề chính của cuộc hội thảo này không phải bàn về sự nghiệp thơ ca của một thi sĩ hàng đầu trong làng thơ mới mà nói về sự cống hiến của ông cho sự nghiệp văn hóa dân tộc. 

Theo GS Hoàng Chương, đất Bình Định nói chung, huyện Tuy Phước nói riêng là đất võ trời văn, Xuân Diệu được thừa hưởng linh khí ấy. Năm 17 tuổi, Xuân Diệu đã có những bài thơ hay mang đậm hơi hướng dân ca. Cho dù học trường Tây, am hiểu văn học Pháp rất sớm nhưng điều đó không làm giảm đi tính dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước trong tâm hồn Xuân Diệu.

15 tập thơ của ông với 1.000 trang thơ cùng với 5 tập tiểu luận văn xuôi là di sản văn hóa dân tộc đặc biệt được Nhà xuất bản Văn học tập hợp in thành 6.000 trang sách là sự đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc. 1.000 trang thơ ấy với hàng trăm tên bài khác nhau, hàng trăm nội dung, đề tài khác nhau nhưng nhiều nhất là nói về quê hương, đất nước, về dân tộc, về Đảng và Bác Hồ.

Có thể nói, thơ Xuân Diệu như là một bộ biên niên sử về xã hội Việt Nam, về con người Việt Nam, về văn hóa Việt Nam, từ thuở còn nô lệ đến ngày độc lập tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

TS Nguyễn Minh San - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam nhấn mạnh: “Xuân Diệu là nhà thơ lớn của Việt Nam thời kỳ hiện đại”. Theo đó, hơn nửa thế kỷ qua, khi nói đến nhà thơ Xuân Diệu, hầu hết giới nghiên cứu và những người yêu thơ ông đều đồng lòng tôn vinh Xuân Diệu là “ông hoàng của thơ tình yêu”.

Thơ Xuân Diệu còn có đỉnh cao sáng tác về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trong các tác phẩm là một trong những thước đo tình yêu, đất nước, thể hiện tài năng nghệ thuật của văn nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Nhân dân Đàm Liên cũng bày tỏ suy nghĩ: “Tôi không những yêu mến và cảm phục một nhà thơ tài năng xuất chúng mà chính cuộc đời của ông càng làm tôi thêm khâm phục một nghị lực phi thường trước bao sóng gió mà ông đã trải qua, một tấm lòng nhân hậu bao la với tất cả mọi người, một sự nhiệt thành không bao giờ vơi cạn với thơ, với đời cho đến hơi thở cuối cùng”.

Mỗi người có góc nhìn riêng nhưng tựu trung lại đều khẳng định Xuân Diệu đã xây nên một lâu đài thơ ca lãng mạn và cách mạng. Thơ của ông rạo rực, đắm say tình yêu với đất nước, con người, cuộc đời, nhân thế. Đời Xuân Diệu là yêu, là miệt mài lao động vì nghệ thuật và vì nhân dân./.

Đọc thêm